hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Năm, 27/01/2022
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Có được ủy quyền giải quyết tranh chấp đất đai không?

Đất đai là lĩnh vực dễ dàng xảy ra tranh chấp, việc giải quyết các tranh chấp đất đai cũng không hề đơn giản. Khi xảy ra tranh chấp, bởi nhiều lý do khác nhau mà nhiều người không thể tự mình tham gia giải quyết. Vậy, có được ủy quyền để giải quyết tranh chấp đất đai không?

Mục lục bài viết
  • Có được ủy quyền giải quyết tranh chấp đất đai không?
  • Ủy quyền giải quyết tranh chấp đất đai có phải lập thành văn bản không?
  • Thời hạn ủy quyền giải quyết tranh chấp đất đai bao lâu?
  • Thủ tục ủy quyền giải quyết tranh chấp đất đai thế nào?
Câu hỏi: Tôi có một thửa đất với diện tích đất 200m2. Diện tích đất này đã được UBND huyện ĐA cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đến đầu năm 2020, gia đình ông B là chủ sử dụng đất liền kề đã xây dự công trình nhà ở lấn sang đất nhà tôi với tổng diện tích khoảng 40m2.
Nay gia đình tôi muốn kiện nhà ông B ra Tòa án nhân dân huyện ĐA để giải quyết tranh chấp. Tuy nhiên, do gia đình tôi hiện đang ở địa phương khác. Hơn nữa, do tính chất công việc nên tôi không thể sắp xếp thời gian tham gia vào quá trình giải quyết tranh chấp tại Tòa án. Vậy tôi có thể ủy quyền giải quyết tranh chấp đất đai cho người khác được không?

Có được ủy quyền giải quyết tranh chấp đất đai không?

Hiện, Luật Đất đai 2013 không có quy định cụ thể thể về việc ủy quyền giải quyết tranh chấp đất đai mà vấn đề này được điều chỉnh tại các quy định khác có liên quan .

Theo khoản 1 Điều 138 Bộ luật Dân sự 2015:

1. Cá nhân, pháp nhân có thể ủy quyền cho cá nhân, pháp nhân khác xác lập, thực hiện giao dịch dân sự.

Tại khoản 2 Điều 86 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy đinh:

2. Người đại diện theo ủy quyền trong tố tụng dân sự thực hiện quyền, nghĩa vụ tố tụng dân sự của đương sự theo nội dung văn bản ủy quyền.

Khoản 3 Điều 60 Bộ luật tố tụng hành chính 2015 cũng quy định:

3. Người đại diện theo ủy quyền trong tố tụng hành chính phải là người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, được đương sự hoặc người đại diện theo pháp luật của đương sự ủy quyền bằng văn bản.

Từ những quy định trên, bạn hoàn toàn có thể ủy quyền cho người khác thay mình tham gia vào quá trình giải quyết tranh chấp đất đai.

Theo đó, nội dung ủy quyền; phạm vi công việc được thực hiện; trách nhiệm của người nhận ủy quyền được xác định dựa trên cơ sở sự thỏa thuận của các bên. Trường hợp quyền sử dụng đất trên là của hộ gia đình bạn hoặc tài sản chung của hai vợ chồng thì việc ủy quyền này phải được sự đồng ý; thống nhất của những người còn lại.

Có được ủy quyền giải quyết tranh chấp đất đai không? (Ảnh minh họa)


Ủy quyền giải quyết tranh chấp đất đai có phải lập thành văn bản không?

Trên thực tế, trong mọi hình thức giải quyết tranh chấp đất đai, Tòa án hay UBND sẽ yêu cầu xuất trình các giấy tờ liên quan đến việc ủy quyền, trong đó bao gồm Giấy ủy quyền. Bởi tranh chấp đất đai tương đối phức tạp, những người tham gia phải có đủ tư cách pháp lý. Do vậy, người nhận ủy quyền phải chứng minh được việc ủy quyền thông qua Giấy ủy quyền.

Mặc dù pháp luật không nói rõ Giấy ủy quyền tranh chấp đất đai phải được công chứng, chứng thực. Thế nhưng để việc ủy quyền được xác thực tính hợp pháp, đồng thời tránh những rủi ro phát sinh, trong quá trình ủy quyền các bên phải tiến hành công chứng, chứng thực Giấy ủy quyền.

 

Thời hạn ủy quyền giải quyết tranh chấp đất đai bao lâu?

Thời hạn uỷ quyền sẽ do các bên thỏa thuận hoặc do pháp luật quy định, trường hợp không có thoả thuận và pháp luật không có quy định thì hợp đồng uỷ quyền có hiệu lực 01 năm, kể từ ngày xác lập việc uỷ quyền.

Theo đó, thời hạn uỷ quyền tranh chấp đất đai trên thực tế có thể được xác định theo các trường hợp sau:

- Theo thoả thuận của các bên được ghi nhận trong giấy uỷ quyền;

- Thời hạn uỷ quyền đã hết theo quy định của pháp luật;

- Công việc được uỷ quyền đã hoàn thành;

- Người uỷ quyền hoặc người nhận uỷ quyền đơn phương chấm dứt thực hiện việc uỷ quyền;

- Người uỷ quyền hoặc người nhận uỷ quyền là cá nhân chết;

- Trường hợp người nhận uỷ quyền không có đủ năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự để tham gia giải quyết tranh chấp đất đai;

- Các căn cứ khác làm cho việc uỷ quyền không thể thực hiện được.

 

Thủ tục ủy quyền giải quyết tranh chấp đất đai thế nào?

Để thực hiện ủy quyền giải quyết tranh chấp đất đai, các bên viết Giấy ủy quyền và tiến hành côn chứng, chứng thực. Trình tự, thủ tục cụ thể như sau:

Bước 1: Chuẩn bị giấy tờ

- Giấy tờ nhân thân của bên ủy quyền và bên nhận ủy quyền: Chứng minh nhân dân; Căn cước công dân; Hộ chiếu; Sổ hộ khẩu của bên ủy quyền

- Giấy tờ chứng minh quan hệ hôn nhân của bên ủy quyền trong trường hợp đất đang tranh chấp là tài sản chung của hai vợ chồng; Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; Giấy tờ thể hiện việc góp vốn là quyền sử dụng đất; Giấy đăng ký kinh doanh;…

- Giấy tờ làm căn cứ ủy quyền khác như Giấy triệu tập làm việc; Giấy mời;…

- Giấy ủy quyền giải quyết tranh chấp đất đai với đầy đủ nội dung đã chuẩn bị sẵn;

- Phiếu yêu cầu chứng thực văn bản ủy quyền giải quyết tranh chấp đất đai;

Bước 2: Chứng thực giấy uỷ quyền tranh chấp đất đai

Sau khi chuẩn bị các giấy tờ như trên, bên ủy quyền liên hệ với Văn phòng công chứng; Phòng công chứng hoặc Ủy ban nhân dân để chứng thực giấy ủy quyền.

Bước 3: Tiếp nhận và kiểm tra hồ sơ

Người thực hiện chứng thực kiểm tra hồ sơ, giấy tờ yêu cầu chứng thực. Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ để thực hiện thủ tục thì yêu cầu người ủy quyền bổ sung đầy đủ. Trường hợp đầy đủ giấy tờ theo quy định thì hướng dẫn người ủy quyền thực hiện chứng thực.

Bước 4: Chứng thực giấy ủy quyền giải quyết tranh chấp đất đai

Người yêu cầu chứng thực ký vào giấy ủy quyền trước mặt người thực hiện chứng thực. Người thực hiện chứng thực thực hiện các công việc sau:

- Ghi đầy đủ lời chứng chứng thực chữ ký theo mẫu quy định phía dưới chữ ký được chứng thực; hoặc trang liền sau của giấy ủy quyền có chữ ký được chứng thực.

- Người thực hiện chứng thực ký, ghi rõ họ tên, đóng dấu của cơ quan, tổ chức thực hiện chứng thực và ghi vào sổ chứng thực.

Lưu ý: Đối với giấy tờ, văn bản có từ hai tờ trở lên thì phải đóng dấu giáp lai. Trường hợp lời chứng được ghi tại tờ liền sau của trang có chữ ký thì phải đóng dấu giáp lai giữa giấy tờ, văn bản chứng thực chữ ký và trang ghi lời chứng.

Bước 5: Nhận giấy ủy quyền đã được chứng thực.

Trên đây là các thông tin về Có được ủy quyền giải quyết tranh chấp đất đai. Nếu còn băn khoăn, bạn đọc thể liên hệ với chúng tôi qua hotline  19006199 để được các chuyên gia pháp lý hỗ trợ.

Tin cùng chủ đề

Có thể bạn quan tâm

X