hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Tư, 06/09/2023
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Có những loại vạch kẻ đường nào? Loại vạch nào các xe được phép đè vạch?

Vạch kẻ đường là một trong những tín hiệu giao thông chỉ dẫn giao thông đường bộ. Vậy hiện nay có những loại vạch kẻ đường nào? Loại vạch nào các xe được phép đè vạch?

 
Mục lục bài viết
  • Các loại vạch kẻ đường, cách phân biệt và ý nghĩa
  • Các loại vạch kẻ đường màu vàng
  • Các loại vạch kẻ đường màu trắng
  • Vạch kẻ đường màu vàng, trắng khác nhau như nào?
  • Loại vạch nào các xe được phép đè vạch? 

Các loại vạch kẻ đường, cách phân biệt và ý nghĩa

Cũng như các biển báo giao thông mà người điều khiển phương tiện giao thông thường nhìn thấy khi tham gia lưu thông trên các tuyến đường thì vạch kẻ đường cũng là một loại tín hiệu giao thông dễ thấy khi tham gia gia thông đường bộ.

Vạch kẻ đường cũng được phân chia thành nhiều loại khác nhau với hình dạng, màu sắc giúp người điều khiển phương tiện giao thông có thể dễ dàng phân biệt chỉ dẫn và nâng cao hiệu quả an toàn giao thông đường bộ. Các loại vạch kẻ đường phổ biến hiện nay bao gồm:

Các loại vạch kẻ đường màu vàng

Tại Quy chuẩn QCVN 41:2019/BGTVT được ban hành kèm theo Thông tư số 54/2019/TT-BGTVT thì vạch kẻ đường màu vàng bao gồm 05 loại với các cách phân biệt và ý nghĩa chỉ dẫn như sau:

Thứ nhất, vạch kẻ đường màu vàng nét đứt: Việc phân biệt vạch kẻ này tương tự như tên gọi của nó. Vạch kẻ này được kẻ bằng màu vàng, vạch đơn và thể hiện bởi các nét đứt. Vạch kẻ đường màu vàng nét đứt này mang ý nghĩa là “xe được phép cắt qua để sử dụng làn người chiều từ cả hai phía”.

Vạch kẻ đường màu vàng nét đứt

Vạch kẻ đường màu vàng nét đứt

Thứ hai, vạch kẻ đường màu vàng nét liền: Tương tự như vạch kẻ đường màu vàng nét đứt thì vạch kẻ đường màu vàng nét liền là loại vạch kẻ có thể nhận diện thông qua màu vàng, kẻ vạch đơn nhưng lại thể hiện bằng một nét liền mạch. Vạch kẻ này được sử dụng để phân chia hai chiều xe chạy. Có nghĩa là xe chạy làn nào phải chạy đúng làn đó, không được phép lấn làn và không được đè vạch khi di chuyển.

Vạch kẻ đường màu vàng nét liền

Vạch kẻ đường màu vàng nét liền

Thứ ba, vạch kẻ đường màu vàng song song, nét liền: Về nét vẽ thì vạch này được vẽ màu vàng, nét liền kéo dài như vạch kẻ đường màu vàng nét liền. Tuy nhiên, vạch kẻ đường này được thể hiện dưới dạng vạch đôi, hai đường màu vàng nét liền song song với nhau. Vạch kẻ đường này cũng để phân chia hai chiều xe chạy và các xe khi di chuyển không được lấn làn và không được đè vạch.

Vạch kẻ đường màu vàng song song, nét liền

Vạch kẻ đường màu vàng song song, nét liền

Thứ tư, vạch kẻ đường màu vàng một đứt, một liền song song: Đây là vạch kẻ đường dạng đôi song song, là sự kết hợp giữa vạch kẻ đường màu vàng nét đứt và nét liền. Vạch kẻ đường này cũng dùng để phân chia hai chiều xe chạy ngược nhau.

Vạch kẻ đường màu vàng một đứt, một liền song song

Vạch kẻ đường màu vàng một đứt, một liền song song

Thứ năm, vạch kẻ đường màu vàng nét đứt song song: Đây là vạch kẻ đường dạng vạch đôi được thể hiện bằng những nét đứt song song nhau màu vàng. Vạch kẻ đường này được dùng để phân chia ranh giới trong làn đường có thể thay đổi hướng chạy của xe theo thời gian.

Vạch kẻ đường màu vàng nét đứt song song

Vạch kẻ đường màu vàng nét đứt song song

Các loại vạch kẻ đường màu trắng

Bên cạnh vạch kẻ đường màu vàng thì vạch kẻ đường màu trắng cũng là một loại báo hiệu giao thông phổ biến. Theo quy định hiện hành thì có hai dạng vạch kẻ đường màu trắng bao gồm:

Thứ nhất, vạch kẻ đường màu trắng nét đứt: Cũng giống như vạch kẻ đường màu vàng nét đứt thì vạch kẻ này được thể hiện bằng màu trắng với ý nghĩa cho phép xe được chuyển làn đường qua vạch. Khi khoảng cách nét đứt của vạch kẻ đường này càng dài thì cho thấy tốc độ xe được phép lưu thông trên tuyến đường đó càng cao.

Vạch kẻ đường màu trắng nét đứt

Vạch kẻ đường màu trắng nét đứt

Thứ hai, vạch kẻ đường màu trắng nét liền: Vạch kẻ đường này cũng có hình dạng tương tự vạch kẻ đường màu vàng nét liền nhưng được thể hiện bằng màu trắng. Vạch kẻ này dùng để báo hiệu các làn xe cùng chiều. Các xe di chuyển trên đường có vạch kẻ màu trắng nét liền không được phép chuyển làn hoặc lấn làn.

Vạch kẻ đường màu trắng nét liền

Vạch kẻ đường màu trắng nét liền

Vạch kẻ đường màu vàng, trắng khác nhau như nào?

Thông qua những nội dung cụ thể đã trình bày trên thì có thể thấy vạch kẻ đường màu vàng và vạch kẻ đường màu trắng mang điểm khác nhau tiêu biểu nhất trong ý nghĩa phân biệt làn xe chạy. Trong khi vạch kẻ đường màu vàng được sử dụng để phân chia hai làn xe ngược chiều nhau thì vạch kẻ đường màu trắng dùng để tách làn xe chạy trong cùng một chiều di chuyển.

Loại vạch nào các xe được phép đè vạch? 

Vạch kẻ đường có thể được phân biệt với nhau thông qua nhiều tiêu chí khác nhau. Một trong các tiêu chí phân biệt là việc người điều khiển phương tiện giao thông được phép đè vạch hay không? Theo quy định của Bộ Giao thông vận tải thì khi gặp các vạch kẻ đường sau thì người điều khiển phương tiện giao thông được phép đè vạch:

  • Vạch kẻ đường màu vàng nét đứt. Khi gặp vạch kẻ này thì người điều khiển phương tiện giao thông có thể cắt đường để có thể di chuyển ở làn ngược chiều từ cả hai phía;

  • Vạch kẻ đường màu trắng nét đứt. Khi gặp vạch này thì chỉ được phép sử dụng cho một loại xe nhất định nhưng các phương tiện khác vẫn có thể sử dụng làn đường nhưng phải lưu ý về việc nhường đường cho xe ưu tiên.

Vạch đứt màu vàng có được vượt không? 

Vì bản chất vạch kẻ đường màu vàng nét đứt là một loại tín hiệu phân chia các làn đường ngược chiều nhau và cho phép xe được cắt qua để chuyển hướng từ làn xe chiều này sang chiều khác. Do đó, khi xuất hiện vạch kẻ đường màu vàng nét đứt thì xe có thể đè vạch và vượt khi cần thiết.

Mức phạt khi vi phạm vạch kẻ đường

Vạch kẻ đường là một loại tín hiệu giao thông đường bộ yêu cầu tất cả người tham gia giao thông phải chấp hành theo quy định.

Theo đó, nếu người tham gia giao thông vi phạm về vạch kẻ đường sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định số 100/2019/NĐ-CP. Người vi phạm về vạch kẻ đường sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính bằng tiền theo lỗi “Không chấp hành hiệu lệnh, chỉ dẫn của biển báo hiệu, vạch kẻ đường” được quy định tại Điều 5 Nghị định này.

Cụ thể như sau:

  • Người điều khiển ô tô vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 200 nghìn đồng đến 400 nghìn đồng;

  • Người điều khiển xe máy vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 100 nghìn đồng đến 200 nghìn đồng.

Ngoài ra, nếu người điều khiển phương tiện giao thông vi phạm lỗi không chấp hành chỉ dẫn của vạch kẻ đường mà gây tan nạn giao thông còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 tháng đến 04 tháng theo quy định về hình thức xử phạt bổ sung được quy định tại điểm c khoản 11 Điều 5 và điểm c khoản 10 Điều 6 Nghị định này.

Trên đây là những giải đáp của chúng tôi cho câu hỏi “Có những loại vạch kẻ đường nào? Loại vạch nào các xe được phép đè vạch?”. Nếu còn vướng mắc, vui lòng liên hệ đến tổng đài:  19006192 để được tư vấn và hỗ trợ.

Nguyễn Văn Tuấn

Tham vấn bởi: Luật sư Nguyễn Văn Tuấn

Công ty TNHH luật TGS - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Có thể bạn quan tâm

X