Một số trường hợp người lao động có nguyện vọng làm cùng lúc hai công ty để có thêm thu nhập. Pháp luật quy định về điều này thế nào? Người lao động có thể làm cùng lúc hai công ty không?
Người lao động có thể làm cùng lúc hai công ty không?
Chào bạn, theo quy định tại khoản Điều 19 Bộ luật Lao động năm 2019 về việc giao kết nhiều hợp đồng thì:
1. Người lao động có thể giao kết nhiều hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động nhưng phải bảo đảm thực hiện đầy đủ các nội dung đã giao kết.
Đồng thời, khoản 2 Điều này quy định rõ, người lao động (NLĐ) nếu đồng thời giao kết nhiều hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động (NSDLĐ) thì việc tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp được thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và an toàn, vệ sinh lao động.
Như vậy, có thể thể thấy, theo quy định trên, NLĐ có thể giao kết hợp đồng lao động với nhiều NSDLĐ, không hạn chế số lượng hợp đồng ký kết. Tuy nhiên khi ký các hợp đồng lao động sau phải đảm bảo được các quyền và nghĩa vụ đối với các hợp đồng đã ký kết trước đó.
Trong trường hợp của bạn, bạn có thể ký cùng lúc song song hai hợp đồng lao động nhưng phải đảm bảo các quyền nghĩa vụ của hai bên. Đó có thể là quy định về thời gian làm việc, khối lượng công việc phải hoàn thành… của cả hai công ty.
Bên cạnh đó, bạn cũng cần lưu ý về các điều khoản, nội dung hợp đồng khi ký hợp đồng lao động ở hai công ty. Theo đó, nội dung hợp đồng lao động cần phải tuân thủ theo quy định tại khoản 1 Điều 21 Bộ luật Lao động 2019, phải có những nội dung sau:
- Tên, địa chỉ của NSDLĐ và họ tên, chức danh của người giao kết hợp đồng lao động bên phía NSDLĐ
- Họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi cư trú, số thẻ của 01 trong 3 loại giấy tờ là Căn cước công dân/Chứng minh nhân dân/hộ chiếu của người giao kết hợp đồng lao động bên phía NLĐ.
- Công việc, địa điểm làm việc
- Thời hạn của hợp đồng lao động
- Mức lương theo công việc/chức danh, hình thức và thời hạn trả lương, phụ cấp lương cũng như các khoản bổ sung khác
- Chế độ nâng bậc, nâng lương
- Thời giờ làm việc, nghỉ ngơi
- Trang bị bảo hộ lao động cho NLĐ
- Các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp
- Các vấn đề liên quan đến đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề.
Do đó, trong trường hợp công ty yêu cầu người lao động không được phép giao kết hợp đồng lao động một lúc với nhiều công ty là trái với quy định của pháp luật.
Việc ký kết cùng lúc 2 công ty, đặc biệt là công ty hoạt động cùng lĩnh vực, ngành nghề đặc biệt cần lưu y đến điều khoản liên quan đến bí mật kinh doanh…để giảm thiểu rủi ro cho người lao động.
Làm cùng lúc hai công ty đóng bảo hiểm thế nào?
Về vấn đề đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp bảo hiểm y tế khi làm cùng lúc hai công ty được quy định như sau:
- Bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN)
Cụ thể theo khoản 4 Điều 85 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì NLĐ nếu giao kết hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động thì chỉ đóng BHXH đối với hợp đồng lao động giao kết đầu tiên.
Khoản 1 Điều 43 Luật Việc làm 2013 cũng nêu rõ nếu NLĐ giao kết và đang thực hiện nhiều hợp đồng lao động thì NLĐ và NSDLĐ của hợp đồng lao động giao kết đầu tiên có trách nhiệm tham gia BHTN.
Như vậy, người lao động khi giao kết hợp đồng với hai công ty cùng lúc thì công ty đầu tiên có trách nhiệm tham gia BHXH, BHTN cho người lao động. Mặt khác, công ty thứ hai sẽ trả tiền tham gia BHXH, BHTN trực tiếp vào lương bằng với mức đóng của hai loại bảo hiểm này.
- Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
Được đóng theo từng hợp đồng lao động đã giao kết.
- Bảo hiểm y tế (BHYT)
Khoản 1 Điều 42 Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017 quy định, NLĐ đồng thời có từ 2 đồng lao động trở lên với nhiều đơn vị khác nhau thì đóng BHYT theo hợp đồng lao động có mức tiền lương cao nhất.
Người sử dụng lao động của các hợp đồng lao động còn lại có trách nhiệm chi trả cùng lúc với kỳ trả lương của người lao động khoản tiền tương đương với mức đóng BHYT.
Có thể thấy, nếu bạn cùng lúc làm việc tại hai công ty thì bạn phải tham gia BHYT ở công ty nào có mức lương cao hơn.
Ngoài ra, theo quy định tại điểm c.1.1 khoản 1 Điều 9 Thông tư 111/2013/TT-BTC, người nộp thuế có nhiều nguồn thu nhập từ tiền lương, tiền công, từ kinh doanh thì tại 01 thời điểm (tính đủ theo tháng) sẽ lựa chọn tính giảm trừ gia cảnh cho bản thân tại 01 nơi.
Trên đây là các thông tin liên quan đến vấn đề có thể làm cùng lúc hai công ty không? Nếu bạn còn thắc mắc, vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ.