hieuluat
Chia sẻ email

Không chi trả trợ cấp thôi việc cho NLĐ, doanh nghiệp bị xử lý như thế nào?

Trợ cấp thôi việc là khoản tiền mà người sử dụng lao động chi trả cho người lao động (NLĐ) khi chấm dứt hợp đồng lao động. Vậy nếu không chi trả trợ cấp thôi việc cho NLĐ thì doanh nghiệp bị xử lý thế nào?

Mục lục bài viết
  • Các trường hợp được hưởng trợ cấp thôi việc
  • Công ty không chi trả trợ cấp thôi việc cho NLĐ, phạt bao nhiêu?
  • Tính trợ cấp thôi việc như thế nào?
Câu hỏi: Cho tôi hỏi trong trường hợp tôi nghỉ việc và đủ điều kiện để nhận trợ cấp thôi việc nhưng công ty tôi không chi trả khoản tiền này thì công ty có bị xử phat không? Và mức xử phạt là bao nhiêu?

Chào bạn, để trả lời cho vướng mắc của bạn, trước hết chúng tôi xin thông tin về các trường hợp được hưởng trợ cấp thôi việc.

Các trường hợp được hưởng trợ cấp thôi việc

Theo khoản 1 Điều 8 Nghị định 145/2020/NĐ-CP hướng dẫn Điều 46 Bộ luật Lao động năm 2019, khi thỏa mãn cùng lúc các điều kiện dưới đây thì người lao động được chi trả trợ cấp thôi việc:

Thứ nhất là đã làm việc thường xuyên cho người sử dụng lao động từ đủ 12 tháng trở lên.

Thứ hai là chấm dứt hợp đồng lao động theo 01 trong 07 căn cứ:

1. Do hết hạn hợp đồng, trừ trường hợp phải gia hạn cho người lao động là thành viên Ban lãnh đạo tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đang trong nhiệm kỳ mà hết hạn hợp đồng

2. Đã hoàn thành công việc theo hợp đồng

3. Các bên có thỏa thuận về việc chấm dứt hợp đồng

4. Người lao động bị kết án phạt tù nhưng không được hưởng án treo hoặc không được trả tự do, tử hình hoặc bị cấm làm công việc ghi trong hợp đồng theo bản án, quyết định của Toà án

5. Người lao động chết hoặc bị tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc đã chết

6. Người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động hoặc bị thông báo không có người đại diện theo pháp luật, người được ủy quyền của người đại diện theo pháp luật

7. Người lao động hoặc người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động hợp pháp.

Tuy nhiên, người lao động không được chi trả trợ cấp thôi việc khi:

- Đủ điều kiện hưởng lương hưu

- Tự ý bỏ việc từ 05 ngày liên tục trở lên mà không có lý do chính đáng như nghỉ ốm đau, bị tạm giam, tạm giữ,…

cong ty khong chi tra tro cap thoi viec

Công ty không chi trả trợ cấp thôi việc cho NLĐ, phạt bao nhiêu?

Theo khoản 1 Điều 8 Nghị định 145/2020, người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc theo quy định. Nếu không thực hiện chi trả khoản tiền này, người sử dụng lao động sẽ bị xử phạt hành chính tùy mức độ vi phạm.

Cụ thể, căn cứ khoản 2 Điều 12 Nghị định 12/2022 của Chính phủ:

Phạt tiền đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi: Sửa đổi thời hạn của hợp đồng bằng phụ lục hợp đồng lao động; không thực hiện đúng quy định về thời hạn thanh toán các khoản về quyền lợi của người lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động; không trả hoặc trả không đủ tiền trợ cấp thôi việc cho người lao động theo quy định của pháp luật; không trả hoặc trả không đủ tiền trợ cấp mất việc làm cho người lao động theo quy định của pháp luật…

Mức phạt như sau:

- Từ 1 – 2 triệu đồng đối với vi phạm từ 01 - 10 người lao động

- Từ 2 – 5 triệu đồng đối với vi phạm từ 11 - 50 người lao động

- Từ 5 – 10 triệu đồng đối với vi phạm từ 51 - 100 người lao động

- Từ 10 – 15 triệu đồng đối với vi phạm từ 101 - 300 người lao động

- Từ 15 – 20 triệu đồng đối với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.

Ngoài việc bị phạt tiền, người sử dụng lao động phải trả đủ tiền trợ cấp thôi việc hoặc trợ cấp mất việc làm cho người lao động cộng với khoản tiền lãi của số tiền chưa trả tính theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt đối với hành vi không trả hoặc trả không đủ tiền trợ cấp thôi việc hoặc trợ cấp mất việc làm cho người lao động.

Tính trợ cấp thôi việc như thế nào?

Căn cứ theo Điều 46, Bộ luật Lao động 2019, tiền trợ cấp thôi việc được trả cho người lao động theo nguyên tắc: Cứ mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương. Theo đó, công thức tính trợ cấp thôi việc như sau:

Tiền trợ cấp thôi việc

=

1/2

x

Tiền lương để tính trợ cấp thôi việc

x

Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc

Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian người lao động đã làm việc cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) và thời gian đã được chỉ trả trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm.

- Tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế có thể kể đến là thời gian trực tiếp làm việc; Thời gian thử việc; Thời gian được người sử dụng lao động cử đi học; Thời gian nghỉ hưởng chế độ ốm đau, thai sản; Thời gian nghỉ hằng tuần… (điểm a khoản 3 Điều 8 Nghị định 145/2020)

- Thời gian đã tham gia BHTN gồm: Thời gian người lao động đã tham gia BHTN; Thời gian người lao động thuộc diện không phải tham gia BHTN nhưng được người sử dụng lao động chi trả cùng với tiền lương một khoản tiền tương đương với mức đóng BHTN. (điểm b khoản 3 Điều 8 Nghị định 145/2020)

- Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc được tính theo năm (đủ 12 tháng). Nếu tháng lẻ ít hoặc bằng 06 tháng được tính bằng 1/2 năm; nếu trên 06 tháng được tính bằng 01 năm.

Tiền lương để tính trợ cấp thôi việc là tiền lương bình quân của 06 tháng liền kề theo HĐLĐ trước khi người lao động thôi việc.

Trên đây là giải đáp về việc công ty không chi trả trợ cấp thôi việc. Nếu còn băn khoăn, bạn đọc thể liên hệ với chúng tôi qua hotline  19006199 để được các chuyên gia pháp lý hỗ trợ.

>> Doanh nghiệp có phải tổ chức khám sức khoẻ cho NLĐ không?

Tin cùng chủ đề

Có thể bạn quan tâm

X