Công chứng và sao y thường bị nhầm lẫn là giống nhau. Để giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về các thủ tục này, Hieuluat sẽ giải đáp về công chứng và sao y khác nhau thế nào?
Công chứng và sao y khác nhau thế nào?
Theo khoản 1 Điều 2 Luật Công chứng năm 2014, công chứng là việc công chứng viên thuộc một tổ chức hành nghề công chứng chứng nhận:
Tính xác thực và hợp pháp của hợp đồng, giao dịch dân sự khác bằng văn bản;
Tính chính xác, hợp pháp và không trái với đạo đức xã hội của các bản dịch giấy tờ, văn bản từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài hoặc ngược lại mà theo quy định pháp luật phải thực hiện công chứng hoặc các cá nhân, tổ chức tự nguyện yêu cầu thực hiện công chứng.
Công chứng và sao y khác nhau thế nào?
Theo quy định tại khoản 10 Điều 3 Nghị định 30/2020/NĐ-CP thì bản sao y được định nghĩa là bản sao đầy đủ và chính xác các nội dung của bản gốc hoặc bản chính của văn bản, được trình bày theo thể thức và kỹ thuật theo quy định.
Đồng thời, theo khoản 2 Điều 2 Nghị định 23/2015/NĐ-CP có quy định về chứng thực bản sao từ bản chính có nghĩa là việc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền căn cứ vào bản chính để thực hiện chứng thực bản sao là đúng với bản chính.
Từ các quy định trên, có thể phân biệt công chứng và sao y khác nhau như sau:
- Công chứng là việc chứng nhận tính xác thực và hợp pháp của các hợp đồng, giao dịch khác bằng văn bản. Ví dụ: Công chứng di chúc, công chứng hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, công chứng hợp đồng đặt cọc,... Do đó, bản công chứng được xem là văn bản được công nhận tính xác thực, hợp pháp.
- Sao y là việc cơ quan/tổ chức có thẩm quyền dựa vào bản chính để chứng thực bản sao là đầy đủ và chính xác nội dung theo bản gốc hoặc bản chính của văn bản. Ví dụ: Sao y CMND/CCCD/Hộ chiếu, sao y bằng đại học,... Do đó, bản sao y được xem là một bản sao đã được chứng thực.
Phân biệt dịch thuật công chứng và hợp pháp hóa lãnh sự
Dịch thuật công chứng và việc phiên dịch văn bản, tài liệu từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác. Văn bản sau khi được phiên dịch sẽ đem đến Phòng Tư pháp để thực hiện công chứng/chứng thực.
Hợp pháp hóa lãnh sự được quy định tại Điều 2 Nghị định 111/2011/NĐ-CP là việc giấy tờ, tài liệu của nước ngoài được cơ quan Nhà nước cấp phép hoạt động chứng nhận con dấu, chữ ký,... nhằm đảm bảo giấy tờ, tài liệu này được công nhận, sử dụng hợp pháp ở Việt Nam.
Phân biệt dịch thuật công chứng và hợp pháp hóa lãnh sự
Dưới đây là những điểm khác nhau giữa dịch thuật công chứng và hợp pháp hóa lãnh sự:
Nội dung | Dịch thuật công chứng | Hợp pháp hóa lãnh sự |
Khái niệm | Là việc dịch tài liệu từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác. Sau đó, bản dịch được công chứng nội dung đảm bảo chuẩn xác với bản gốc. | Là việc chứng nhận con dấu, chữ ký,... trên văn bản, giấy tờ hoặc tài liệu được cơ quan nước ngoài cấp. |
Thẩm quyền thực hiện | - Phòng công chứng; và - Văn phòng công chứng | - Sở Ngoại vụ; và - Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao |
Phạm vi sử dụng | Các văn bản, tài liệu được dịch thuật công chứng chỉ được sử dụng trong nước. | Các văn bản, tài liệu được hợp pháp hóa lãnh sự được công nhận, sử dụng hợp pháp ở Việt Nam. |
Mục đích sử dụng | Chứng thực tính hợp pháp, chính xác của văn bản dịch thuật. | Công nhận văn bản, giấy tờ và tài liệu nước ngoài được phép sử dụng tại Việt Nam. |
Thời gian hoàn thành | Phụ thuộc vào khối lượng cần dịch, ngôn ngữ, loại văn bản cần dịch thuật. | Phụ thuộc vào quá trình xác nhận, giám định của cơ quan thẩm quyền. |
Ngôn ngữ | Có thể dịch thuật nhiều ngôn ngữ khác nhau. | Chỉ thực hiện đối với ngôn ngữ chính thức của quốc gia cần hợp pháp hóa lãnh sự. |
Phân biệt công chứng giao dịch đảm bảo và đăng ký giao dịch đảm bảo
Công chứng giao dịch bảo đảm và đăng ký giao dịch bảo đảm là hai loại việc, hai hoạt động khác nhau và thực hiện chức năng, nhiệm vụ khác nhau, nhưng cũng có mối quan hệ mật thiết với nhau.
Công chứng giao dịch bảo đảm là việc công chứng hợp đồng, giao dịch bằng văn bản mà theo quy định pháp luật bắt buộc phải thực hiện thủ tục công chứng, ví dụ như: Công chứng hợp đồng thế chấp đất, thế chấp nhà nhà,... hoặc pháp luật không quy định bắt buộc phải công chứng nhưng cá nhân/tổ chức tự nguyện thực hiện công chứng, ví dụ như: Công chứng hợp đồng tín dụng, hợp đồng cầm cố tài sản,...
Công chứng giao dịch bảo đảm nhằm đảm bảo sự an toàn về mặt pháp lý, phòng ngừa các rủi ro, tranh chấp có thể xảy ra và tạo ra môi trường lành mạnh trong giao dịch dân sự. Công chứng giao dịch bảo đảm được thực hiện tại Phòng công chứng/Văn phòng công chứng.
Còn đăng ký giao dịch bảo đảm, căn cứ theo khoản 2 Điều 1 Nghị định 99/2022/NĐ-CP thì đây là hoạt động được thực hiện bởi cơ quan đăng ký bất động sản, theo đó cơ quan đăng ký ghi và cập nhật vào Sổ đăng ký/Cơ sở dữ liệu về biện pháp bảo đảm về việc bên bảo đảm sẽ dùng tài sản nhằm đảm bảo việc thực hiện nghĩa vụ của mình hoặc người khác.
Trên đây là những thông tin về vấn đề công chứng và sao y khác nhau thế nào. Nếu còn thắc mắc, hãy liên hệ đến tổng đài: 19006192 để được hỗ trợ nhanh chóng.