hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Năm, 04/05/2023
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Công chức bị kỷ luật cảnh cáo: Mất những quyền lợi gì?

Cảnh cáo là một trong các hình thức kỷ luật được áp dụng đối với công chức. Vậy khi công chức bị kỷ luật bằng hình thức này thì sẽ mất những quyền lợi gì?

Câu hỏi: Cho tôi hỏi các trường hợp công chức bị kỷ luật cảnh cáo là gì? Và khi bị áp dụng hình thức này thì công chức sẽ bị mất những quyền lợi nào? Mong được HieuLuat thông tin. Xin cảm ơn!

Chào bạn, vướng mắc của bạn chúng tôi xin được thông tin như sau:

Các trường hợp công chức bị kỷ luật cảnh cáo

Căn cứ theo quy định tại khoản 15 Điều 1 Luật sửa đổi Luật Cán bộ, công chức năm 2019 thì  tùy vào tính chất, mức độ hành vi vi phạm mà công chức sẽ bị áp dụng một trong những hình thức kỷ luật dưới đây:

Một là khiển trách;

Thứ hai là cảnh cáo;

Thứ ba là hạ bậc lương;

Thứ tư là giáng chức;

Thứ năm là cách chức;

Và thứ sáu là buộc thôi việc.

Trong đó, hình thức kỷ luật giáng chức và cách chức chỉ áp dụng đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý; hình thức kỷ luật hạ bậc lương chỉ áp dụng với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý.

Hình thức cảnh cáo thì áp dụng với cả công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý lẫn công chức không giữ chức vụ này.

công chức bị kỷ luật cảnh cáo trong trường hợp nàoNghị định 112/2020 quy định rõ các hành vi bị xem xét kỷ luật cảnh cáo đối với công chức.

Điều 9 Nghị định 112/2020/NĐ-CP có quy định rõ các hành vi vi phạm của công chức bị xem xét áp dụng kỷ luật cảnh cáo bao gồm:

1 - Đã bị xử lý kỷ luật bằng hình thức khiển trách mà tái phạm.

Các hành vi vi phạm bị khiển trách nêu tại Điều 8 Nghị định 112 này như

+ Vi phạm về thực hiện chức trách, nhiệm vụ của công chức; kỷ luật lao động; nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức, đơn vị;

+ Vi phạm về đạo đức, văn hóa giao tiếp;

+ Vi phạm về phòng, chống tội phạm; tệ nạn xã hội; trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí;

+Vi phạm về bảo vệ bí mật Nhà nước;

+ Vi phạm về bảo vệ chính trị nội bộ

2 - Lợi dụng vị trí công tác nhằm mục đích vụ lợi hoặc có thái độ hách dịch, cửa quyền hoặc gây khó khăn, phiền hà đối với cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân trong thi hành công vụ; xác nhận hoặc cấp giấy tờ pháp lý cho người không đủ điều kiện;

3 - Không chấp hành quyết định điều động hay phân công công tác của cấp có thẩm quyền; không thực hiện nhiệm vụ được giao mà không có lý do chính đáng; gây mất đoàn kết trong cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Nếu vi phạm lần đầu các hành vi nêu trên nhưng gây hậu quả nghiêm trọng cũng có thể bị xem xét kỷ luật cảnh cáo. Hậu quả ít nghiêm trọng là hậu quả có tính chất, mức độ tác hại không lớn, tác động trong phạm vi nội bộ, làm ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan, tổ chức, đơn vị công tác;

Riêng các hành vi dưới đây, nếu vi phạm lần đầu mà gây hậu quả ít nghiêm trọng thì cũng bị xem xét cảnh cáo. Hậu quả ít nghiêm trọng là hậu quả có tính chất, mức độ tác hại không lớn, tác động trong phạm vi nội bộ, làm ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan, tổ chức, đơn vị công tác;

4 - Công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý không thực hiện đúng, đầy đủ chức trách, nhiệm vụ quản lý, điều hành theo sự phân công;

5 - Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong phạm vi phụ trách mà không có biện pháp ngăn chặn.

Công chức bị kỷ luật cảnh cáo mất những quyền lợi gì?

Như vậy nêu nội dung trên có thể biết được các trường hợp công chức bị kỷ luật cảnh cáo. Nếu bị áp dụng hình thức xử lý kỷ luật này thì công chức sẽ bị mất những quyền lợi nhất định. Cụ thể thế nào?

Theo khoản 1 Điều 82 Luật Cán bộ, công chức, nếu cán bộ, công chức bị khiển trách hoặc cảnh cáo thì thời gian nâng lương bị kéo dài 06 tháng, kể từ ngày quyết định kỷ luật có hiệu lực.

Không những thế, tại điểm a khoản 17 Điều 1 Luật sửa đổi 2019 còn quy định nếu bị kỷ luật bằng hình thức khiển trách, cảnh cáo hoặc hạ bậc lương thì không thực hiện việc nâng ngạch, quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm vào chức vụ cao hơn trong thời hạn 12 tháng, kể từ ngày quyết định kỷ luật có hiệu lực;

Điểm c Điều luật này còn nêu thêm, hết thời hạn quy định thì cán bộ, công chức không vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật thì tiếp tục thực hiện nâng ngạch, quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, tại điểm c khoản 1 và điểm đ khoản 2 Điều 11 Nghị định 90/2020 thì một trong những tiêu chí xếp loại chất lượng công chức ở mức không hoàn thành nhiệm vụ chính đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý và công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý là có hành vi vi phạm trong quá trình thực thi nhiệm vụ bị xử lý kỷ luật trong năm đánh giá.

Mà cảnh cáo cũng thuộc một trong những hình thức xử lý kỷ luật, do đó nếu công chức bị kỷ luật cảnh cáo thì dù có giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý hay không cũng sẽ bị xếp ở mức không hoàn thành nhiệm vụ.

Như vậy, công chức nếu bị kỷ luật cảnh cáo thì sẽ bị:

- Kéo dài nâng lương 06 tháng kể từ ngày bị kỷ luật.

- Không được bổ nhiệm vào chức vụ cao hơn trong thời hạn 12 tháng. Hết thời hạn này, công chức không vi phạm đến mức bị kỷ luật thì sẽ tiếp tục được bổ nhiệm theo quy định.

- Bị xếp loại ở mức không hoàn thành nhiệm vụ

Vừa rồi là những thông tin liên quan đến công chức bị kỷ luật cảnh cáo. Nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ  19006199 để được hỗ trợ.

Nguyễn Đức Hùng

Tham vấn bởi: Luật sư Nguyễn Đức Hùng

Công ty TNHH luật TGS - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Có thể bạn quan tâm

X