Công chức giữ chức vụ lãnh đạo quản lý gồm những ai? Quyền lợi ra sao? Những thông tin này sẽ được giải đáp trong bài viết dưới đây của HieuLuat.
Công chức giữ chức vụ lãnh đạo quản lý gồm những ai?
Chào bạn, hiện hành không có văn bản quy định về công chức giữ chức vụ quản lý. Tuy nhiên, căn cứ theo khoản 1 Điều 3 Nghị định 158/2007/NĐ-CP thì:
'Cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý'' là người được bầu cử hoặc được người có thẩm quyền bổ nhiệm giữ chức vụ có thời hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị và được hưởng phụ cấp lãnh đạo.
Như vậy, có thể hiểu công chức giữ chức vụ lãnh đạo là người được bầu cử hoặc được người có thẩm quyền bổ nhiệm giữ chức vụ có thời hạn trong một cơ quan, tổ chức. Người giữ chức vụ lãnh đạo sẽ được hưởng phụ cấp lãnh đạo.
Theo Mục I Thông tư 02/2005/TT-BNV đối tượng được áp dụng chế độ phụ cấp chức vụ lãnh đạo với cán bộ, công chức và viên chức gồm:
Một là cán bộ bầu cử trong các cơ quan nhà nước từ Trung ương đến quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (cấp huyện) thuộc diện xếp lương theo ngạch, bậc công chức hành chính và hưởng phụ cấp chức vụ lãnh đạo.
Hai là cán bộ, công chức, viên chức được bổ nhiệm giữ chức danh lãnh đạo trong các cơ quan nhà nước từ Trung ương đến cấp huyện và trong các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước được cấp có thẩm quyền quyết định thành lập.
Và thứ ba là cán bộ, công chức, viên chức thuộc biên chế nhà nước và xếp lương theo ngạch, bậc công chức, viên chức được cử đến giữ chức danh lãnh đạo chuyên trách tại các hội và các tổ chức phi Chính phủ.
Hiện nay, công chức giữ chức vụ lãnh đạo quản lý gồm những ai?
Căn cứ bổ nhiệm công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý
Khoản 5 Điều 7 Luật Cán bộ, công chức 2008 quy định bổ nhiệm là việc cán bộ, công chức được quyết định giữ một chức vụ lãnh đạo, quản lý hoặc một ngạch theo quy định của pháp luật.
Điều 51 luật này có quy định việc bổ nhiệm công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý phải căn cứ vào:
- Nhu cầu, nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị;
- Tiêu chuẩn, điều kiện của chức vụ lãnh đạo, quản lý.
Bên cạnh đó, thẩm quyền, trình tự, thủ tục bổ nhiệm công chức lãnh đạo, quản lý được thực hiện theo quy định của pháp luật và của cơ quan có thẩm quyền.
Về thời hạn bổ nhiệm công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý là 05 năm. Và khi hết thời hạn, cơ quan, tổ chức hoặc đơn vị có thẩm quyền phải xem xét bổ nhiệm lại hoặc không bổ nhiệm lại.
Đối với công chức được điều động đến cơ quan, tổ chức, đơn vị khác hoặc được bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý mới thì đương nhiên thôi giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý đang đảm nhiệm, trừ trường hợp kiêm nhiệm.
Điều 42 Nghị định 138/2020/NĐ-CP quy định rõ, tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm công chức giữ chức vụ quản lý, lãnh đạo gồm:
Thứ nhất, bảo đảm tiêu chuẩn chung, tiêu chuẩn chức danh và tiêu chuẩn cụ thể của chức vụ bổ nhiệm.
Thứ hai, phải được quy hoạch chức vụ bổ nhiệm nếu là nguồn nhân sự tại chỗ hoặc được quy hoạch chức vụ tương đương nếu là nguồn nhân sự từ nơi khác.
Thứ ba, có hồ sơ, lý lịch cá nhân được xác minh, có bản kê khai tài sản, thu nhập.
Thứ tư đáp ứng điều kiện về độ tuổi được bổ nhiệm:
- Được đề nghị bổ nhiệm lần đầu hoặc đề nghị bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý cao hơn thì tuổi bổ nhiệm: Phải còn đủ 05 năm công tác tính từ khi thực hiện quy trình bổ nhiệm; trường hợp đặc biệt báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định;
- Được bổ nhiệm vào chức vụ mà thời hạn mỗi lần bổ nhiệm của chức vụ đó là dưới 05 năm: Tuổi bổ nhiệm phải đủ một nhiệm kỳ;
- Công chức được điều động, bổ nhiệm giữ chức vụ mới tương đương hoặc thấp hơn chức vụ đang giữ: Không tính tuổi bổ nhiệm theo quy định trên.
Thứ năm, có đủ sức khoẻ để hoàn thành nhiệm vụ và chức trách được giao.
Thứ sáu, không thuộc các trường hợp bị cấm đảm nhiệm chức vụ của Đảng và của pháp luật hoặc không đang trong thời hạn xử lý kỷ luật, không trong thời gian thực hiện các quy định liên quan đến kỷ luật.
HieuLuat vừa giải đáp thông tin cho câu hỏi về công chức giữ chức vụ lãnh đạo quản lý . Nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ.