Nhiều công chức tập sự vẫn còn thắc mắc: công chức tập sự có được nghỉ phép năm không? Lương trong thời gian nghỉ phép được tính như thế nào? Cùng chúng tôi tìm hiểu các quy định pháp luật về vấn đề này qua bài viết dưới đây.
Công chức tập sự là gì?
Theo khoản 1 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức 2019 quy định:
“Công chức là công dân Việt Nam, được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh tương ứng với vị trí việc làm trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện; trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân mà không phải là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng; trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân mà không phải là sĩ quan, hạ sĩ quan phục vụ theo chế độ chuyên nghiệp, công nhân công an, trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước”.
Bên cạnh đó, Điều 20 Nghị định 138/2020/NĐ-CP có nêu rõ, khi một người được tuyển dụng vào công chức thì phải thực hiện chế độ tập sự để làm quen với môi trường, công việc của vị trí được tuyển dụng.
Từ hai quy định trên, có thể hiểu công chức tập sự là người được tuyển dụng vào công chức khi đủ các điều kiện luật định và đang trong thời gian tập sự để làm quen với môi trường công tác và vị trí của công việc.
Công chức tập sự có được nghỉ phép năm không?
Công chức tập sự có được nghỉ phép năm?
Luật Cán bộ, công chức 2008 có quy định quyền được nghỉ hàng năm của công chức (hay công chức tập sự) được áp dụng theo quy định pháp luật về lao động, cụ thể là Bộ luật Lao động 2019 và một số văn bản hướng dẫn thi hành. Theo đó, Điều 113 Bộ luật Lao động 2019 xác định thời gian nghỉ phép năm của người lao động trong điều kiện bình thường như sau:
Người lao động làm việc đủ 12 tháng cho một người sử dụng lao động thì được nghỉ hằng năm và thời gian nghỉ tương ứng là 12 ngày làm việc.
Người lao động làm việc chưa đủ 12 tháng cho một người sử dụng lao động thì số ngày nghỉ hằng năm được tính theo tỷ lệ tương ứng với số tháng làm việc, công thức tính trong trường hợp này là:
Số ngày nghỉ phép năm = (Số ngày nghỉ hàng năm : 12) x Số tháng làm việc thực tế.
Trong đó: Số ngày nghỉ hằng năm của người lao động là từ 12 đến 16 ngày tùy vào đối tượng và điều kiện lao động.
Ngoài ra, tại Điều 65 Nghị định 145/2020/NĐ-CP có quy định thời gian học nghề, tập nghề được coi là thời gian làm việc để tính số ngày nghỉ phép năm của người lao động, cho nên có thể hiểu thời gian tập sự của công chức tập sự cũng được xem là thời gian làm việc để tính số ngày nghỉ phép năm. Từ các quy định trên có thể thấy, công chức tập sự được quyền nghỉ phép năm và số ngày nghỉ phép năm này tùy thuộc vào thời gian tập sự thực tế.
Ví dụ: đối với trường hợp công chức được tuyển dụng vào công chức loại D thì thời gian tập sự là 6 tháng, nếu công chức tập sự đi làm đầy đủ thì thời gian nghỉ phép năm tương ứng là 6 ngày làm việc.
Lưu ý: đối với thời gian công chức tập sự nghỉ sinh con theo chế độ bảo hiểm xã hội, thời gian nghỉ ốm đau từ 14 ngày trở lên nhưng cộng dồn không quá 2 tháng trong một năm, thời gian nghỉ không hưởng lương nếu được người sử dụng lao động đồng ý nhưng cộng dồn không quá 01 tháng trong một năm tại Điều 65 Nghị định 145/2020/NĐ-CP và khoản 2 Điều 20 Nghị định 138/2020/NĐ-CP thì thời gian này vẫn được coi là thời gian làm việc để tính số ngày nghỉ hàng năm nhưng không được tính vào thời gian tập sự của công chức.
Lương công chức trong thời gian nghỉ phép được tính như thế nào?
Điều 22 Nghị định 38/2020/NĐ-CP quy định về mức lương mà công chức tập sự được nhận trong thời gian tập sự là:
Trường hợp 1: người tập sự được hưởng 85% mức lương bậc 1 của ngạch tuyển dụng và phụ cấp. Đặc biệt, đối với người có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ phù hợp với vị trí tuyển dụng thì được hưởng mức lương tương ứng là 85% mức lương bậc 2, bậc 3 của ngạch tuyển dụng và phụ cấp.
Trường hợp 2: những người tập sự ở trường hợp 1 sẽ được hưởng 100% mức lương và phụ cấp của ngạch tuyển nếu làm việc thuộc một trong các điều kiện sau:
(1) Ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn;
(2) Làm việc trong các ngành, nghề độc hại nguy hiểm;
(3) Hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ tham gia vào các đơn vị được quy định như công an nhân dân, sĩ quan quân đội, sĩ quan công an... từ đủ 24 tháng trở lên đã hoàn thành nhiệm vụ.
Từ những quy định của pháp luật, có thể thấy công chức tập sự tùy từng trường hợp mà sẽ được hưởng những mức lương khác nhau, cho nên số tiền lương nghỉ phép năm nhận được cũng khác nhau.
Pháp luật về lao động có quy định công chức tập sự có quyền được nghỉ phép năm và được hưởng nguyên lương so với thời gian tập sự. Cách xác định số tiền lương nghỉ phép năm của công chức tập sự dựa vào số ngày mà người đó chưa nghỉ hoặc số ngày nghỉ còn lại của người đó. Có thể xác định số tiền lương nghỉ phép năm của công chức tập sự theo công thức sau:
Tiền lương ngày phép chưa nghỉ/còn lại = (Tiền lương tập sự của tháng trước : số ngày làm việc bình thường của tháng trước) x Số ngày chưa nghỉ phép/phép còn lại
Trên đây là một số thông tin tư vấn cho bạn đọc về vấn đề công chức tập sự có được nghỉ phép năm không? Nếu có bất kỳ thắc mắc nào khác liên quan đến luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ.