hieuluat
Chia sẻ email
Chủ Nhật, 08/01/2023
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Tôi có hai quốc tịch có được cấp CCCD gắn chip không?

Có hai quốc tịch có được cấp CCCD không có lẽ là thắc mắc của không ít người, nhất là đối với những Việt kiều, những người đã nhập quốc tịch ở nước ngoài nhưng vẫn giữ quốc tịch Việt Nam.

Câu hỏi: Tôi lấy chồng và sinh sống ở Hàn Quốc, hiện đã nhập quốc tịch Hàn, tuy nhiên tôi vẫn giữ quốc tịch Việt Nam. Sắp tới tôi về Việt Nam ăn Tết, tôi định làm CCCD gắn chip. Cho tôi hỏi có hai quốc tịch có được cấp CCCD không?

Các trường hợp được phép mang 2 quốc tịch là gì?

Theo Điều 4 Luật Quốc tịch Việt Nam 2008 thì:

Điều 4. Nguyên tắc quốc tịch

Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam công nhận công dân Việt Nam có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam, trừ trường hợp Luật này có quy định khác.

Như vậy, trong một số trường hợp công dân Việt Nam vẫn có thể có hai quốc tịch. Cụ thể:

Người Việt Nam định cư ở nước ngoài nhưng vẫn còn quốc tịch Việt Nam

Người Việt Nam định cư ở nước ngoài mà chưa mất quốc tịch Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam trước ngày 01/7/2009 thì vẫn còn quốc tịch Việt Nam (khoản 2 Điều 13 Luật Quốc tịch Việt Nam 2008 sửa đổi, bổ sung bởi Luật Quốc tịch Việt Nam sửa đổi 2014)

Người được nhập quốc tịch Việt Nam mà không phải thôi quốc tịch nước ngoài

Căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 19 Luật Quốc tịch Việt Nam 2008, người nhập quốc tịch Việt Nam nhưng không phải thôi quốc tịch nước ngoài trong những trường hợp sau:

- Là vợ/chồng/cha đẻ/ mẹ đẻ hoặc con đẻ của công dân Việt Nam

- Có công lao đặc biệt đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam;

- Có lợi cho Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Theo quy định tại Điều 9 Nghị định 16/2020/NĐ-CP, người xin nhập quốc tịch Việt Nam nhưng không phải thôi quốc tịch nước ngoài và trình Chủ tịch nước xem xét nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện:

- Có đủ điều kiện nhập quốc tịch Việt Nam

- Có công lao đặc biệt đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam; việc nhập quốc tịch đồng thời giữ quốc tịch nước ngoài có lợi cho nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

- Việc xin giữ quốc tịch nước ngoài khi nhập quốc tịch Việt Nam phù hợp với pháp luật của nước ngoài đó.

- Việc thôi quốc tịch nước ngoài khiến quyền lợi của người đó ở nước ngoài bị ảnh hưởng.

- Không sử dụng quốc tịch nước ngoài để gây phương hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và cá nhân hay xâm hại đến an ninh, lợi ích quốc gia, trật tự, an toàn xã hội của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Người xin trở lại quốc tịch Việt Nam nhưng không phải thôi quốc tịch nước ngoài

- Theo khoản 5 Điều 23 Luật Quốc tịch Việt Nam 2008quy định, người được trở lại quốc tịch Việt Nam nhưng không phải thôi quốc tịch nước ngoài trong các trường hợp sau đây:

+ Là vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ hoặc con đẻ của công dân Việt Nam;

+ Có công lao đặc biệt đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam;

+ Có lợi cho Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

- Theo Điều 14 Nghị định 16/2020/NĐ-CP quy định, người xin trở lại quốc tịch Việt Nam nhưng không phải thôi quốc tịch nước ngoài và trình Chủ tịch nước xem xét nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện:

+ Có đủ điều kiện trở lại quốc tịch Việt Nam theo quy định của Luật Quốc tịch Việt Nam 2008.

+ Việc xin giữ quốc tịch nước ngoài của người đó khi trở lại quốc tịch Việt Nam là phù hợp với pháp luật của nước ngoài đó.

+ Việc thôi quốc tịch nước ngoài dẫn đến quyền lợi của người đó ở nước có quốc tịch bị ảnh hưởng.

+ Không sử dụng quốc tịch nước ngoài để gây phương hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và cá nhân; xâm hại an ninh, lợi ích quốc gia, trật tự, an toàn xã hội của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Trẻ em Việt Nam được người nước ngoài nhận làm con nuôi

Điều khoản 1 Điều 37 Luật Quốc tịch Việt Nam 2008 thì:

1. Trẻ em là công dân Việt Nam được người nước ngoài nhận làm con nuôi thì vẫn giữ quốc tịch Việt Nam.

Do đó, trẻ em là người mang quốc tịch Việt Nam được công dân nước ngoài nhận nuôi thì vẫn giữ quốc tịch Việt Nam và nhập quốc tịch ở nước ngoài, nơi được nhận nuôi.

trường hợp công dân có hai quốc tịch có được cấp cccd không

Có hai quốc tịch có được cấp CCCD không?

Căn cứ theo khoản 1 Điều 19 Luật Căn cước công dân 2014, quy định về người được cấp thẻ Căn cước công dân và số thẻ Căn cước công dân như sau:

1. Công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi được cấp thẻ Căn cước công dân.

Căn cứ theo Luật Quốc tịch thì người có quốc tịch Việt Nam là công dân Việt Nam.

Do đó, nếu bạn vẫn còn giữ quốc tịch Việt Nam thì bạn vẫn được cấp Căn cước công dân của Việt Nam.

Thủ tục làm CCCD được thực hiện đúng quy trình theo quy định của pháp luật Việt Nam tại Luật Căn cước công dân và Thông tư 59/2021/TT-BCA.

Đầu tiên, bạn cần đến trực tiếp cơ quan Công an có thẩm quyền để đề nghị cấp thẻ CCCD và được tiếp nhận đề nghị cấp CCCD gắn chip.

Sau đó, cán bộ mô tả đặc điểm nhân dạng của người làm CCCD rồi tiến hành chụp ảnh, thu thập vân tay để in trên Phiếu thu nhận thông tin căn cước công dân gắn chip, cho công dân kiểm tra, ký tên.

Cuối cùng, công dân nộp lệ phí làm CCCD và nhận giấy hẹn trả thẻ căn cước công dân. Bạn có thể nhận CCCD gắn chip tại cơ quan Công an nơi tiếp nhận hồ sơ theo thời gian ghi trên giấy hẹn hoặc trả qua đường bưu điện (bạn tự trả phí).

Trên đây là thông tin về vấn đề có hai quốc tịch có được cấp CCCD không? Nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ  19006199 để được hỗ trợ.

Nguyễn Văn Tuấn

Tham vấn bởi: Luật sư Nguyễn Văn Tuấn

Công ty TNHH luật TGS - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Có thể bạn quan tâm

X