hieuluat
Chia sẻ email

Công đoàn cơ sở có bắt buộc không? Không thành lập có bị phạt?

Công đoàn là một trong những tổ chức đại diện cho người lao động tại cơ sở lao động. Tuy nhiên, việc thành lập công đoàn cơ sở có bắt buộc không? Nếu không thành lập có bị xử phạt theo quy định pháp luật?

 
Mục lục bài viết
  • Doanh nghiệp có bắt buộc thành lập công đoàn cơ sở không?
  • Không thành lập công đoàn cơ sở có bị phạt không?
  • Với người lao động, tham gia công đoàn cơ sở có bắt buộc không?
Câu hỏi: Tôi vừa thành lập công ty nhưng chưa muốn thành lập công đoàn tại doanh nghiệp thì có được không? Nếu sau khi thành lập công đoàn, tôi có quyền yêu cầu người lao động tham gia công đoàn không?

Doanh nghiệp có bắt buộc thành lập công đoàn cơ sở không?

Căn cứ khoản 2 Điều 4 Luật Công đoàn 2012, công đoàn cơ sở được quy định là “tổ chức cơ sở của Công đoàn, tập hợp đoàn viên công đoàn trong một hoặc một số cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, được công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở công nhận theo quy định của pháp luật và Điều lệ Công đoàn Việt Nam”.

Doanh nghiệp có bắt buộc thành lập công đoàn cơ sở không?

Nguyên tắc hoạt động, tổ chức của công đoàn (hay công đoàn cơ sở) được quy định tại Điều 6 Luật Công đoàn 2012, theo đó:

- Việc thành lập công đoàn được dựa trên sự tự nguyện, hoạt động và tổ chức theo nguyên tắc tập trung dân chủ.

- Công đoàn hoạt động và tổ chức căn cứ vào Điều lệ Công đoàn Việt Nam, đồng thời phải phù hợp với chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Như vậy, theo quy định vừa nêu, không có quy định nào bắt buộc phải thành lập công đoàn cơ sở. Việc thành lập công đoàn cơ sở hoàn toàn dựa trên sự tự nguyện của người lao động tại cơ sở lao động.

Không thành lập công đoàn cơ sở có bị phạt không?

Dựa vào quy định nêu trên về nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Công đoàn cơ sở hiện nay dựa trên cơ sở tự nguyện, vì vậy việc không thành lập công đoàn cơ sở tại các doanh nghiệp, cơ sở lao động hoàn toàn không vi phạm pháp luật và sẽ không bị xử phạt theo quy định.

* Quyền và trách nhiệm của công đoàn bảo vệ người lao động

Mục 1 Chương II Luật Công đoàn 2012 quy định quyền và trách nhiệm của công đoàn trong việc bảo vệ người lao động như sau:

- Đại diện, bảo vệ lợi ích, quyền chính đáng, hợp pháp của người lao động.

- Tham gia quản lý kinh tế - xã hội, quản lý nhà nước.

- Trình dự án pháp lệnh, luật, kiến nghị xây dựng các quy định pháp luật, chính sách.

- Tham dự các cuộc họp, phiên họp, kỳ họp và hội nghị.

- Tham gia kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động của tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp.

- Tuyên truyền, giáo dục, vận động người lao động.

- Phát triển công đoàn cơ sở và đoàn viên công đoàn.

- Quyền, trách nhiệm của công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở đối với người lao động ở cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp chưa thành lập công đoàn cơ sở.

Với người lao động, tham gia công đoàn cơ sở có bắt buộc không?

- Theo khoản 1 Điều 170 Bộ luật Lao động 2019, người lao động có quyền gia nhập, hoạt động hoặc thành lập công đoàn theo quy định pháp luật.

- Khoản 1 Điều 4 Luật Công đoàn 2012 cũng quy định quyền công đoàn của người lao động là quyền mà người lao động, đoàn viên công đoàn được thành lập, hoạt động, gia nhập công đoàn, và quyền của tổ chức công đoàn theo quy định của cơ quan có thẩm quyền và quy định pháp luật.

Người lao động có bắt buộc tham gia công đoàn không?

- Điều 5 Luật Công đoàn 2012 quy định người lao động có quyền thành lập, hoạt động gia nhập công đoàn theo trình tự, thủ tục quy định tại Điều lệ Công đoàn Việt Nam.

- Tại điểm b khoản 1 Điều 45 Nghị định 145/2020/NĐ-CP cũng nêu rõ người lao động được tự quyết định việc gia nhập hoặc không gia nhập tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở lao động.

Căn cứ những quy định nêu trên, có thể thấy quyền công đoàn là một quyền của người lao động. Người lao động được quyền thực hiện hoặc không thực hiện việc thành lập, gia nhập, hoạt động trong tổ chức công đoàn tại cơ sở. Chính vì thế việc tham gia công đoàn tại cơ sở đối với người lao động là không bắt buộc.

* Ép buộc người lao động tham gia công đoàn bị xử phạt thế nào?

Hành vi ép buộc, yêu cầu người lao động phải tham gia hoặc không tham gia hoặc ra khỏi tổ chức công đoàn tại cơ sở khi mới tuyển dụng, giao kết hoặc gia hạn hợp đồng với người lao động là hành vi bị nghiêm cấm theo điểm a khoản 1 Điều 175 Bộ luật Lao động 2019.

Người sử dụng lao động vi phạm một trong những hành vi nêu trên có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo điểm b khoản 1 Điều 36 Nghị định 12/2022/NĐ-CP với mức phạt từ 15.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng.

Lưu ý: Mức phạt vi phạm nêu trên áp dụng đối với cá nhân, mức phạt với tổ chức gấp 2 lần mức phạt đối với cá nhân. 

Như vậy, doanh nghiệp ép buộc người lao động tham gia công đoàn có thể bị xử phạt tối đa lên đến 60.000.000 đồng.

Trên đây là một số thông tin về việc doanh nghiệp có bắt buộc thành lập công đoàn không theo quy định pháp luật mà chúng tôi cung cấp đến bạn đọc. Nếu có thắc mắc liên quan đến quy định về tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở, tổ chức công đoàn, bạn đọc vui lòng liên hệ đến tổng đài: 1900.6199 để được tư vấn, hỗ trợ.

Nguyễn Văn Tuấn

Tham vấn bởi: Luật sư Nguyễn Văn Tuấn

Công ty TNHH luật TGS - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Có thể bạn quan tâm

X