hieuluat
Chia sẻ email

Được phép thỏa thuận lãi phạt trong hợp đồng vay tiền không?

Có được thỏa thuận lãi phạt trong hợp đồng vay không theo quy định hiện hành? Được tính lãi chồng lãi, lãi nhập gốc trong cho vay dân sự không? Cùng tìm hiểu nhé.

Mục lục bài viết
  • Có được thỏa thuận lãi phạt trong hợp đồng vay không?
  • Lãi chồng lãi là như thế nào?
  • Được quy định cho vay lãi nhập gốc trong hợp đồng không?

Có được thỏa thuận lãi phạt trong hợp đồng vay không?

Câu hỏi: Chào Luật sư, xin hỏi hợp đồng cho vay tiền dân sự giữa cá nhân và cá nhân hoặc vay ở các cửa hàng cầm đồ thì có được phép thỏa thuận lãi phạt không?

Ví dụ như bên vay không trả đúng hạn thì phải chịu một mức lãi phạt do vi phạm nghĩa vụ trả nợ.

Nếu được thỏa thuận thì có thể thỏa thuận lãi phạt này là bao nhiêu?

Cảm ơn đã hỗ trợ.

Chào bạn, với vướng mắc có được thỏa thuận lãi phạt trong hợp đồng vay không, chúng tôi giải đáp cho bạn dựa trên thông tin bạn cung cấp và quy định hiện hành như dưới đây.

Trước hết, theo thông tin bạn cung cấp, chúng tôi hiểu rằng, lãi suất mà các bên thỏa thuận trong trường hợp bên vay vi phạm nghĩa vụ trả nợ là khoản tiền phạt vi phạm theo Điều 418 Bộ luật Dân sự 2015.

Theo đó, các bên trong hợp đồng cho vay tiền dân sự (tức không thuộc trường hợp vay tiền từ tổ chức tín dụng) được quyền thỏa thuận về mức phạt vi phạm, số tiền phạt vi phạm hoặc lãi suất phạt vi phạm (áp dụng chung cho cả hợp đồng vay tiền có quy định lãi suất hoặc không quy định lãi suất trả tiền vay).

Ví dụ, các bên thỏa thuận nếu một trong các bên vi phạm nghĩa vụ được quy định trong hợp đồng vay tiền (bao gồm cả bên vay và bên cho vay) thì phải chịu tiền phạt với mức tiền phạt được tính là m%/tháng hoặc m%/năm hoặc m%/ngày,...

Cũng theo khoản 3 Điều 418 Bộ luật Dân sự, các bên có quyền thỏa thuận cả mức phạt vi phạm và mức bồi thường thiệt hại nếu có vi phạm hợp đồng.

Cần phân biệt lãi suất trong điều khoản phạt vi phạm và lãi suất để tính số tiền lãi phải trả của bên vay theo Điều 466 Bộ luật Dân sự 2015.

Theo Điều 466 Bộ luật Dân sự, lãi suất được áp dụng trong trường hợp hợp đồng vay có lãi mà đến thời hạn trả, bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì lãi suất được áp dụng gồm 3 loại là:

  • Lãi trên nợ gốc trong hạn: Là khoản lãi suất mà các bên thỏa thuận trong hợp đồng vay (điều khoản trả lãi khi vay tiền, không phải lãi tại điều khoản phạt vi phạm), tối đa mức lãi suất này là 20%/năm (nếu điều khoản lãi suất không rõ ràng thì mức lãi suất áp dụng là 10%/năm);

  • Lãi chậm trả trên nợ gốc trong hạn và được tính trên khoản lãi chưa trả (hay chính là khoản tiền lãi trên nợ lãi chưa trả tính đến thời điểm chậm trả): Được tính bằng 10%/năm cho thời hạn chậm trả (điểm b khoản 2 Điều 5 Nghị quyết 01/2019/NQ-HĐTP);

  • Lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả: Được áp dụng theo sự thỏa thuận của các bên nhưng tối đa không vượt quá 150% lãi suất tối đa cho vay (tức không quá 150% của 20%/năm) (điểm c khoản 2 Điều 5 Nghị quyết 01/2019/NQ-HĐTP);

Ngược lại, đối với việc vay vốn tại các tổ chức tín dụng, các bên có quyền thỏa thuận về việc phạt vi phạm, bồi thường thiệt hại nếu không có thỏa thuận về khoản lãi trên nợ gốc trong hạn, lãi trên số dư lãi chậm trả và lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả (khoản 4 Điều 13, khoản 1 Điều 25 Thông tư 19/2016/TT-NHNN).

Nói cách khác, nếu bạn vay ngân hàng, thì điều khoản về lãi suất trong hợp đồng tín dụng phải được quy định như sau:

  • Trường hợp 1: Nếu hợp đồng tín dụng có điều khoản về lãi phạt vi phạm, bồi thường thiệt hại theo Điều 25 Thông tư 19/2016/TT-NHNN thì không được phép quy định điều khoản về lãi trên nợ gốc trong hạn và lãi trên nợ gốc quá hạn;

  • Trường hợp 2: Nếu hợp đồng tín dụng không có điều khoản về lãi phạt vi phạm, bồi thường thiệt hại theo Điều 25 Thông tư 19/2016/TT-NHNN thì các bên được phép quy định điều khoản về lãi trên nợ gốc trong hạn và lãi trên nợ gốc quá hạn;

Trong đó:

  • Lãi trên nợ gốc trong hạn: Theo thỏa thuận của các bên;

  • Lãi trên số dư chậm trả: Tối đa bằng 10%/năm;

  • Lãi trên nợ gốc quá hạn: Tối đa bằng 150% lãi suất cho vay theo thỏa thuận của các bên;

Lưu ý rằng, dù là hợp đồng tín dụng hay hợp đồng vay tiền dân sự, các bên đều không được thỏa thuận điều khoản về lãi chồng lãi hoặc gộp lãi vào nợ gốc để tính lãi (chi tiết như chúng tôi trình bày ở phần dưới).

Nói cách khác, ngoài 3 loại lãi suất được áp dụng để tính tiền lãi vay và lãi tại điều khoản phạt vi phạm nêu trên thì các bên không được phép thỏa thuận khoản lãi nào khác.

Kết luận: Với câu hỏi, có được thỏa thuận lãi phạt trong hợp đồng vay không, chúng tôi giải đáp như sau:

  • Được phép thỏa thuận lãi phạt tại điều khoản phạt vi phạm trong hợp đồng vay dân sự;

  • Có thể được thỏa thuận lãi phạt tại điều khoản phạt vi phạm trong hợp đồng tín dụng nếu không có điều khoản về lãi suất của khoản tiền vay (lãi trên nợ gốc trong hạn, lãi trên số dư lãi chậm trả trong hạn, lãi trên nợ gốc quá hạn);

Các bên có được thỏa thuận lãi phạt trong hợp đồng vay không?Các bên có được thỏa thuận lãi phạt trong hợp đồng vay không?

Lãi chồng lãi là như thế nào?

Câu hỏi: Xin chào Quý Luật sư, tôi muốn hỏi việc lãi chồng lãi trong cho vay cá nhân với nhau hoặc vay ở tiệm cầm đồ có được phép thực hiện không?

Mấy ngày trước tôi qua trả lãi nhưng mà do trả muộn 1 tuần nên bên cho vay tính lãi suất gấp mấy lần so với thỏa thuận, tôi không đồng ý thì bên cho vay dọa sẽ tính tăng lãi nếu như tôi không trả.

Tôi không rõ trường hợp tính lãi này là như thế nào?

Bên cho vay tính lãi như vậy có đúng pháp luật không?

Mong Luật sư giải đáp cụ thể.

Trước hết, lãi chồng lãi được hiểu đơn giản là trong hợp đồng cho vay tiền, bên cho vay đã áp dụng thêm một lãi suất khác ngoài lãi suất trên nợ gốc, lãi chậm trả trên nợ gốc và lãi trên nợ gốc quá hạn theo quy định tại Điều 466 Bộ luật Dân sự đối với số tiền lãi phải trả khi đến hạn trong từng kỳ trả lãi.

Và cách tính lãi chồng lãi trong hợp đồng cho vay tiền dân sự hoặc kể cả cho vay tín dụng đều là hành vi pháp luật không cho phép thực hiện.

Ví dụ như, số tiền gốc bạn vay là a đồng, số tiền lãi trên nợ gốc phải trả hàng tháng là b đồng, lãi suất là n%/năm.

Đến thời hạn trả nợ hàng tháng, bạn phải trả b đồng nhưng bạn không trả đúng hạn đã thỏa thuận hoặc trả không đầy đủ.

Số tiền lãi chưa trả hoặc trả chưa đầy đủ được tạm gọi là b-1 đồng.

Lãi chồng lãi được hiểu là:

  • Tiền lãi mà bên vay phải trả cho tháng thứ 1 chậm trả (b-1 đồng) tại thời điểm t hiện nay là (b-1 đồng + tiền lãi chậm trả trong hạn của b-1 đồng + tiền lãi quá hạn của b-1 đồng) tính trên thời gian t ngày/tháng/năm, tạm gọi là x đồng;

  • Tiền lãi mà bên vay phải trả cho tháng thứ 2 chậm trả (số tiền cũng là b1-1 đồng) được tính là (b1-1 đồng + tiền lãi chậm trả trong hạn của b1-1 đồng + tiền lãi quá hạn của b1-1 đồng) tính trên thời gian t1 (t1 được tính từ thời điểm quá hạn trả lãi của tháng thứ 2 đến thời điểm t), tạm gọi là y đồng;

  • Lúc này, tổng của x đồng + y đồng là số tiền lãi phải trả tại thời điểm t của bên vay;

Cụ thể, theo khoản 5 Điều 466 Bộ luật Dân sự 2015, Điều 12, khoản 2 Điều 5 Nghị quyết 01/2019/NQ-HĐTP thì việc trả nợ không đúng hạn chỉ bị xử lý một lần với mức lãi suất quá hạn được áp dụng như sau:

5. Trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi như sau:

a) Lãi trên nợ gốc theo lãi suất thỏa thuận trong hợp đồng tương ứng với thời hạn vay mà đến hạn chưa trả; trường hợp chậm trả thì còn phải trả lãi theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này;

b) Lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả bằng 150% lãi suất vay theo hợp đồng tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Từ căn cứ trên, suy ra, tiền lãi phải trả và lãi suất được áp dụng trong trường hợp của bạn bao gồm 3 khoản tiền lãi như sau:

  • Tiền lãi trên nợ gốc trong hạn: Tức lãi trả trong thời hạn tính theo tháng được xác định là b đồng/tháng;

  • Tiền lãi chậm trả tính trên nợ gốc trong hạn: Được tính bằng = (nợ lãi chưa trả) x (10%/năm theo khoản 2 Điều 468 Bộ luật Dân sự) x (thời gian chậm trả tiền lãi trên nợ gốc) = c đồng;

  • Tiền lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả: Được tính bằng = (nợ gốc quá hạn chưa trả) x (lãi suất do các bên tự thỏa thuận nhưng tối đa là 150% hoặc x 150%) x (thời hạn chậm trả) = d đồng;

Lúc này, tổng số tiền lãi bạn phải trả cho bên vay tại thời điểm quá hạn t (ngày) bằng = b đồng + c đồng + d đồng = f (đồng).

Chẳng hạn, bạn vay 1 triệu, lãi suất là 20%/năm, quá thời hạn trả nợ theo tháng là 10 ngày và chưa trả tiền lãi của tháng nợ tính đến thời điểm quá hạn 10 ngày, thì tổng số tiền bạn phải trả cho bên cho vay tại thời điểm quá hạn 10 ngày là:

b đồng + c đồng + d đồng = (1 triệu x 20%/năm : 12 tháng) + (1 triệu x 20% : 365 x 10% : 365 x 10) + (1 triệu x (20% : 365) x 150% x 10) = 16.666,67 + 1,51 + 8.219,18 = 24.887,36 đồng.

Như vậy, có được thỏa thuận lãi phạt trong hợp đồng vay không là câu hỏi mà các bên cho vay thường gặp phải khi lập hợp đồng vay.

Theo đó, pháp luật dân sự cho phép các bên được thỏa thuận lãi phạt vi phạm, hay cách tính tiền phạt vi phạm trong hợp đồng vay tiền.

Còn đối với hợp đồng vay tín dụng hay vay tiền của tổ chức tín dụng (bao gồm có tài sản bảo đảm hoặc không tài sản bảo đảm) thì không được áp dụng quy định phạt vi phạm nếu đã có thỏa thuận về lãi chậm trả trong hạn và quá hạn.

Ngoài ra, dù khái niệm lãi chồng lãi hiện chưa được pháp luật định nghĩa nhưng các bên được quyền áp dụng tính tiền chậm trả đối với khoản tiền vay dân sự quá thời hạn trả và được tính dựa theo số tiền lãi mà bên vay chưa trả nhân với lãi suất 10%/năm trong thời hạn chậm trả.

Định nghĩa về lãi chồng lãi trong hợp đồng vay tiềnĐịnh nghĩa về lãi chồng lãi trong hợp đồng vay tiền 

Được quy định cho vay lãi nhập gốc trong hợp đồng không?

Câu hỏi: Chào Luật sư, xin hỏi các bên cho vay dân sự có được quyền lấy tiền lãi không trả đúng hạn nhập vào thành tiền gốc vay và tính lãi trên tổng số tiền đó không?

Quy định của pháp luật về vấn đề này như thế nào, mong được Luật sư giải đáp.

Chào bạn, như chúng tôi đã trình bày, đối với hợp đồng vay tiền dân sự (hoặc kể cả hợp đồng vay tín dụng), các bên được quyền áp dụng lãi gồm 3 loại:

  • Lãi trên nợ gốc trong hạn: Do các bên thỏa thuận nhưng không được vượt quá 20%/năm đối với vay dân sự;

  • Lãi chậm trả đối với khoản tiền lãi trong hạn: 10%/năm (theo khoản 2 Điều 468 Bộ luật Dân sự);

  • Lãi trên nợ gốc chưa trả: Tối đa bằng 150% lãi suất cho vay do các bên thỏa thuận;

Trong đó, nợ gốc được hiểu là số tiền ban đầu bên vay được nhận từ bên cho vay theo hợp đồng vay và không bao gồm khoản tiền lãi phát sinh từ hợp đồng vay.

Nếu gộp khoản tiền lãi vào nợ gốc để trở thành khoản tiền gốc mới thì số tiền nợ ban đầu sẽ không còn đúng với hợp đồng vay, đồng thời, khoản tiền lãi gộp vào khoản nợ gốc sẽ được hiểu là khoản lãi chồng lãi.

Và nếu là khoản lãi chồng lãi thì trái với quy định về việc tính lãi suất như Điều 466 đã nêu trên.

Như vậy, căn cứ Bộ luật Dân sự, chúng tôi giải đáp câu hỏi có được thỏa thuận lãi phạt trong hợp đồng vay không như ở phần trên (được thỏa thuận nếu là cho vay dân sự và có thể được thỏa thuận nếu cho vay tín dụng).

Pháp luật không cho phép được gộp khoản lãi theo hợp đồng vay thành khoản nợ gốc để tính lãi suất trong chu kỳ kế tiếp của thời gian vay bởi như vậy sẽ được coi là đang áp dụng tính lãi chồng lãi và đây là điều pháp luật cấm thực hiện.

Trên đây là giải đáp về Có được thỏa thuận lãi phạt trong hợp đồng vay không? Nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ 19006199 để được hỗ trợ.

Nguyễn Văn Việt

Tham vấn bởi: Luật sư Nguyễn Văn Việt

Công ty Luật TNHH I&J - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Tin cùng chủ đề

Có thể bạn quan tâm

X