hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Hai, 27/06/2022
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Pháp luật có cho phép con ngoài giá thú được hưởng thừa kế không?

Con ngoài giá thú (con được sinh ra khi bố/mẹ đang trong hôn nhân với người khác) có được quyền hưởng tài sản thừa kế từ bố mẹ đẻ của họ không? Tài sản nào của vợ chồng được xác định là tài sản chung để chia thừa kế cho các con, bao gồm cả con ngoài giá thú?

Câu hỏi: Xin chào anh chị luật sư, tôi có câu hỏi mong được giải đáp như sau:

Bố tôi có bồ ở ngoài, bị mẹ tôi phát hiện và nên mẹ tôi có đề xuất ly hôn. Sau khi bị phát hiện không chung thủy với mẹ tôi, bố tôi đã hành hung (đánh, đá) mẹ tôi. Để tránh nguy hiểm, tổn hại đến tính mạng, sức khỏe, mẹ tôi đã rời khỏi nhà chung của bố mẹ. Việc ly hôn hiện đang được giải quyết (ly hôn đơn phương theo yêu cầu của mẹ tôi), do đợt dịch kéo dài nên hiện tại Tòa án mới tiếp tục giải quyết vụ việc ly hôn của bố mẹ tôi.

Thời gian gần đây, Toà cho gọi bố tôi giải quyết vụ án ly hôn thì bố tôi cung cấp thông tin cho tòa là mẹ tôi đã rời khỏi địa phương cách đây 02 năm, hiện không có tung tích gì. Tài sản là nhà cửa đứng tên của bố tôi là tài sản riêng của ông, tuy nhiên, đây là tài sản do bố mẹ tôi cùng nhau tạo lập, xây dựng và được cấp sổ hồng trong thời kỳ chung sống hôn nhân của bố mẹ tôi.

Tôi muốn hỏi là, làm cách nào để mẹ tôi không bị mất tài sản và không để tài sản thuộc quyền sở hữu của người con riêng của bố em với cô bồ của mình khi bố tôi qua đời không? Tôi cảm ơn.

Chào bạn, liên quan đến vấn đề con ngoài giá thú có được nhận thừa kế không, chúng tôi xin được giải đáp như sau:

Nhà đất đứng tên của chồng có thể là tài sản chung của vợ chồng không?

Trước hết, cần phải xác định rõ, tài sản là nhà đất đang có tranh chấp khi ly hôn của bố mẹ bạn có là tài sản chung hay không, từ đó, phân định quyền sử dụng, sở hữu tài sản này sau khi bố mẹ bạn ly hôn.

Từ thông tin bạn cung cấp và dựa trên các căn cứ sau:

- Căn cứ quy định tại khoản 1, khoản 3 Điều 33 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014:

Điều 33. Tài sản chung của vợ chồng

1. Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.

Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.

3. Trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung.

- Căn cứ khoản 4 Điều 98 Luật Đất đai 2013

Điều 98. Nguyên tắc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất

4. Trường hợp quyền sử dụng đất hoặc quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hoặc quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là tài sản chung của vợ và chồng thì phải ghi cả họ, tên vợ và họ, tên chồng vào Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, trừ trường hợp vợ và chồng có thỏa thuận ghi tên một người.

Trường hợp quyền sử dụng đất hoặc quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hoặc quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là tài sản chung của vợ và chồng mà Giấy chứng nhận đã cấp chỉ ghi họ, tên của vợ hoặc chồng thì được cấp đổi sang Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất để ghi cả họ, tên vợ và họ, tên chồng nếu có yêu cầu.

=> Suy ra, tài sản là đất đai đứng tên của bố bạn nhưng nguồn gốc của tài sản là do bố mẹ bạn cùng gây dựng, tạo lập (mua bán hoặc cùng khai hoang, xây dựng,...) trong thời kỳ chung sống hôn nhân mà không có căn cứ chứng minh là tài sản riêng của bố bạn (hình thành từ nguồn tài chính riêng, được tặng cho riêng…), việc đứng tên là do sự thỏa thuận giữa bố mẹ bạn tại thời điểm cấp sổ đỏ thì đây là tài sản chung của bố mẹ bạn trong thời kỳ chung sống hôn nhân.

Khi đã là tài sản chung của bố mẹ bạn trong thời kỳ chung sống hôn nhân thì việc định đoạt tài sản chung này phải do cả bố và mẹ bạn cùng thực hiện (Điều 35 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014). Vì thế, việc định đoạt tài sản chung này phải được sự đồng ý của cả bố và mẹ bạn. Bố bạn chỉ có quyền tự mình định đoạt phần quyền của mình trong khối tài sản chung của bố mẹ bạn nếu bố mẹ bạn thực hiện phân chia tài sản chung hoặc theo quyết định/bản án của Tòa án có thẩm quyền về việc định đoạt tài sản chung của bố mẹ bạn.

Như vậy, tài sản là đất đai đứng tên chồng trong thời kỳ chung sống hôn nhân vẫn có thể là tài sản chung của vợ chồng nếu: Vợ chồng thỏa thuận để 01 người đứng tên, nguồn gốc của tài sản là do hai vợ chồng cùng nhau tạo lập, xây dựng…(mà không phải được thừa kế, tặng cho riêng hoặc hình thành từ nguồn tài chính riêng của người còn lại), không có giấy tờ chứng minh là tài sản riêng thì đó phải là tài sản chung của vợ chồng.

Vì là tài sản chung nên mẹ bạn cũng có quyền như bố bạn trong khối tài sản đó, cho nên, mẹ bạn sẽ không bị mất quyền đối với phần tài sản là đất đai này. Dưới góc độ pháp lý, Nhà nước đã công nhận quyền sở hữu, sử dụng của mẹ bạn đối với nhà đất của đứng tên bố bạn, tuy nhiên, để sổ đỏ có cả tên của mẹ bạn, thì mẹ bạn có thể thực hiện thủ tục cấp đổi Giấy chứng nhận từ tên của bố bạn thành tên của bố mẹ bạn theo quy định.

con ngoai gia thu co duoc chia di san thua ke khong


Con ngoài giá thú có được hưởng tài sản thừa kế không?

Pháp luật hiện hành không định nghĩa con ngoài giá thú là người như thế nào, mà đây chỉ là tên thường gọi để chỉ những người con được sinh ra khi bố hoặc mẹ đang trong hôn nhân với người khác hoặc bố mẹ chưa kết hôn.

Bạn đang băn khoăn vấn đề người con riêng của bố bạn (con của bố bạn và người phụ nữ khác không phải mẹ bạn) có được chia phần tài sản chung của bố mẹ bạn hay không? Làm sao để họ không được nhận tài sản này? Vậy, theo quy định pháp luật, vấn đề này của bạn được giải quyết như sau:

Pháp luật dân sự, pháp luật đất đai quy định bố bạn có quyền định đoạt phần quyền của mình trong khối tài sản chung với mẹ bạn bằng các hình thức như tặng cho, lập di chúc, mua bán…

- Trong trường hợp bố bạn lựa chọn việc tặng cho/chuyển nhượng người con riêng đó phần tài sản của bố bạn thì bắt buộc phải có chữ ký của mẹ bạn trong hợp đồng tặng cho/chuyển nhượng có công chứng đó. Nếu mẹ bạn không đồng ý thì bố bạn chỉ có thể bán/tặng cho quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản nếu Tòa án quyết định cho phép bán/tặng cho bằng bản án/quyết định đã có hiệu lực (khoản 4 Điều 213, Điều 218 Bộ luật Dân sự 2015, Điều 59 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014);

- Trong trường hợp bố bạn lựa chọn lập di chúc để lại tài sản của mình cho người con riêng của bố bạn thì người con riêng được hưởng phần tài sản đó theo quy định pháp luật sau khi đã trừ đi phần tài sản dành cho những người được hưởng thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc (nếu có) theo Điều 644 Bộ luật Dân sự 2015:

Điều 644. Người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc

1. Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó:

a) Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;

b) Con thành niên mà không có khả năng lao động.

- Trong trường hợp bố bạn mất mà không để lại di chúc thì người con riêng của bố bạn vẫn có thể được hưởng tài sản thừa kế này với điều kiện:

+ Có tài liệu chứng minh là con đẻ của bố bạn và được Tòa án nhân dân có thẩm quyền chấp thuận, xác định cha con cho họ;

+ Thực hiện việc nhận thừa kế theo trình tự, thủ tục luật định.

=> Có thể thấy, về cơ bản, quyền quyết định có chuyển giao quyền sử dụng, sở hữu tài sản của mình cho người con riêng là quyền của bố bạn (trừ trường hợp bố bạn mất không để lại di chúc) mà không ai có quyền ngăn cản.

Nếu bạn muốn phần tài sản này không thể thuộc quyền sử dụng, sở hữu của người con riêng (anh chị em cùng cha khác mẹ với bạn) thì bạn có thể nhận chuyển nhượng/nhận tặng cho hợp pháp tài sản đó từ bố mẹ bạn. Ngoài phương án này ra, người con riêng của bố bạn có thể được nhận tài sản hợp pháp từ bố bạn theo quy định pháp luật.

Như vậy, để bảo vệ toàn vẹn tài sản này không để phân chia thì bạn có thể nhận tặng cho/nhận chuyển nhượng tài sản từ bố mẹ bạn. Nếu không thực hiện nhận tặng cho hoặc nhận chuyển nhượng thì các trường hợp khác đều có thể dẫn đến khả năng anh/chị/em cùng cha khác mẹ với bạn được nhận tài sản hợp pháp từ bố bạn.

Trên đây là giải đáp thắc mắc về con ngoài giá thú có được chia di sản thừa kế không? Nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ  19006192 để được hỗ trợ.

>> Con dâu có được thừa kế đất đứng tên hộ gia đình không?

Tin cùng chủ đề

Có thể bạn quan tâm

X