hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Sáu, 05/05/2023
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Bị án treo, công chức có được đi làm không?

Nhiều người thắc mắc, công chức bị án treo có được đi làm không bởi trong thời gian công tác, thực hiện nhiệm vụ, không hiếm cán bộ công chức vi phạm các quy định của pháp luật và bị xử lý hình sự. Có người bị xử hình phạt tù, cũng có người bị án treo.

Câu hỏi: Tôi muốn hỏi vấn đề sau, mong HieuLuat thông tin giúp tôi: Nếu công chức bị án treo có được đi làm không và có bị khai trừ khỏi đảng hay không?

Chào bạn, HieuLuat xin thông tin về vướng mắc của bạn như sau:

Công chức bị án treo có được đi làm không?

Điều 88 Luật Thi hành án hính sự 2019 quy định việc lao động, học tập của người được hưởng án treo như sau:

Cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, chiến sĩ, công nhân và viên chức quốc phòng, công nhân công an, người lao động bị kết án treo nếu được tiếp tục làm việc tại cơ quan, tổ chức thì được bố trí công việc nhưng phải bảo đảm yêu cầu giám sát, giáo dục, đồng thời họ cũng được hưởng tiền lương và chế độ khác phù hợp với công việc mà họ đảm nhiệm, được tính vào thời gian công tác, thời gian tại ngũ theo quy định của pháp luật.

Đối với người được hưởng án treo được cơ sở giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp tiếp nhận học tập thì được hưởng quyền lợi theo quy chế của cơ sở đó.

Đối với người được hưởng án treo không thuộc hai trường hợp nêu trên thì được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú tạo điều kiện tìm việc làm.

Người thuộc đối tượng được hưởng chế độ ưu đãi người có công với cách mạng, người đang hưởng chế độ bảo hiểm xã hội được hưởng án treo thì thực hiện theo quy định của pháp luật.

Như vậy, theo quy định nêu trên người được hưởng án treo là công chức nếu được tiếp tục làm việc tại cơ quan, tổ chức thì được bố trí công việc bảo đảm yêu cầu giám sát, giáo dục. Bên cạnh đó, họ cũng được hưởng tiền lương và chế độ khác phù hợp với công việc mà họ đảm nhiệm, được tính vào thời gian công tác theo quy định của pháp luật.

công chức bị án treo có được đi làm không nếu được đi làm phải đảm bảo yêu cầu giám sát

Bên cạnh đó, Điều 41 Bộ luật Hình sự 2015 có quy định trường hợp cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định như sau:

“Điều 41. Cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định
Cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định được áp dụng khi xét thấy nếu để người bị kết án đảm nhiệm chức vụ, hành nghề hoặc làm công việc đó thì có thể gây nguy hại cho xã hội.
Thời hạn cấm là từ 01 năm đến 05 năm, kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù hoặc từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật nếu hình phạt chính là cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ hoặc trong trường hợp người bị kết án được hưởng án treo.

Như vậy, công chức bị kết án treo có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định trong thời gian từ 1 – 5 năm khi xét thấy nếu để người bị kết án đảm nhiệm chức vụ, hành nghề hoặc làm công việc đó thì có thể gây nguy hại cho xã hội.

Về vấn đề người kết án treo có bị khai trừ đảng không, mời bạn theo dõi nội dung chúng tôi nêu dưới đây.

Án treo có bị khai trừ đảng không?

Căn cứ theo quy định tại điểm 1.3 khoản 1 Điều 40, Quy định số 30-QĐ/TW năm 2016 của Ban Chấp hành Trung ương về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng thì Đảng viên bị hình phạt từ cải tạo không giam giữ trở lên phải khai trừ ra khỏi Đảng.

Nếu bị toà án tuyên phạt từ hình phạt cải tạo không giam giữ trở lên, sau khi bản án có hiệu lực pháp luật thì tổ chức đảng có thẩm quyền căn cứ bản án của toà án để quyết định khai trừ hoặc xoá tên trong danh sách đảng viên (đối với đảng viên dự bị), không phải theo quy trình thi hành kỷ luật.

Tổ chức đảng có thẩm quyền quyết định khai trừ đảng viên thông báo bằng văn bản cho chi bộ nơi đảng viên sinh hoạt và các tổ chức đảng nơi đảng viên đó là thành viên.

Án treo về bản chất là biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện, áp dụng khi mức phạt tù không quá 3 năm, căn cứ nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, nếu xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù thì tòa án cho hưởng án treo và ấn định thời gian thử thách từ một năm đến 5 năm (theo khoản 1 Điều 60 Bộ luật Hình sự).

Cải tạo không giam giữ về bản chất là một hình phạt chính (theo điểm c khoản 1 Điều 28 Bộ luật hình sự). Thời gian áp dụng là từ 6 tháng đến 3 năm với người phạm tội ít nghiêm trọng hoặc phạm tội nghiêm trọng mà đang có nơi làm việc ổn định hoặc có nơi thường trú rõ ràng, nếu xét thấy không cần thiết phải cách ly người phạm tội khỏi xã hội (khoản 1 Điều 31 BLHS).

Căn cứ các quy định trên, có thể thấy án treo là hình phạt nặng hơn hình phạt cải tạo không giam giữ. Do đó, tổ chức đảng có thẩm quyền căn cứ vào bản án của tòa án để quyết định khai trừ đảng viên.

HieuLuat vừa thông tin về lịch nghỉ hè 2023 của học sinh cả nước. Nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ trực tiếp đến tổng đài  19006199 để được tư vấn kịp thời.

Lê Ngọc Khánh

Tham vấn bởi: Luật sư Lê Ngọc Khánh

Công ty TNHH luật TGS - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Có thể bạn quan tâm

X