Người lao động tham gia bảo hiểm xã hội khi nghỉ việc được chốt và trả sổ. Tuy nhiên với những trường hợp công ty nợ BHXH có chốt sổ được không? Xin gửi đến bạn đọc bài viết tham khảo dưới đây.
1, Khi nào cần chốt sổ bảo hiểm xã hội?
Người lao động khi tham gia bảo hiểm xã hội được cấp một cuốn sổ nhằm theo dõi quá trình đóng cũng như làm căn cứ giải quyết hưởng các chế độ của bảo hiểm xã hội theo quy định pháp luật.
Khi chấm dứt hợp đồng, việc chốt sổ sẽ được thực hiện nhằm ghi lại quá trình đóng vào bảo hiểm xã hội, vào bảo hiểm thất nghiệp trên sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động dừng đóng bảo hiểm tại một đơn vị.
Như vậy chốt sổ bảo hiểm xã hội được thực hiện khi người lao động chấm dứt hợp đồng, thôi việc hoặc khi công ty ngừng hoạt động.
Nợ BHXH có chốt sổ được không?
2, Nợ BHXH có chốt sổ được không?
2.1, Công ty có được nợ đóng bảo hiểm xã hội cho nhân viên?
Pháp luật bảo hiểm xã hội quy định có các phương thức đóng bảo hiểm xã hội: Hằng tháng, đóng 03 tháng một lần hoặc 06 tháng một lần. Tùy vào phương thức đóng kể trên mà thời hạn nộp tiền bảo hiểm sẽ được xác định như sau:
Với đóng hàng tháng: Thời hạn nộp tiền chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng đó.
Với đóng 3 hoặc 6 tháng một lần: Thời hạn nộp tiền chậm nhất là ngày cuối cùng của phương thức đóng.
Giải quyết nợ BHXH như nào?
Tại khoản 3 Điều 122 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 có quy định:
“3. Người sử dụng lao động có hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 17 của Luật này từ 30 ngày trở lên thì ngoài việc phải đóng đủ số tiền chưa đóng, chậm đóng và bị xử lý theo quy định của pháp luật, còn phải nộp số tiền lãi bằng 02 lần mức lãi suất đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội bình quân của năm trước liền kề tính trên số tiền, thời gian chậm đóng; nếu không thực hiện thì theo yêu cầu của người có thẩm quyền, ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước có trách nhiệm trích từ tài khoản tiền gửi của người sử dụng lao động để nộp số tiền chưa đóng, chậm đóng và lãi của số tiền này vào tài khoản của cơ quan bảo hiểm xã hội.”
Căn cứ quy định trên, công ty có thể được chậm đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động chậm nhất 29 ngày so với thời hạn quy định.
2.2, Giải quyết việc chốt sổ khi nợ đóng BHXH
Trong trường hợp nợ đóng bảo hiểm, người lao động nghỉ việc và đủ điều kiện hưởng các chế độ của bảo hiểm, công ty sẽ có trách nhiệm thông báo đến cơ quan BHXH và tiến hành xác nhận sổ bảo hiểm của người lao động tham gia bảo hiểm xã hội đến thời điểm công ty đã đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (thời điểm trước khi nợ). Sau đó nếu thu hồi được số tiền công ty còn nợ thì xác nhận bổ sung vào sổ BHXH.
Đồng thời công ty cũng phải có trách nhiệm đóng đủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, bao gồm cả tiền lãi chậm đóng theo quy định. Cơ quan bảo hiểm xã hội sẽ xác nhận sổ bảo hiểm xã hội để kịp thời giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động.
Tóm lại, người lao động vẫn có thể được chốt sổ bảo hiểm xã hội khi công ty nợ tiền đóng bảo hiểm xã hội.
3, Ai có trách nhiệm chốt sổ bảo hiểm xã hội?
Tại khoản 5 Điều 21 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 có quy định như sau:
“Điều 21. Trách nhiệm của người sử dụng lao động
…
5. Phối hợp với cơ quan bảo hiểm xã hội trả sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động, xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc theo quy định của pháp luật.
…”
Theo điều khoản trên, khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động hoặc thôi việc, người sử dụng lao động có trách nhiệm phối hợp với cơ quan quan hiểm xã hội trả lại sổ và xác nhận thời gian đóng BHXH cho người lao động.
Đồng thời tại Điều 48 Bộ luật Lao động năm 2019 cũng có quy định về vấn đề này như sau:
“Điều 48. Trách nhiệm khi chấm dứt hợp đồng lao động
…
3. Người sử dụng lao động có trách nhiệm sau đây:
a) Hoàn thành thủ tục xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và trả lại cùng với bản chính giấy tờ khác nếu người sử dụng lao động đã giữ của người lao động;
b) Cung cấp bản sao các tài liệu liên quan đến quá trình làm việc của người lao động nếu người lao động có yêu cầu. Chi phí sao, gửi tài liệu do người sử dụng lao động trả.”
Như vậy công ty có trách nhiệm chốt sổ BHXH hay nói cách khác là hoàn thành thủ tục xác nhận và trả lại sổ bảo hiểm xã hội cùng những giấy tờ khác đã giữ của người lao động.
Công ty nợ BHXH có chốt sổ được không?
4. Công ty không chốt sổ BHXH phải làm sao?
Trong thực tế có nhiều trường hợp công ty cố tình không đóng đủ tiền bảo hiểm xã hội, không hỗ trợ chốt và trả sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động. Gặp phải những trường hợp này, để bảo vệ quyền lợi của mình bạn có thể:
Thứ nhất, gửi đơn khiếu nại đến chính người sử dụng lao động (Ban giám đốc của công ty):
Theo Luật Bảo hiểm xã hội 2014, khi người lao động có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi của cơ quan, tổ chức, cá nhân có vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình có thể tiến hành khiếu nại.
Căn cứ Nghị định 24/2018/NĐ-CP, việc giải quyết khiếu nại lần đầu về lao động thuộc về người sử dụng lao động.
Thứ hai, trường hợp khiếu nại đến công ty mà vẫn không được giải quyết hoặc không đồng ý với quyết định giải quyết thì có thể gửi khiếu nại lần 02 đến Chánh Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi công ty đặt trụ sở chính.
Thứ ba, người lao động có thể chọn giải quyết bằng cách khởi kiện tại Tòa án theo thủ tục tố tụng dân sự.
Trên đây là toàn bộ nội dung bài viết về vấn đề Nợ BHXH có chốt sổ được không? Mong rằng với những thông tin trên đây sẽ giúp ích đến bạn đọc. Nếu có thắc mắc về các quy định của luật lao động cũng như của bảo hiểm xã hội, vui lòng liên hệ đến tổng đài: 1900.6199 để được tư vấn, hỗ trợ.