Các thông tin liên quan đến công chức luôn thu hút sự quan tâm, trong đó bao gồm cả vấn đề công chức có được kinh doanh, công chức bị cấm làm những gì?
Theo quy định, công chức có được kinh doanh không?
Chào bạn, băn khoăn của bạn chắc hẳn cũng là vướng mắc của nhiều người. Về vấn đề này, HieuLuat xin được thông tin như sau:
Căn cứ theo khoản 2 Điều 20 Luật Phòng chống tham nhũng 2018 quy định những việc người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị không được làm, bao gồm:
Một là nhũng nhiễu trong giải quyết công việc;
Hai là thành lập, tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã, trừ trường hợp luật có quy định khác;
Ba là tư vấn cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân khác ở trong nước và nước ngoài về công việc có liên quan đến bí mật nhà nước, bí mật công tác, công việc thuộc thẩm quyền giải quyết hoặc tham gia giải quyết;
Bốn là thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã thuộc lĩnh vực mà trước đây mình có trách nhiệm quản lý trong thời hạn nhất định theo quy định của Chính phủ;
Năm là sử dụng trái phép thông tin của cơ quan, tổ chức, đơn vị;
Năm là những việc khác mà người có chức vụ, quyền hạn không được làm theo quy định của Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức, Luật Doanh nghiệp và luật khác có liên quan.
Như vậy công chức sẽ không được kinh doanh dưới các hình thức:
- Góp vốn là thành viên hợp danh của công ty hợp danh
- Thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn
- Thành viên hội đồng quản trị trong công ty cổ phần.
Bên cạnh đó, theo khoản 1 Điều 80 Nghị định 01/2021/NĐ-CP thì thành viên hộ gia đình là công dân Việt Nam có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của Bộ luật Dân sự có quyền thành lập hộ kinh doanh, trừ các trường hợp:
- Người chưa thành niên, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc bị mất năng lực hành vi dân sự hoặc người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.
- Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù, đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính…
- Các trường hợp khác theo quy định
Như vậy, bạn có thể kinh doanh dưới hình thức là hộ kinh doanh cá thể.
Hộ kinh doanh do một cá nhân hoặc các thành viên hộ gia đình đăng ký thành lập và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh của hộ. Nếu các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh thì ủy quyền cho một thành viên làm đại diện hộ kinh doanh (theo khoản 1 Điều 79 Nghị định 01/2021 của Chính phủ)
Hộ kinh doanh không phải là doanh nghiệp tư nhân hay các loại hình công ty khác và cá nhân đăng ký hộ kinh doanh, người được các thành viên hộ gia đình ủy quyền làm đại diện hộ kinh doanh chính là chủ hộ kinh doanh.
Công chức có được góp vốn vào doanh nghiệp không?
Thông tin đến bạn như sau:
Theo điểm b khoản 2 Điều 17 của Luật Doanh nghiệp năm 2020 thì cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức không có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam.
Người thành lập doanh nghiệp, theo khoản 25 Điều 4 của Luật này chính là cá nhân, tổ chức thành lập hoặc góp vốn để thành lập doanh nghiệp.
Người quản lý doanh nghiệp khoản 24 của Điều 4 Luật Doanh nghiệp là người quản lý doanh nghiệp tư nhân và người quản lý công ty như:
- Chủ doanh nghiệp tư nhân
- Thành viên hợp danh
- Chủ tịch Hội đồng thành viên
- Thành viên Hội đồng thành viên
- …
Như vậy, nếu là công chức Nhà nước, bạn không có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam cũng như không được góp vốn để thành lập doanh nghiệp hoặc quản lý doanh nghiệp tư nhân và người quản lý công ty.
Những việc cán bộ, công chức không được làm?
Chào bạn, Luật Cán bộ, công chức 2008 quy định cụ thể những việc cán bộ, công chức không được làm.
Liên quan đến đạo đức công vụ (Điều 18)
- Trốn tránh trách nhiệm, thoái thác nhiệm vụ được giao; gây bè phái, mất đoàn kết; tự ý bỏ việc hoặc tham gia đình công.
- Sử dụng tài sản của Nhà nước và của nhân dân trái pháp luật.
- Lợi dụng, lạm dụng nhiệm vụ, quyền hạn; sử dụng thông tin liên quan đến công vụ để vụ lợi.
- Phân biệt đối xử dân tộc, nam nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo dưới mọi hình thức.
Liên quan đến bí mật nhà nước (Điều 19)
- Cán bộ, công chức không được tiết lộ thông tin liên quan đến bí mật nhà nước dưới mọi hình thức.
- Cán bộ, công chức làm việc ở ngành, nghề có liên quan đến bí mật nhà nước thì trong thời hạn ít nhất là 05 năm, kể từ khi có quyết định nghỉ hưu, thôi việc, không được làm công việc có liên quan đến ngành, nghề mà trước đây mình đã đảm nhiệm cho tổ chức, cá nhân trong nước, tổ chức, cá nhân nước ngoài hoặc liên doanh với nước ngoài.
Những việc khác (Điều 20)
Ngoài những việc không được làm quy định trên thì cán bộ, công chức còn không được làm những việc liên quan đến sản xuất, kinh doanh, công tác nhân sự quy định tại Luật phòng, chống tham nhũng, Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và những việc khác theo quy định của pháp luật và của cơ quan có thẩm quyền.
Trên đây là thông tin giải đáp cho câu hỏi Công chức có được kinh doanh không? Nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ.