hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Bảy, 20/05/2023
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Công chức và viên chức khác nhau thế nào? Cách phân biệt chuẩn

Công chức và viên chức khác nhau thế nào? Phân biệt công chức và viên chức qua những tiêu chí nào không phải là thông tin mà ai cũng có thể biết rõ.

Mục lục bài viết
  • Hiểu thế nào về công chức và viên chức?
  • Công chức và viên chức khác nhau ra sao?
  • Giáo viên là công chức hay viên chức?
Câu hỏi: Em là sinh viên sắp ra trường, hiện gia đình đang định hướng cho em thi công chức cấp xã ở quê nhưng em chưa rõ công chức và viên chức khác nhau như thế nào? Mong nhận được thông tin.

Hiểu thế nào về công chức và viên chức?

Chào bạn, về công chức, tại khoản 2 Điều 4 Luật Cán bộ, công chức 2008 được sửa đổi bởi khoản 1 Điều 1 Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi 2019 quy định:

Công chức là công dân Việt Nam, được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh tương ứng với vị trí việc làm:

- Trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện;

- Trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân mà không phải là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng;

- Trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân mà không phải là sĩ quan, hạ sĩ quan phục vụ theo chế độ chuyên nghiệp, công nhân công an, trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách Nhà nước.

Còn về viên chức, Điều 2 Luật Viên chức 2010 quy định là công dân Việt Nam được:

- Tuyển dụng theo vị trí việc làm,

- Làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập theo chế độ hợp đồng làm việc,

- Hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật.

công chức và viên chức khác nhau thế nào, công chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước

Công chức và viên chức khác nhau ra sao?

Về điều kiện tuyển dụng đối với công chức, viên chức căn cứ vào quy định tại Luật viên chức năm 2010 Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi 2019; Nghị định 115/2020/NĐ-CP; Điều 4 Nghị định 138/2020/NĐ-CP; khoản 1 Điều 36 Luật Cán bộ, công chức có những điểm chung như sau:

Thứ nhất có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam;

Thứ hai, đủ 18 tuổi trở lên;

Thứ ba, có đủ sức khoẻ để thực hiện nhiệm vụ;

Thứ tư, có văn bằng, chứng chỉ phù hợp;

Thứ năm, có đơn dự tuyển và lý lịch rõ ràng;

Thứ sáu, có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt;

Thứ bảy, đáp ứng các điều kiện khác theo yêu cầu của vị trí dự tuyển.

Muốn biết được công chức và viên chức khác nhau ra sao cần dựa trên các tiêu chí trong bảng dưới đây:

Tiêu chí

Công chức

Viên chức

Khái niệm

Được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh tương ứng với vị trí việc làm trong cơ quan của Đảng, Nhà nước; trong cơ quan, đơn vị thuộc quân đội nhân nhân mà không phải là sĩ quan, quân nhân; trong cơ quan, đơn vị thuộc công an nhân dân mà không phải là sĩ quan, hạ sĩ quan phục vụ theo chế độ chuyên nghiệp, công nhân công an, trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước.

(khoản 1 Điều 1 Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi 2019)

Được tuyển dụng theo vị trí việc làm, làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập theo chế độ hợp đồng làm việc, hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật.

(Điều 2 Luật Viên chức 2010)

Hình thức tuyển dụng

Được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh tương ứng với vị trí việc làm trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước và một số cơ quan đơn vị khác.

Được tuyển dụng theo vị trí việc làm, làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập theo chế độ hợp đồng làm việc và được hưởng lương từ đơn vị sự nghiệp công lập đó.

Chế độ làm việc

Làm công việc công vụ thường xuyên.

Theo thời hạn của hợp đồng làm việc

Chế độ tiền lương

Hưởng lương từ ngân sách Nhà nước

Hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập

Các chế độ bảo hiểm

Đều là đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, BHYT

(Điều 2 Luật BHXH 2014, Khoản 6 Điều 1 Luật BHYT sửa đổi 2014)

Không phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

(Khoản 1 Điều 43 Luật Việc làm 2013)

Phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

(Khoản 1 Điều 43 Luật Việc làm)

Hình thức xử lý kỷ luật

- Công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý:

+ Khiển trách.

+ Cảnh cáo.

+ Hạ bậc lương.

+ Buộc thôi việc.

- Công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý:

+ Khiển trách.

+ Cảnh cáo.

+ Giáng chức.

+ Cách chức.

+ Buộc thôi việc.

(Điều 7 Nghị định 112/2020/NĐ-CP)

- Viên chức không giữ chức vụ quản lý:

+ Khiển trách.

+ Cảnh cáo.

+ Buộc thôi việc.

- Viên chức quản lý:

+ Khiển trách.

+ Cảnh cáo.

+ Cách chức.

+ Buộc thôi việc.

(Điều 15 Nghị định 112/2020/NĐ-CP)

Giáo viên là công chức hay viên chức?

Câu hỏi: Theo quy định hiện hành thì giáo viên là công chức hay viên chức, mong được giải đáp!

HieuLuat xin thông tin đến bạn như sau:

Theo quy định tại Điều 25 Luật cán bộ, công chức, Luật viên chức sửa đổi thì giáo viên làm việc theo chế độ hợp đồng có thời hạn từ 12 - 60 tháng. Hợp đồng làm việc xác định thời hạn áp dụng đối với người được tuyển dụng làm viên chức kể từ ngày 01/7/2020, trừ 3 trường hợp:

Một là viên chức được tuyển dụng trước ngày 01/7/2020

Hai là cán bộ, công chức chuyển sang làm viên chức

Và ba là người được tuyển dụng làm viên chức làm việc tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Như vậy, trừ các trường hợp theo quy định nêu trên, từ 01/7/2020, giáo viên được tuyển dụng, làm việc theo chế độ hợp đồng và như vậy, giáo viên là viên chức, không phải là công chức.

Trên đây là thông tin giải đáp về cách phân biệt công chức và viên chức. Nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ  19006199 để được hỗ trợ.

Nguyễn Văn Tuấn

Tham vấn bởi: Luật sư Nguyễn Văn Tuấn

Công ty TNHH luật TGS - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Có thể bạn quan tâm

X