hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Tư, 01/11/2023
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

CSGT có được truy đuổi người vi phạm giao thông không?

Có không ít trường hợp CSGT truy đuổi người vi phạm dẫn đến tai nạn đáng tiếc. Vậy theo quy định hiện hành thì CSGT có được truy đuổi người vi phạm giao thông không?

Mục lục bài viết
  • CSGT có được truy đuổi người vi phạm giao thông không?
  • CSGT truy đuổi người vi phạm gây tai nạn giao thông bị xử lý thế nào?
  • Không tuân thủ hiệu lệnh của CSGT bị phạt bao nhiêu?
Câu hỏi: Tôi thấy hiện nay mọi người tranh cãi rất nhiều về vấn đề CSGT truy đuổi theo người vi phạm giao thông, nhiều trường hợp gây tai nạn. Luật sư cho tôi hỏi CSGT có được phép truy đuổi người vi phạm giao thông không?

CSGT có được truy đuổi người vi phạm giao thông không?

CSGT có quyền truy đuổi người vi phạm nhưng phải đảm bảo an toàn giao thông và cũng chỉ nên truy đuổi trong trường hợp hành vi vi phạm có dấu hiệu hình sự hoặc phạm tội quả tang như cướp giật tài sản…

Theo quy định tại Điều 87 Luật Giao thông đường bộ 2008, CSGT thực hiện việc tuần tra và kiểm soát người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ; tiến hành xử lý các vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ đối với người và phương tiện tham gia giao thông.

Như vậy, CSGT là cán bộ thực hiện nhiệm vụ tuần tra và kiểm soát giao thông đường bộ.

CSGT có được truy đuổi người vi phạm giao thông không?

CSGT có được truy đuổi người vi phạm giao thông không?

Căn cứ Điều 8 Thông tư 32/2023/TT-BCA quy định về quyền hạn của CSGT trong tuần tra, kiểm soát.

Theo đó, mặc dù quyền hạn tại Điều này không quy định rõ ràng về việc truy đuổi người vi phạm, nhưng theo khoản 2 Điều này thì CSGT được áp dụng các biện pháp để ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm hành chính về giao thông đường bộ, trật tự xã hội hoặc hành vi vi phạm khác.

Mặt khác, điểm a khoản 1 Điều 3 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định mọi vi phạm hành chính phải được phát hiện và ngăn chặn kịp thời, xử lý nghiêm minh, mọi hậu quả do hành vi vi phạm gây ra phải được khắc phục theo đúng quy định pháp luật.

Từ những quy định trên thấy rằng pháp luật hiện hành không có quy định về việc cho phép CSGT truy đuổi người vi phạm, cũng không cấm việc thực hiện truy đuổi người vi phạm.

Tuy nhiên, CSGT không cần thiết phải truy đuổi người có lỗi vi phạm nhẹ như vượt đèn đỏ, không đội mũ bảo hiểm,... mà có thể ghi lại biển số xe để xử phạt nguội.

Việc truy đuổi người vi phạm chỉ nên thực hiện trong trường hợp có dấu hiệu phạm tội hoặc hành vi vi phạm nghiêm trọng mà CSGT đã ra hiệu dừng xe nhưng người vi phạm không chấp hành và cố tình bỏ chạy hay các tội phạm nguy hiểm như: giết người, cướp giật tài sản, tội phạm đang bị truy nã,...

Ngoài ra, việc truy đuổi người vi phạm phải tuân thủ các quy định về sử dụng các loại công cụ hỗ trợ và đảm bảo an toàn giao thông đường bộ.

CSGT truy đuổi người vi phạm gây tai nạn giao thông bị xử lý thế nào?

Như phân tích ở trên, dù pháp luật không quy định cấm CSGT truy đuổi người vi phạm, nhưng cũng không có quy định cho phép được thực hiện việc này mà chỉ quy định một cách chung chung được phép áp dụng biện pháp ngăn chặn.

Thực tế có nhiều biện pháp để ngăn chặn hành vi vi phạm: Thông báo đến chốt tuần tra phía trước để yêu cầu người vi phạm dừng lại; ghi biển số xe; quay phim, chụp hình hành vi vi phạm để phạt nguội…

CSGT truy đuổi người vi phạm gây tai nạn giao thông bị xử lý thế nào?

CSGT truy đuổi người vi phạm gây tai nạn giao thông bị xử lý thế nào?

Do đó, nếu CSGT truy đuổi người vi phạm mà không đảm bảo an toàn, gây tai nạn giao thông thì tuỳ tính chất, mức độ hành vi, mức độ nghiêm trọng và tình huống mà CSGT có thể bị xử lý theo quy định pháp luật.

Trong trường hợp này, CSGT có thể phải bồi thường toàn bộ thiệt hại do hành vi của mình gây ra, đồng thời, cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các tội như:

Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khoẻ của người khác theo quy định tại Điều 134 Bộ luật hình sự 2015; Tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khoẻ của người khác theo quy định tại Điều 138 Bộ luật Hình sự 2015…

Đặc biệt, trường hợp người vi phạm bị ngã xe chết thì CSGT có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội làm chết người trong khi thi hành công vụ, với mức phạt từ từ 05 năm - 15 năm tuỳ theo mức độ nguy hiểm của hành vi.

Không tuân thủ hiệu lệnh của CSGT bị phạt bao nhiêu?

Căn cứ khoản 2 Điều 11 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định khi có hiệu lệnh của CSGT thì người tham gia giao thông phải tuân thủ theo hiệu lệnh của CSGT. Do đó, nếu không chấp hành hiệu lệnh của CSGT thì người tham gia giao thông sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính.

Cụ thể, người tham gia giao thông nếu không tuân thủ hiệu lệnh của CSGT sẽ bị phạt tiền từ 800.000 đồng - 01 triệu đồng (theo quy định tại điểm g khoản 4 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, đã được sửa đổi bởi điểm g khoản 34 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP).

Ngoài ra, người vi phạm còn bị tước bằng lái xe trong khoảng thời gian từ 01 - 03 tháng, trong trường hợp gây tai nạn thì bị xử lý tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe trong khoảng thời gian từ 02 - 04 tháng.

Trên đây là những thông tin về CSGT có được phép truy đuổi người vi phạm giao thông. Nếu còn thắc mắc, hãy liên hệ ngay đến tổng đài:  19006199 để được tư vấn, hỗ trợ.

Nguyễn Đức Hùng

Tham vấn bởi: Luật sư Nguyễn Đức Hùng

Công ty TNHH luật TGS - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Tin cùng chủ đề

Có thể bạn quan tâm

X