hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Bảy, 22/07/2023
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Công chức có được góp vốn vào doanh nghiệp không? [Quy định hiện hành]

Nhiều người vẫn băn khoăn liệu rằng công chức có được góp vốn vào doanh nghiệp không? Pháp luật quy định về điều này thế nào?

Câu hỏi: Xin chào HieuLuat, cho tôi hỏi theo quy định hiện nay thì công chức có được thành lập doanh nghiệp hay góp vốn vào doanh nghiệp không?

Công chức có được thành lập doanh nghiệp không?

Theo điểm b khoản 2 Điều 17 của Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định tổ chức, cá nhân sau đây không có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam

b) Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.

Mà theo khoản 2 Điều 1 Luật Cán bộ, công chức năm 2008, được sửa đổi, bổ sung tại khoản 1 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cán bộ, công chức và Luật Viên chức năm 2019 thì công chức là công dân Việt Nam, được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh tương ứng với vị trí việc làm:

- Trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện;

- Trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân mà không phải là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng;

- Trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân mà không phải là sĩ quan, hạ sĩ quan phục vụ theo chế độ chuyên nghiệp, công nhân công an, trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước.

Như vậy, theo quy định hiện nay thì công chức Nhà nước không có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam.

công chức có được góp vốn vào doanh nghiệp không là vướng mắc của nhiều ngườiCông chức có được góp vốn hay thành lập doanh nghiệp không là băn khoăn của nhiều người.

Khoản 25 Điều 4 của Luật Doanh nghiệp 2020 cũng quy định người thành lập doanh nghiệp là cá nhân, tổ chức thành lập hoặc góp vốn để thành lập doanh nghiệp.

Khoản 24 của Điều luật này quy định người quản lý doanh nghiệp là người quản lý doanh nghiệp tư nhân và người quản lý công ty, bao gồm:

- Chủ doanh nghiệp tư nhân,

- Thành viên hợp danh,

- Chủ tịch Hội đồng thành viên,

- Thành viên Hội đồng thành viên,

- Chủ tịch công ty,

- Chủ tịch Hội đồng quản trị,

- Thành viên Hội đồng quản trị,

- Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và cá nhân giữ chức danh quản lý khác theo quy định tại Điều lệ công ty.

Như vậy, căn cứ theo quy định trên thì công chức không có quyền thành lập doanh nghiệp, cũng không được quản lý doanh nghiệp tư nhân và quản lý công ty, bao gồm các chức danh nêu trên.

Công chức có được góp vốn vào doanh nghiệp không?

Theo nội dung trên có thể thấy, cán bộ, công chức, viên chức không được quyền thành lập và tham gia quản lý doanh nghiệp. Tuy nhiên, vẫn được phép góp vốn vào doanh nghiệp khi doanh nghiệp đã đi vào quá trình hoạt động bằng các hình thức góp vốn theo luật định.

Về nguyên tắc, tổ chức, cá nhân có quyền góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp vào công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh theo quy định trừ trường hợp được quy định tại khoản 3 Điều 17 của Luật Doanh nghiệp 2020:

a) Cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân sử dụng tài sản nhà nước góp vốn vào doanh nghiệp để thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình;

b) Đối tượng không được góp vốn vào doanh nghiệp theo quy định của Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức, Luật Phòng, chống tham nhũng.

Như vậy, một số trường hợp, cán bộ, công chức, viên chức cũng không thể thực hiện quyền góp vốn vào công ty như sau:

1 - Cán bộ, công chức, viên chức là người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan hoặc là vợ/chồng của những người này sẽ không được góp vốn vào công ty hoạt động trong ngành, nghề mà người này thực hiện công việc quản lý nhà nước (theo khoản 4 Điều 20 Luật phòng, chống tham nhũng 2018).

2 - Cán bộ, công chức, viên chức là vợ/chồng, bố/mẹ, con của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan không được kinh doanh trong phạm vi lĩnh vực mà chồng/vợ, con, bố/mẹ của họ quản lý trực tiếp (khoản 4 Điều 20 Luật phòng, chống tham nhũng 2018).

3 - Cán bộ, công chức, viên chức đã thôi giữ chức vụ quản lý trước đây thì không được kinh doanh trong lĩnh vực mà trước đây họ có trách nhiệm quản lý trong một thời gian nhất định theo quy định của pháp luật (điểm d khoản 2 Điều 20 Luật phòng, chống tham nhũng 2018).

Có thể thấy, nếu là người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan nhà nước thì không có quyền góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp vào công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh hoạt động trong phạm vi ngành, nghề trực tiếp thực hiện việc quản lý nhà nước.

Trên đây là thông tin về vấn đề công chức có được góp vốn vào doanh nghiệp không? Nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ  19006192 để được hỗ trợ.

Nguyễn Văn Việt

Tham vấn bởi: Luật sư Nguyễn Văn Việt

Công ty Luật TNHH I&J - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Tin cùng chủ đề

Có thể bạn quan tâm

X