Công chức bị khởi tố có được đi làm không, nếu vẫn được đi làm thì họ có được giữ nguyên lương hay không? Thông tin trong bài viết dưới đây của HieuLuat sẽ giải đáp vấn đề này.
Công chức bị khởi tố có được đi làm không?
Chào bạn, Điều 81 Luật Cán bộ, công chức 2008 quy định về tạm đình chỉ công tác đối với cán bộ, công chức. Cụ thể:
Trong thời gian xem xét, xử lý kỷ luật cán bộ, công chức cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý cán bộ, công chức có thể ra quyết định tạm đình chỉ công tác nếu để cán bộ, công chức đó tiếp tục làm việc có thể gây khó khăn cho việc xem xét, xử lý.
Thời hạn tạm đình chỉ công tác không quá 15 ngày. Nếu cần thiết có thể kéo dài thêm thời gian đình chỉ công tác nhưng tối đa không quá 15 ngày. Nếu cán bộ, công chức bị tạm giữ, tạm giam để phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử thì thời gian tạm giữ, tạm giam được tính là thời gian nghỉ việc có lý do.
Sau khi hết thời hạn tạm đình chỉ công tác nếu cán bộ, công chức không bị xử lý kỷ luật thì được tiếp tục bố trí làm việc ở vị trí cũ.
Trong thời gian cán bộ, công chức bị tạm đình chỉ công tác hoặc bị tạm giữ, tạm giam để phục vụ cho công tác điều tra, truy tố, xét xử vẫn được hưởng lương theo quy định của Chính phủ.
Như vậy, trong thời gian xem xét, xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, nếu để cán bộ, công chức đó tiếp tục làm việc có thể gây khó khăn cho việc xem xét, xử lý thì cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý công chức có thể ra quyết định tạm đình chỉ công tác.
Do vậy, khi công chức bị khởi tố nhưng không có quyết định tạm giữ, tạm giam vẫn có thể đi làm và chỉ bị đình chỉ công tác trong trường hợp cần thiết.
Công chức bị khởi tố có được đi làm không là thắc mắc của nhiều người.
Công chức bị khởi tố, có bị xử lý kỷ luật không?
Điều 3 Nghị định 112/2020/NĐ-CP quy định về 04 trường hợp chưa xem xét xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức.
Thứ nhất, khi đang trong thời gian nghỉ hàng năm, nghỉ theo chế độ, nghỉ việc riêng được cấp có thẩm quyền cho phép.
Thứ hai, đang trong thời gian điều trị bệnh hiểm nghèo hoặc đang mất khả năng nhận thức; bị ốm nặng đang điều trị nội trú tại bệnh viện có xác nhận của cơ quan y tế có thẩm quyền.
Thứ ba, là nữ giới đang trong thời gian mang thai, nghỉ thai sản, đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi hoặc cán bộ, công chức, viên chức là nam giới (trong trường hợp vợ chết hoặc vì lý do khách quan, bất khả kháng khác) đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
Và thứ tư, đang bị khởi tố, tạm giữ, tạm giam chờ kết luận của cơ quan có thẩm quyền điều tra, truy tố, xét xử về hành vi vi phạm pháp luật, trừ trường hợp theo quyết định của cấp có thẩm quyền.
Như vậy, công chức bị khởi tố thuộc một trong những trường hợp chưa xem xét xử lý kỷ luật.
Tiền lương của công chức khi bị khởi tố ra sao?
Nghị định 112/2020/NĐ-CP cũng có quy định về chế độ, chính sách đối với cán bộ, công viên chức đang trong thời gian bị tạm giữ, tạm giam, tạm đình chỉ công tác hoặc tạm đình chỉ chức vụ tại Điều 41.
Theo đó, cán bộ, công chức, viên chức đang trong thời gian bị tạm giữ, tạm giam, tạm đình chỉ công tác… chưa bị xử lý kỷ luật thì áp dụng theo chế độ như sau:
Trong thời gian tạm giữ, tạm giam hoặc được cho tại ngoại nhưng áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú, không thể tiếp tục đi làm để phục vụ cho công tác điều tra, truy tố, xét xử hoặc tạm đình chỉ công tác mà chưa bị xem xét xử lý kỷ luật thì được hưởng 50% của mức lương hiện hưởng + phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề và hệ số chênh lệch bảo lưu lương (nếu có).
Nếu người bị tạm đình chỉ chức vụ là cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý thì không được hưởng phụ cấp chức vụ lãnh đạo, quản lý.
Nếu cán bộ, công chức, viên chức không bị xử lý kỷ luật hoặc được kết luận là oan, sai thì được truy lĩnh 50% còn lại; nếu bị xử lý kỷ luật hoặc bị Tòa án tuyên là có tội thì không được truy lĩnh 50% còn lại.
Vừa rồi là những thông tin về vấn đề công chức bị khởi tố có được đi làm không? Nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ.