hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Năm, 13/07/2023
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Được phép uỷ quyền tố cáo không?

Có được ủy quyền tố cáo không? Trình tự thực hiện như thế nào? Người tố cáo có được mời Luật sư bảo vệ quyền lợi cho mình không? Cùng tìm hiểu nhé.

 
Mục lục bài viết
  • Theo quy định, có được uỷ quyền tố cáo không?
  • Trình tự tố cáo như thế nào?
  • Người tố cáo có được mời Luật sư bảo vệ quyền lợi cho mình không?

Câu hỏi: Chào Luật sư, xin hỏi, nếu cá nhân phát hiện hành vi vi phạm pháp luật của người khác, không muốn trực tiếp thực hiện tố cáo mà muốn ủy quyền cho người khác thay mình thực hiện tố cáo thì có được không?

Trình tự thực hiện tố cáo như thế nào?

Trong trường hợp cần phải giải quyết với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về các vấn đề liên quan đến nội dung tố cáo thì cá nhân có thể mời Luật sư bảo vệ quyền lợi cho mình không?

Chân thành cảm ơn đã hỗ trợ.

Chào bạn, xoay quanh vướng mắc về vấn đề có được ủy quyền tố cáo không, trình tự thực hiện thế nào, chúng tôi giải đáp như sau đây.

Theo quy định, có được uỷ quyền tố cáo không?

Trước hết, tố cáo được hiểu là hành vi của cá nhân theo thủ tục luật định báo cho cơ quan có thẩm quyền được biết về hành vi vi phạm pháp luật, gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến cá nhân, cơ quan, tổ chức, Nhà nước và gồm:

  • Tố cáo về hành vi vi phạm pháp luật trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, viên chức, cơ quan, tổ chức;

  • Tố cáo về hành vi vi phạm pháp luật về quản lý Nhà nước trong các lĩnh vực của bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào trong việc chấp hành pháp luật;

Căn cứ quy định của Luật Tố cáo số 25/2018/QH14, người tố cáo không được ủy quyền thực hiện tố cáo bởi những lý do sau đây:

Một là, về hình thức tố cáo

  • Điều 22, Điều 23 Luật Tố cáo quy định, người tố cáo có thể thực hiện tố cáo bằng hình thức gửi đơn hoặc trình bày trực tiếp tại cơ quan, tổ chức có thẩm quyền;

  • Trong đó, nếu người tố cáo làm đơn thì phải ký tên hoặc điểm chỉ vào đơn tố cáo;

  • Nếu người tố cáo trình bày trực tiếp thì người tiếp nhận hướng dẫn người tố cáo viết đơn hoặc ghi lại nội dung tố cáo bằng văn bản và yêu cầu người tố cáo ký tên hoặc điểm chỉ vào văn bản;

Hai là, về mục đích của tố cáo

  • Mục đích của tố cáo là để cho cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết tố cáo được biết về hành vi vi phạm pháp luật của cá nhân, tổ chức, cơ quan khác nên nếu ủy quyền thì người nhận ủy quyền sẽ không thể hiểu rõ được nội dung vấn đề cũng như không có quyền quyết định các vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người tố cáo;

  • Mặt khác, tố cáo là ý chí chủ quan, là sự nhận thức của người tố cáo về một vấn đề, hành vi, sự kiện của cá nhân, cơ quan, tổ chức khác nên nếu ủy quyền sẽ không đảm bảo được tính khách quan, ý chí của chủ thể thực hiện tố cáo;

Ba là, liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người tố cáo

  • Trong số nghĩa vụ của người tố cáo thì nghĩa vụ phải trình bày trung thực về nội dung tố cáo, phải cung cấp những tài liệu, thông tin liên quan đến nội dung tố cáo mà mình có được và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung tố cáo (Điều 9 Luật Tố cáo);

  • Điều này có nghĩa rằng, tố cáo là hành vi của cá nhân và phải chịu trách nhiệm pháp luật cá nhân về những nội dung mà mình tố cáo, do đó, không thể ủy quyền để người khác thực hiện nghĩa vụ chịu trách nhiệm pháp luật, khai báo những điều mình biết cho cơ quan tiếp nhận được;

Như vậy, với câu hỏi có được uỷ quyền tố cáo không, căn cứ Luật Tố cáo, chúng tôi giải đáp như sau:

  • Không được phép ủy quyền thực hiện tố cáo;

  • Người tố cáo phải tự mình thực hiện tố cáo bằng cách làm đơn tố cáo hoặc trình bày nội dung tố cáo trực tiếp tại cơ quan tiếp nhận;

Có được ủy quyền tố cáo không theo quy định pháp luật?Có được ủy quyền tố cáo không theo quy định pháp luật?

Trình tự tố cáo như thế nào?

Căn cứ quy định tại Điều 22, Điều 23, Điều 24, Điều 25 Luật Tố cáo, trình tự thực hiện tố cáo như sau:

  • Bước 1: Gửi thông tin tố cáo

  • Bước 2: Cơ quan, tổ chức có thẩm quyền tiếp nhận tố cáo

  • Bước 3: Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền tiến hành xử lý ban đầu thông tin tố cáo

  • Bước 4: Xử lý tố cáo có dấu hiệu tội phạm

  • Bước 5: Giải quyết tố cáo 

Chi tiết các công việc được thực hiện trong từng bước thực hiện tố cáo như sau:

Các bước thực hiện

Mô tả cụ thể

Bước 1: Gửi thông tin tố cáo

Thông tin tố cáo được gửi thông qua 2 hình thức:

  • Gửi đơn tố cáo;

  • Hoặc trình bày trực tiếp tại cơ quan, tổ chức có thẩm quyền tiếp nhận tố cáo;

Bước 2: Cơ quan, tổ chức có thẩm quyền tiếp nhận tố cáo

  • Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tố cáo có trách nhiệm tổ chức việc tiếp nhận tố cáo theo luật định;

  • Việc tiếp nhận được thể hiện bằng việc tiếp nhận đơn tố cáo của người tố cáo hoặc ghi lại nội dung tố cáo của người tố cáo/hướng dẫn người tố cáo làm đơn tố cáo;

  • Trong đó, nội dung tố cáo buộc phải có gồm: Họ tên, địa chỉ, cách thức liên hệ của người tố cáo, hành vi vi phạm của người bị tố cáo, người bị tố cáo và các tài liệu, thông tin khác có liên quan;

Bước 3: Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền tiến hành xử lý ban đầu thông tin tố cáo

Cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm tiếp nhận, xử lý thông tin tố cáo ban đầu thực hiện các công việc:

  • Vào sổ, phân loại, xử lý ban đầu thông tin tố cáo, tiến hành xác minh, kiểm tra thông tin về người tố cáo, điều kiện tố cáo;

  • Quyết định thụ lý tố cáo nếu đủ điều kiện thụ lý;

  • Nếu không thuộc thẩm quyền giải quyết thì phải chuyển đến cơ quan, tổ chức cá nhân có thẩm quyền trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn tố cáo;

  • Cơ quan, tổ chức, cá nhân không xử lý nếu tố cáo không thuộc thẩm quyền giải quyết của mình và được gửi đồng thời cho nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân dù đã được hướng dẫn nhưng người tố cáo vẫn tiếp tục gửi tố cáo tới cơ quan, tổ chức, cá nhân đang tiếp nhận;

Bước 4: Xử lý tố cáo có dấu hiệu tội phạm

Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền tiếp nhận, xử lý tố cáo thực hiện:

  • Nếu trong quá trình tiếp nhận, xử lý tố cáo mà phát hiện hoặc nhận thấy có dấu hiệu tội phạm thì phải chuyển ngay hồ sơ cho cơ quan Điều tra, Viện Kiểm sát có thẩm quyền giải quyết;

  • Áp dụng các biện pháp cần thiết theo thẩm quyền hoặc thông báo tới cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có thẩm quyền để ngăn chặn kịp thời hành vi vi phạm;

Bước 5: Giải quyết tố cáo 

Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tố cáo thực hiện giải quyết tố cáo theo trình tự, thủ tục luật định như sau:

  • Thụ lý tố cáo;

  • Xác minh nội dung tố cáo;

  • Kết luận nội dung tố cáo;

  • Xử lý kết luận nội dung tố cáo của người giải quyết tố cáo;

Như vậy, câu hỏi có được uỷ quyền tố cáo không được trả lời như trên.

Theo đó, pháp luật không cho phép ủy quyền tố cáo.

Khi thực hiện tố cáo, người tố cáo tiến hành theo trình tự như chúng tôi đã trình bày ở trên.

 Trình tự tố cáoTrình tự tố cáo

Người tố cáo có được mời Luật sư bảo vệ quyền lợi cho mình không?

Khi tố cáo, người tố cáo phải tuân thủ và thực hiện theo đúng quyền, nghĩa vụ của mình được quy định tại Luật Tố cáo.

Đồng thời, thông qua hợp đồng dịch vụ pháp lý, giấy yêu cầu Luật sư, Luật sư được tham gia vào các vụ việc trong phạm vi hành nghề luật sư theo Điều 22 Luật Luật sư số 65/2006/QH11.

Trong đó, phạm vi hành nghề của Luật sư bao gồm:

  • Là người bào chữa trong vụ án hình sự;

  • Là người bảo vệ quyền lợi của bị hại, bị đơn/nguyên đơn dân sự, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong vụ án hình sự;

  • Là người đại diện hoặc là người bảo vệ quyền lợi của đương sự trong vụ việc dân sự/hoặc vụ việc khác theo quy đinh pháp luật;

  • Tiến hành tư vấn pháp luật;

  • Đại diện ngoài tố tụng cho khách hàng/thân chủ của mình để thực hiện các công việc liên quan đến pháp luật;

  • Thực hiện các dịch vụ pháp lý khác theo quy định của Luật Luật sư: Ví dụ, thực hiện các công việc liên quan đến thủ tục hành chính, dịch thuật, xác nhận giấy tờ, giao dịch…;

Từ các căn cứ, phân tích trên, suy ra, cá nhân khi thực hiện tố cáo, hoàn toàn có quyền mời Luật sư tham gia bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho mình trong vụ việc tố cáo.

Các công việc của Luật sư có thể tham gia như:

  • Là người bảo vệ quyền lợi hợp pháp, là người bào chữa hoặc là người đại diện cho cá nhân trước tòa;

  • Tiến hành tư vấn pháp luật cho người tố cáo;

  • Là người đại diện ngoài tố tụng để làm việc với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến vụ việc tố cáo;

  • Thực hiện các dịch vụ pháp lý khác (nếu có) trong vụ việc tố cáo;

Như vậy, có được uỷ quyền tố cáo không, có được mời Luật sư bảo vệ quyền lợi cho mình trong vụ việc tố cáo không được chúng tôi giải đáp như sau:

  • Không được ủy quyền tố cáo theo quy định của Luật Tố cáo;

  • Được quyền mời Luật sư tham gia bảo vệ quyền lợi cho mình hoặc hỗ trợ thực hiện các công việc trong phạm vi hành nghề của Luật sư đối với vụ việc tố cáo;

Trên đây là giải đáp về vấn đề Có được uỷ quyền tố cáo không? Nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ.

Nguyễn Văn Việt

Tham vấn bởi: Luật sư Nguyễn Văn Việt

Công ty Luật TNHH I&J - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Tin cùng chủ đề

Có thể bạn quan tâm

X