hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Sáu, 28/07/2023
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Ủy quyền đòi nợ là gì? Được phép thực hiện không?

Có được ủy quyền đòi nợ không? Quy định của pháp luật về việc đòi nợ cá nhân, nợ dân sự như thế nào? Cùng chúng tôi tìm hiểu trong bài viết sau đây nhé.

 
Mục lục bài viết
  • Có được ủy quyền đòi nợ không?
  • Mẫu giấy ủy quyền đòi nợ cá nhân có nội dung gì?
  • Giấy ủy quyền đòi nợ có cần công chứng không?

Câu hỏi: Chào Luật sư, tháng 5.2022, tôi có cho một người cùng thôn (ông A) vay mấy chục triệu đồng là tiền tiết kiệm, tích cóp của tôi để cho họ làm ăn, trả nợ.

Một phần vì chúng tôi cũng có quan hệ bạn bè qua lại, phần còn lại là cũng vì họ đang khó khăn, tôi có chút tiền chưa dùng tới thì cho họ vay để trang trải kinh tế.

Theo giấy vay tiền mà chúng tôi đã lập thì ông A vay tôi trong thời hạn 6 tháng, không có lãi, đến hết tháng 11/2022, ông A phải trả lại toàn bộ số tiền đã vay của tôi.

Tuy nhiên đến hết tháng 12/2022 tôi có đề nghị ông A trả lại tiền đã vay mà ông A không thực hiện.

Việc xin lùi thời hạn trả nợ, xin trả dần, xin trả trực tiếp…được ông A thực hiện, kéo dài từ thời điểm tháng 12/2022 cho tới hiện tại.

Mặc dù tôi đã nhiều lần bày tỏ thái độ, yêu cầu phải trả cho tôi để tôi sử dụng nhưng qua nhiều lần cò kè, mặc cả, xin lùi thời hạn, đến nay tôi vẫn chưa nhận được một đồng tiền trả nào từ ông A.

Do tính chất công việc, tôi phải vào Nam công tác trong thời gian nửa năm, vậy nên, tôi muốn ủy quyền cho em trai tôi giúp tôi đòi lại số nợ này từ ông A.

Xin hỏi Luật sư, tôi có được phép ủy quyền cho em trai tôi thực hiện công việc này hay không?

Chào bạn, có được ủy quyền đòi nợ không, quy định của pháp luật về vấn đề này như thế nào là những vướng mắc được chúng tôi giải đáp như sau:

Có được ủy quyền đòi nợ không?

Hiểu đơn giản, ủy quyền đòi nợ được hiểu là việc cá nhân, pháp nhân, tổ chức... trao quyền đòi nợ/thu hồi nợ cho một cá nhân, tổ chức khác có đủ năng lực, điều kiện theo quy định pháp luật.

Căn cứ quy định tại Điều 138 Bộ luật Dân sự 2015, cá nhân có thể ủy quyền cho người khác được đại diện mình xác lập, thực hiện các giao dịch dân sự.

Vay tiền là một giao dịch dân sự, do vậy, bạn có quyền ủy quyền cho em trai của mình đại diện, thay mặt, nhân danh mình đòi lại số tiền mà ông A đã vay của bạn theo giấy vay tiền đã được lập.

Căn cứ quy định của Bộ luật Dân sự, khi ủy quyền, bạn cần chú ý đến một số vấn đề sau đây:

  • Em trai bạn là người từ đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ (khoản 3 Điều 138);

  • Thỏa thuận rõ phạm vi ủy quyền: Ví dụ đòi nợ, quyết định các vấn đề liên quan đến khoản nợ, thực hiện khởi kiện, làm việc với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền về khoản nợ của bạn với ông A… (Điều 141);

  • Việc ủy quyền nên được lập thành văn bản;

  • Thời hạn ủy quyền: Hoặc là xác định thời hạn cụ thể hoặc là ủy quyền chấm dứt nếu như đã hoàn thành công việc hoặc hai bên có thỏa thuận/chấm dứt theo quy định pháp luật;

Trong đó, cần đặc biệt lưu ý đến phạm vi của đại diện theo ủy quyền, bởi đây là điều khoản/thỏa thuận quyết định người được ủy quyền có thể làm những gì và không làm những gì.

Kết luận: Căn cứ Bộ luật Dân sự 2015, chúng tôi giải đáp câu hỏi, có được ủy quyền đòi nợ không cho bạn như sau:

  • Pháp luật cho phép bạn được ủy quyền cho người khác nhân danh, đại diện đòi nợ thay cho mình;

  • Khi ủy quyền, nên lưu ý một số nội dung/vấn đề như chúng tôi đã trình bày ở trên;

Theo quy định, có được ủy quyền đòi nợ không?Theo quy định, có được ủy quyền đòi nợ không?

Mẫu giấy ủy quyền đòi nợ cá nhân có nội dung gì?

Trước hết, pháp luật hiện hành chưa ban hành mẫu giấy ủy quyền đòi nợ cá nhân.

Ủy quyền cho người khác thực hiện công việc đòi nợ/thu hồi nợ dân sự là một trong những giao dịch dân sự theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015.

Theo đó, các điều khoản cơ bản có trong giấy ủy quyền đòi nợ cá nhân thường gồm:

  • Thông tin về ngày tháng năm lập giấy ủy quyền;

  • Thông tin về họ tên, số giấy tờ tùy thân, nơi thường trú/nơi ở hiện tại của bên ủy quyền, bên được ủy quyền;

  • Căn cứ ủy quyền;

  • Phạm vi/nội dung ủy quyền;

  • Thù lao ủy quyền;

  • Thời hạn ủy quyền;

  • Các điều khoản khác (ví dụ quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm, bồi thường thiệt hại, ủy quyền lại, cam đoan của các bên…);

  • Chữ ký, họ tên của người ủy quyền;

Dựa trên những phân tích, căn cứ đã nêu, chúng tôi cung cấp tới bạn đọc mẫu giấy ủy quyền đòi nợ cá nhân đơn giản, được sử dụng nhiều hiện nay như sau:

Sửa/In biểu mẫu

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

 

­­GIẤY ỦY QUYỀN

(V/v đòi nợ/thu hồi nợ theo giấy vay tiền số… lập ngày… tháng…năm.....)

Hôm nay, ngày …. tháng…. năm 20..., tại địa chỉ: …

Tôi là……., sinh năm…..

Mang thẻ Căn cước công dân số... do Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội cấp ngày ... tháng ... năm ...

Đăng ký thường trú tại…..

Tôi là bên cho vay theo giấy vay tiền được lập ngày…. với bên vay là ông/bà…

Quyền và nghĩa vụ của Bên A được xác lập theo quy định của pháp luật và giấy vay tiền kể từ thời điểm giấy vay tiền có hiệu lực (tức ngày…tháng…. năm…).

Bằng văn bản này, tôi đồng ý ủy quyền cho ... Ông/Bà……., sinh năm…..Mang thẻ Căn cước công dân số... do Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội cấp ngày ... tháng ... năm ... Đăng ký thường trú tại….. được đại diện, thay mặt, nhân danh Bên A thực hiện các công việc với nội dung như sau:

1. Được toàn quyền thực hiện mọi giao dịch, công việc liên quan đến việc thu hồi khoản nợ ........... đồng (........ đồng) của ông ... (mang chứng minh nhân dân/căn cước công dân số ... do … ... cấp ngày ... tháng ... năm .....) có nghĩa vụ thanh toán cho tôi theo giấy vay tiền đã nêu;

2. Khi thực hiện các nội dung ủy quyền, Ông/bà…. được lập, ký các giấy tờ cần thiết tại cơ quan Nhà nước, với tổ chức, cá nhân có liên quan;

3. Được toàn quyền thay mặt, nhân danh, đại diện cho tôi làm việc với các cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan đến giao dịch vay tiền như đã nêu;

4. Được quyền sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ các giao dịch, giấy tờ, tài liệu đã xác lập với tư cách là người được ủy quyền với các bên khác trong quá trình thực hiện công việc ủy quyền;

5. Được phép ủy quyền lại cho bên thứ ba các nội dung nhận ủy quyền được ghi nhận trong văn bản này;

Thù lao ủy quyền: Việc ủy quyền này không có thù lao.

Thời hạn ủy quyền: Kề từ thời điểm bản hợp đồng này được công chứng cho đến khi bên được ủy quyền hoặc bên thứ ba thực hiện xong công việc được ủy quyền.

Tôi xin cam đoan, trước khi lập văn bản ủy quyền này, tôi chưa ủy quyền cho ai thực hiện các công việc trong phạm vi ủy quyền nói trên.

Tôi xin chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật về mọi hậu quả do Ông/bà… là bên được ủy quyền hoặc bên thứ ba được ủy quyền lại hợp pháp theo nội dung ủy quyền được nêu tại văn bản này.

NGƯỜI ỦY QUYỀN

(ký, điểm chỉ, ghi rõ họ tên)

Vậy nên, từ quy định của Bộ luật Dân sự, suy ra, giải đáp cho câu hỏi, có được ủy quyền đòi nợ không như sau: Được phép ủy quyền đòi nợ.

Trong trường hợp lập giấy ủy quyền đòi nợ, bạn có thể lựa chọn, sử dụng mẫu giấy ủy quyền đòi nợ với nội dung như chúng tôi đã cung cấp ở trên.

Mẫu giấy ủy quyền đòi nợ cá nhânMẫu giấy ủy quyền đòi nợ cá nhân 

Giấy ủy quyền đòi nợ có cần công chứng không?

Căn cứ quy định tại Bộ luật Dân sự 2015, Luật Công chứng 2014, giấy ủy quyền đòi nợ không bắt buộc phải công chứng.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nên công chứng giấy ủy quyền đòi nợ bởi những lý do sau đây:

Một là, xác định tính đúng pháp luật của nội dung, hình thức ủy quyền

  • Công chứng giấy ủy quyền đòi nợ là việc công chứng viên sẽ chứng nhận về nội dung và hình thức của giấy ủy quyền/hoặc chứng thực chữ ký trên giấy ủy quyền theo quy định của pháp luật Việt Nam;

  • Giấy ủy quyền đòi nợ được công chứng cũng là căn cứ để làm việc với các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác;

Hai là, xác định tính có thực của việc ủy quyền

  • Công chứng giấy ủy quyền là việc xác định tính có thực về việc ủy quyền của người ủy quyền cho người được ủy quyền;

  • Điều này nhằm tránh trường hợp người được ủy quyền tự ý thực hiện công việc không được ủy quyền;

  • Là căn cứ để các bên liên quan xác định người có thẩm quyền, trách nhiệm giải quyết, xử lý công việc;

Ba là, là nguồn chứng cứ nếu phát sinh tranh chấp

  • Là một trong những nguồn chứng cứ nếu phát sinh tranh chấp giữa các bên trong quá trình thực hiện công việc theo ủy quyền;

  • Đây cũng là căn cứ để xác định trách nhiệm pháp lý của các bên trong quan hệ ủy quyền và trong thực hiện, xác lập, xử lý các vấn đề liên quan đến quan hệ vay tiền của bên ủy quyền;

Như vậy, chúng tôi đã giải đáp toàn bộ vướng mắc về vấn đề, có được ủy quyền đòi nợ không, mẫu giấy ủy quyền đòi nợ có nội dung gì, phải công chứng không trong các phần đã nêu trên.

Theo đó, trước khi ủy quyền, bên ủy quyền, bên được ủy quyền cần tham khảo quy định pháp luật về quyền, nghĩa vụ của mình cũng như dự liệu các tình huống có thể phát sinh nếu việc ủy quyền được diễn ra để nhằm đảm bảo thực hiện mục tiêu đòi lại tiền đã cho vay.

Trên đây là giải đáp về vấn đề Có được ủy quyền đòi nợ không? Nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ.

Nguyễn Văn Việt

Tham vấn bởi: Luật sư Nguyễn Văn Việt

Công ty Luật TNHH I&J - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Có thể bạn quan tâm

X