hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Tư, 06/03/2024
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Con nuôi có được giảm trừ gia cảnh không?

Giảm trừ gia cảnh là một ưu đãi của pháp luật thuế giúp người dân được giảm trừ số tiền mình phải nộp thuế thu nhập cá nhân cho cơ quan nhà nước. Vậy câu hỏi được nhiều bạn đọc quan tâm là con nuôi có được giảm trừ gia cảnh không? 

Mục lục bài viết
  • Con nuôi có được giảm trừ gia cảnh không?
  • Con nuôi được tính giảm trừ gia cảnh đến bao nhiêu tuổi?
  • Hồ sơ xin giảm trừ gia cảnh cho con nuôi gồm những gì?
Câu hỏi: Xin chào Luật sư, tôi năm nay 25 tuổi đang làm công nhân ở một Công ty về sản xuất giày dép. Tôi được biết người lao động có thể đăng ký người phụ thuộc là con cái để giảm trừ gia cảnh và được giảm thu nhập đóng thuế thu nhập cá nhân. Tôi không có con ruột nhưng có một con nuôi. Cho tôi hỏi là con nuôi có được giảm trừ gia cảnh không và hồ sơ cần những gì? Xin cảm ơn.

Con nuôi có được giảm trừ gia cảnh không?

Theo quy định, con nuôi của người lao động vẫn được xem là người phụ thuộc và do đó sẽ được giảm trừ gia cảnh.

Con nuôi có được giảm trừ gia cảnh không?

Con nuôi có được giảm trừ gia cảnh không?

Cụ thể, căn cứ theo Khoản 3 Điều 19 Luật Thuế thu nhập cá nhân năm 2007, người phụ thuộc được xác định là người mà người nộp thuế có trách nhiệm phải nuôi dưỡng, cụ thể bao gồm:

- Con cái chưa thành niên; con cái bị tàn tật và không có khả năng lao động

- Người không có thu nhập/thu nhập không vượt quá mức quy định: có thể bao gồm con đang học chương trình đại học/ cao đẳng/ trung học/ học nghề; vợ/chồng/bố/mẹ không có khả năng lao động và các đối tượng khác mà người nộp thuế phải trực tiếp nuôi dưỡng.

Thêm vào đó, tại điểm d Khoản 1 Điều 9 Thông tư số 111/2013/TT-BTC, người phụ thuộc là con được liệt kê bao gồm: con đẻ; con nuôi hợp pháp; con riêng của vợ/chồng và con ngoài giá thú.

Như vậy, trong trường hợp người nộp thuế có con nuôi thì vẫn được tính giảm trừ gia cảnh. 

Lưu ý rằng, con nuôi chỉ được xem là người phụ thuộc khi là con nuôi hợp pháp, tức là con nuôi có đăng ký nhận nuôi một cách hợp pháp tại cơ quan nhà nước. 

Khi đó, người nuôi dưỡng sẽ được giảm trừ gia cảnh đối với người phụ thuộc là con nuôi hợp pháp.

Con nuôi được tính giảm trừ gia cảnh đến bao nhiêu tuổi?

Tùy vào từng trường hợp cụ thể mà có thể xem xét con nuôi được tính giảm trừ gia cảnh đến bao nhiêu tuổi. Thông thường, con nuôi được tính giảm trừ gia cảnh là con dưới 18 tuổi (tính đủ tuổi theo tháng và năm sinh). Ngoài ra, còn có những trường hợp đặc biệt được liệt kê dưới đây.

Con nuôi được tính giảm trừ gia cảnh đến bao nhiêu tuổi?

Con nuôi được tính giảm trừ gia cảnh đến bao nhiêu tuổi?

Cụ thể, căn cứ điểm d Khoản 1 Điều 9 Thông tư số 111/2013/TT-BTC, con nuôi được giảm trừ gia cảnh trong các trường hợp sau:

- Con nuôi dưới 18 tuổi (tính đủ tuổi theo tháng và năm sinh). Ví dụ: Con nuôi sinh ngày 10/6/2019 thì được tính là người phụ thuộc từ tháng 6/2019.

- Con nuôi từ 18 tuổi trở lên trong trường hợp bị tàn tật, khuyết tật và không có khả năng lao động cũng được xem là người phụ thuộc để giảm trừ gia cảnh.

- Con đang học tại Việt Nam/ theo học ở nước ngoài theo các bậc đại học/ cao đẳng/ trung học/ học nghề, bao gồm con từ 18 tuổi trở lên đang học phổ thông (tính luôn thời gian đợi kết quả thi đại học từ tháng 6 - tháng 9 của năm học lớp 12) không có thu nhập/thu nhập bình quân từng tháng trong năm tối đa là 1.000.000 đồng (một triệu đồng).

Tóm lại, trong trường hợp thông thường thì con nuôi được tính giảm trừ gia cảnh đến năm 18 tuổi. Tuy nhiên, trong một số trường hợp cụ thể như đã đề cập thì con nuôi vẫn được tính giảm trừ gia cảnh dù đã trên 18 tuổi.

Hồ sơ xin giảm trừ gia cảnh cho con nuôi gồm những gì?

Để chuẩn bị đầy đủ hồ sơ xin giảm trừ gia cảnh cho con nuôi, mời bạn đọc cùng theo dõi nội dung dưới đây để được hướng dẫn chuẩn bị hồ sơ giảm trừ gia cảnh cho con nuôi.

Căn cứ theo điểm g Khoản 1 điều 9 Thông tư số 111/2013/TT-BTC, hồ sơ giảm trừ gia cảnh cho con nuôi – hay còn gọi là hồ sơ chứng minh người phụ thuộc, bao gồm:

- Tờ khai đăng ký thuế về người phụ thuộc theo mẫu quy định.

- Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân/Hộ chiếu của người nộp thuế.

- Giấy tờ chứng minh người phụ thuộc là con nuôi, bao gồm:

+ Quyết định công nhận việc nuôi con nuôi của người nộp thuế để chứng minh quan hệ con nuôi hợp pháp;

+ Giấy khai sinh; căn cước công dân (nếu có) của con nuôi;

+ Nếu con bị khuyết tật, không có khả năng lao động: Giấy xác nhận khuyết tật/tàn tật;

+ Nếu con đang đi học: Thẻ sinh viên, Giấy xác nhận học sinh/sinh viên của trường hoặc tài liệu chứng minh đang học ở các trường đại học, cao đẳng, học nghề,…

Lưu ý: Các hồ sơ, tài liệu nêu trên có thể được chuẩn bị dưới dạng bản chụp hoặc bản scan nếu nộp trực tuyến hoặc bản photo/ bản sao chứng thực nếu đăng ký trực tiếp tại cơ quan thuế quản lý người nộp thuế.

Qua bài viết này, hy vọng rằng bạn đọc đã hiểu rõ hơn về các quy định và điều kiện để con nuôi được hưởng giảm trừ gia cảnh, cũng như các tài liệu cần thiết khi làm hồ sơ đăng ký giảm trừ gia cảnh cho con nuôi.

Bài viết vẫn chưa giải quyết hết thắc mắc của bạn? Đừng ngần ngại, hãy gọi ngay cho chúng tôi theo số  1900.6199 để hỗ trợ, giải đáp

Nguyễn Đức Hùng

Tham vấn bởi: Luật sư Nguyễn Đức Hùng

Công ty TNHH luật TGS - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Có thể bạn quan tâm

X