hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Tư, 18/10/2023
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Công chức có được thừa kế đất nông nghiệp không?

Nhận thừa kế là quyền của mỗi cá nhân. Tuy nhiên trong một số trường hợp, cá nhân sẽ bị hạn chế quyền này. Có ý kiến cho rằng công chức không được nhận thừa kế là đất nông nghiệp. Cùng tìm hiểu về ý kiến này ở bài viết bài dưới.

 
Mục lục bài viết
  • Đất nông nghiệp là gì?
  • Công chức có được thừa kế đất nông nghiệp không?
  • Thủ tục thừa kế quyền sử dụng đất nông nghiệp
Câu hỏi: Cha tôi vừa mất và để lại di sản cho tôi là mảnh đất 80m2, đất này là đất nông nghiệp. Tôi hiện tại là công chức. Tôi nghe nói công chức không được nhận thừa kế là đất nông nghiệp. Điều này có đúng hay không, mong được giải đáp.

Đất nông nghiệp là gì?

Hiện nay, dựa theo mục đích sử dụng đất đai được chia làm 03 loại chính: Đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp và đất chưa sử dụng.

Trong đó, đất nông nghiệp là đất sử dụng vào mục đích sản xuất, nghiên cứu về nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản, làm muối và mục đích bảo vệ, phát triển rừng.

Đất nông nghiệp

Đất nông nghiệp

Theo quy định tại Điều 10 Luật Đất đai số 45/2013/QH13, đất nông nghiệp gồm những loại đất sau:

  • Đất trồng cây hàng năm;

  • Đất trồng cây lâu năm;

  • Đất rừng sản xuất;

  • Đất rừng phòng hộ;

  • Đất rừng đặc dụng;

  • Đất nuôi trồng thủy sản;

  • Đất làm muối;

  • Đất nông nghiệp khác.

Công chức có được thừa kế đất nông nghiệp không?

Điều 167 Luật Đất đai có quy định như sau:

“Điều 167. Quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất

1. Người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất theo quy định của Luật này.”

Công chức được xác định là cá nhân sử dụng đất. Như vậy công chức có quyền nhận thừa kế quyền sử dụng đất. Việc nhận thừa kế quyền sử dụng đất của công chức sẽ tuân theo quy định tại Luật Đất đai và Bộ luật Dân sự về thừa kế.

Công chức được nhận thừa kế đất nông nghiệp

Công chức được nhận thừa kế đất nông nghiệp

Tại Điều 191 Luật đất đai quy định như sau: “Hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa”.

Theo đó, Luật Đất đai chỉ có quy định giới hạn trường hợp cá nhân không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất nông nghiệp mà không giới hạn quyền nhận thừa kế quyền sử dụng đất nông nghiệp của cá nhân.

Vì vậy, công chức sẽ được nhận thừa kế quyền sử dụng đất nông nghiệp khi đáp ứng các điều kiện về nhận thừa kế của Bộ luật Dân sự.

Công chức nhận thừa kế đất nông nghiệp theo di chúc hoặc theo pháp luật. Điều kiện để công chức được nhận thừa kế là công chức phải là người còn sống vào thời điểm mở thừa kế và không rơi vào các trường hợp sau:

  • Công chức nhận thừa kế bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe hoặc bị kết án về hành vi ngược đãi nghiêm trọng, hành hạ người để lại tài sản thừa kế, xâm phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người đó;

  • Công chức nhận thừa kế vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng người để lại tài sản thừa kế;

  • Công chức nhận thừa kế bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm đến tính mạng của những người thừa kế khác nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ phần tài sản thừa kế mà người thừa kế đó có quyền hưởng;

  • Công chức nhận thừa kế có hành vi lừa dối, cưỡng ép hoặc ngăn cản người để lại tài sản thừa kế trong việc lập di chúc, giả mạo di chúc, sửa chữa, hủy, hoặc che giấu di chúc nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ tài sản thừa kế trái với ý chí của người để lại tài sản thừa kế.

Thủ tục thừa kế quyền sử dụng đất nông nghiệp

Việc nhận thừa kế đất nông nghiệp được được thực hiện tương tự như thủ tục nhận thừa kế đối với các tài sản khác. Việc chia di sản thừa kế sẽ được thực hiện theo 02 hình thức sau:

  • Chia thừa kế theo nội dung của di chúc;

  • Chia thừa kế theo pháp luật trong trường hợp không có di chúc.

Sau khi mở thừa kế hoặc di chúc được công bố, công chức nhận thừa kế và những người thừa kế khác có thể thỏa thuận về việc cử người quản lý tài sản thừa kế, người phân chia tài sản thừa kế, cách thức phân chia di sản…

Thủ tục khai nhận di sản thừa kế:

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 58 Luật Công chứng, việc thực hiện thủ tục khai nhận di sản được áp dụng đối với trường hợp sau: “Người duy nhất được hưởng di sản theo pháp luật hoặc những người cùng được hưởng di sản theo pháp luật nhưng thỏa thuận không phân chia di sản đó có quyền yêu cầu công chứng văn bản khai nhận di sản.”.

Như vậy nếu công chức nhận thừa kế quyền sử dụng đất nông nghiệp là người thừa kế di nhất hoặc có các đồng thừa kế nhưng thỏa thuận không phân chia di sản (việc thỏa thuận phải được lập thành văn bản) thì thực hiện thủ tục khai nhận di sản.

Để công chứng văn bản khai nhận di sản thừa kế, người yêu cầu công chứng chuẩn bị 01 bộ hồ sơ và tiến hành công chứng tại các phòng công chứng hoặc văn phòng công chứng.

Thủ tục đăng ký biến động đất đai

Theo quy định tại Điều 95 Luật Đất đai, người sử dụng đất phải thực hiện thủ tục đăng ký biến động đất đai trong trường hợp nhận thừa kế quyền sử dụng đất. Thời hạn để thực hiện đăng ký là 30 ngày kể từ ngày phân chia xong quyền sử dụng đất. Nếu hết thời hạn mà người sử dụng đất không đăng ký biến động sẽ bị xử lý vi phạm hành chính.

Về thủ tục, các bước đăng ký biến động được thực hiện như sau:

  • Bước 1: Người yêu cầu chuẩn bị hồ sơ;

  • Bước 2: Nộp hồ sơ;

  • Bước 3: Cơ quan thẩm quyền giải quyết yêu cầu.

Trên đây là nội dung trả lời cho câu hỏi Công chức có được thừa kế đất nông nghiệp không? Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào liên quan đến nội dung bài viết trên đây vui lòng liên hệ đến tổng đài: 1900.6199 để được tư vấn và hỗ trợ.

Lê Ngọc Khánh

Tham vấn bởi: Luật sư Lê Ngọc Khánh

Công ty TNHH luật TGS - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Có thể bạn quan tâm

X