hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Sáu, 19/01/2024
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Cơ sở giáo dục bắt buộc là gì? Danh sách cơ sở giáo dục bắt buộc

Đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc là một trong những biện pháp xử lý hành chính. Vậy cơ sở sở giáo dục bắt buộc là gì? Danh sách cơ sở giáo dục bắt buộc hiện nay như thế nào? Chúng tôi sẽ cung cấp các thông tin hữu ích liên quan đến cơ sở giáo dục bắt buộc qua bài viết sau đây.

Mục lục bài viết
  • Cơ sở giáo dục bắt buộc là gì? 
  • Đối tượng đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc?
  • Thủ tục đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc
  • Danh sách các cơ sở giáo dục bắt buộc
Câu hỏi: Cháu tôi bị đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc do có hành vi trộm cắp. Vậy cơ sở giáo dục bắt buộc là gì? Danh sách cơ sở giáo dục bắt buộc hiện nay có những cơ sở nào?

Cơ sở giáo dục bắt buộc là gì? 

Cơ sở giáo dục bắt buộc là gì?

Theo Điều 93, Điều 94 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 và Khoản 48 Điều 1 Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020 thì có thể hiểu cơ sở giáo dục bắt buộc chính là nơi/là cơ sở tiến hành áp dụng biện pháp xử lý vi phạm hành chính (VPHC) đối với một số đối tượng cụ thể để các đối tượng này tiến hành học tập, lao động, học nghề, sinh hoạt, trở thành người có ích cho xã hội dưới sự quản lý, giám sát của chính cơ sở đó.

Thời hạn mà các đối tượng bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc là từ 06 (sáu) tháng đến 24 tháng.

Người chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc được gọi là “trại viên”.

Hoạt động tại các cơ sở giáo dục bắt buộc này được thực hiện theo nội quy, quy định riêng biệt.

Đối tượng đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc?

Theo Điều 94  Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, Khoản 48 Điều 1 Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020 thì những đối tượng được liệt kê dưới đây bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc:

- Người từ đủ 18 tuổi trở lên đã có 02 lần bị xử phạt VPHC và bị lập biên bản VPHC tại lần vi phạm thứ 03 trong thời hạn 06 tháng về một trong các hành vi sau đây nhưng không thuộc trường hợp là tội phạm và người vi phạm phải không có nơi cư trú ổn định:

  • Xúc phạm nhân phẩm, danh dự của người khác (ví dụ như có lời nói, hành động không đúng chuẩn mực làm ảnh hưởng đến danh sự, nhân phẩm,...);

  • Hành vi gây thương tích hoặc có hành vi gây tổn hại cho sức khỏe của người khác;

  • Chiếm giữ trái phép tài sản của người khác;

  • Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác;

  • Hành vi gây rối trật tự công cộng (ví dụ như tụ tập đánh nhau, làm ồn nơi công cộng,...);

  • Hành vi trộm cắp tài sản;

  • Các hành vi đánh bạc, lừa đảo;

  • Đua xe trái phép trên đường;

  • Hành vi ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng đối với bản thân mình.

- Người từ đủ 18 tuổi trở lên thực hiện một trong các hành vi đã nêu ở mục trên (xúc phạm nhân phẩm, danh dự của người khác gây thương tích,...) nhưng không phải là tội phạm và trước đó người thực hiện hành vi đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn.

Cũng theo khoản 2 Điều này thì những đối tượng sau đây sẽ không sp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc:

  • Người vi phạm không có năng lực trách nhiệm hành chính (ví dụ như người tâm thần, người mắc các bệnh dẫn đến không nhận thức và làm chủ hành vi,...);

  • Người chưa đủ tuổi thành niên (chưa đủ 18 tuổi);

  • Người vi phạm là nữ trên 55 tuổi hoặc người vi phạm là nam trên 60 tuổi;

  • Người vi phạm là phụ nữ hiện đang mang thai - phải có chứng nhận của bệnh viện về việc mang thai này;

  • Người vi phạm là phụ nữ hoặc là người duy nhất hiện đang phải nuôi con nhỏ dưới 36 (ba mươi sáu) tháng tuổi, nội dung này phải được UBND cấp xã nơi cư trú xác nhận cho người này.

Thủ tục đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc

Thủ tục đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc

Căn cứ Điều 101 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, Điều 27, Điều 28 Nghị định 140//2021/NĐ-CP thì thủ tục đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc được thực hiện theo các bước sau đây:

* Bước 1: Lập hồ sơ để đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc đối với người vi phạm

- Chủ tịch UBND cấp xã cùng với sự hỗ trợ của Công an cùng cấp tiến hành lập hồ sơ đề nghị, sau đó thông báo bằng văn bản cho người bị đề nghị áp dụng hoặc người đại diện hợp pháp của họ về việc lập hồ sơ nêu trên để những người này biết, đọc hồ sơ cũng như ghi chép các thông tin cần thiết.

- Trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ nêu trên thì Trưởng phòng Tư pháp cấp huyện tiến hành kiểm tra tính pháp lý của hồ sơ và chuyển Trưởng Công an cùng cấp.

- Trưởng Công an cấp huyện sẽ là người quyết định việc chuyển hồ sơ đề nghị sang Tòa án nhân dân cấp huyện để áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc đối với người vi phạm.

* Bước 2: Lập hồ sơ đưa người vi phạm vào cơ sở giáo dục bắt buộc, hồ sơ gồm các giấy tờ:

  • Quyết định có hiệu lực của TAND cấp huyện về việc áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc;

  • Biên bản thi hành quyết định đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc;

  • Quyết định tạm giữ người vi phạm theo thủ tục hành chính (nếu có);

  • Bản tóm tắt về lý lịch và hành vi vi phạm pháp luật của người bị áp dụng biện pháp này;

  • Danh bản, chỉ bản của người bị áp dụng biện pháp này;

  • Bản sao của các quyết định giáo dục đã áp dụng với người vi phạm (nếu có);

  • Quyết định giao cho gia đình và giao cho tổ chức quản lý;

  • Giấy khám sức khỏe của người vi phạm do cơ sở khám chữa bệnh từ tuyến huyện trở lên cấp xác nhận;

  • Các tài liệu, văn bản, giấy tờ khác liên quan đến nhân thân của người bị áp dụng biện pháp này (nếu có).

* Bước 3: Bàn giao người bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc cho cơ sở đó

- Sau khi chuẩn bị đầy đủ hồ sơ thì tiến hành bàn giao người vi phạm cho cơ sở giáo dục bắt buộc.

- Việc bàn giao được tiến hành đồng thời với việc kiểm tra các văn bản, giấy tờ trong hồ sơ; tình trạng sức khỏe; vật tư, tư trang cá nhân và các văn bản khác (nếu có) của người vi phạm.

- Việc bàn giao được lập thành văn bản, có đánh số bút lục để lưu trữ và theo dõi.

Danh sách các cơ sở giáo dục bắt buộc

Hiện nay có những cơ sở giáo dục bắt buộc sau đây:

  • Cơ sở giáo dục bắt buộc Thanh Hà, trụ sở đóng tại tỉnh Vĩnh Phúc

  • Cơ sở giáo dục bắt buộc Cồn Cát, trụ sở đóng tại tỉnh Sóc Trăng

  • Cơ sở giáo dục bắt buộc A1, trụ sở đóng tại tỉnh Phú Yên

Bài viết trên đây đã giải đáp cho các bạn về vấn đề “Cơ sở giáo dục bắt buộc là gì? Danh sách cơ sở giáo dục bắt buộc”. Nếu còn vấn đề nào chưa rõ, cần được tư vấn thêm các bạn vui lòng liên hệ tổng đài:  19006199.
Nguyễn Đức Hùng

Tham vấn bởi: Luật sư Nguyễn Đức Hùng

Công ty TNHH luật TGS - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Có thể bạn quan tâm

X