hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Năm, 21/09/2023
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Cảnh sát giao thông có được vào nhà bắt xe không?

Cảnh sát giao thông khi tuần tra, kiểm soát giao thông phải thực hiện đúng quy định pháp luật về nhiệm vụ, quyền hạn của mình. Theo đó, cảnh sát giao thông được vào nhà bắt xe vi phạm không? Cùng tìm câu trả lời ở bài viết này.

Mục lục bài viết
  • Quyền hạn của cảnh sát giao thông
  • CSGT có được vào nhà bắt xe không?
Câu hỏi: Vừa qua, lực lượng cảnh sát giao thông đã vào nhà tôi khám xét sau đó bắt xe của con tôi đi với lý do xe của con tôi là phương tiện vi phạm luật giao thông. Cho tôi hỏi việc cảnh sát giao thông vào nhà tôi khám xét như vậy có trái pháp luật không?

Quyền hạn của cảnh sát giao thông

Thông tư 32/2023/TT-BCA quy định cụ thể quyền hạn của cảnh sát giao thông khi tuần tra, kiểm soát, như sau:

  • Thứ nhất, cảnh sát giao thông được dừng các xe đang tham gia giao thông đường bộ để kiểm tra. 

Khi dừng xe, cảnh sát giao thông có quyền kiểm tra giấy tờ của người điều khiển xe và giấy tờ của xe; đồng thời kiểm tra việc thực hiện quy định pháp luật của người điều khiển xe.

Cảnh sát giao thông được dừng xe để kiểm soát trong các trường hợp sau:

  • Trực tiếp phát hiện hoặc thông qua phương tiện kỹ thuật phát hiện, ghi thu được các hành vi vi phạm;

  • Thực hiện mệnh lệnh, kế hoạch theo chuyên đề đã được phê duyệt;

  • Các đơn vị có thẩm quyền có văn bản đề nghị thực hiện;

  • Tin báo, tố cáo, phản ánh từ các tổ chức, cá nhân.

  • Thứ hai, cảnh sát giao thông được áp dụng các biện pháp ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm và các hành vi vi phạm khác của người tham gia giao thông.

Theo đó, Điều 119 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính bao gồm: Tạm giữ người, tang vật, phương tiện vi phạm, giấy phép, chứng chỉ hành nghề; khám người, phương tiện vận tải, đồ vật, nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm;....

  • Thứ ba, cảnh sát giao thông được yêu cầu các cá nhân, cơ quan, tổ chức phối hợp, hỗ trợ giải quyết các tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông. 

Trong trường hợp cần thiết, cảnh sát giao thông được huy động các phương tiện thông tin liên lạc, phương tiện giao thông, và những phương tiện khác của các cá nhân, cơ quan, tổ chức và người đang điều khiển, sử dụng phương tiện đó để hỗ trợ. 

  • Thứ tư, cảnh sát giao thông được trang bị, sử dụng phương tiện giao thông, phương tiện, thiết bị kỹ thuật, vũ khí, công cụ hỗ trợ;

Cảnh sát giao thông được trang bị, sử dụng phương tiện giao thôngCảnh sát giao thông được trang bị, sử dụng phương tiện giao thông

  • Thứ năm, cảnh sát giao thông được tạm thời đình chỉ đi lại ở một số đoạn đường, phân lại luồng, phân lại tuyến và nơi tạm dừng, đỗ phương tiện giao thông;

  • Thứ sáu, cảnh sát giao thông có các quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.

CSGT có được vào nhà bắt xe không?

Căn cứ vào quyền hạn của cảnh sát giao thông đã được trình bày ở trên, có thể thấy, cảnh sát giao thông không được tự ý vào nhà bắt xe. Cụ thể, Theo Điều 22 Hiến pháp 2013 có quy định như sau:

“Điều 22.

1. Công dân có quyền có nơi ở hợp pháp.

2. Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở. Không ai được tự ý vào chỗ ở của người khác nếu không được người đó đồng ý.

3. Việc khám xét chỗ ở do luật định.”

Từ quy định trên có thể thấy, cảnh sát giao thông không thể tự ý vào nhà dân để bắt xe, đây được xem là hành vi trái pháp luật.

csgt có được vào nhà bắt xe khôngCSGT có được vào nhà bắt xe không?

Tuy nhiên, pháp luật có quy định về việc cảnh sát giao thông được dừng các phương tiện tham gia giao thông, được áp dụng các biện pháp ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật,… 

Trong các biện pháp ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm luật giao thông có biện pháp “Khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm”. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cảnh sát giao thông cũng có quyền khám xét nhà người vi phạm và tạm giữ xe.

Theo quy định tại Điều 129 Luật Xử lý vi phạm hành chính, cảnh sát giao thông được tiến hành kiểm tra nhà để bắt xe khi có căn cứ cho rằng nơi đó đang cất giấu phương tiện vi phạm.

Khi cảnh sát giao thông khám nhà để bắt xe, cần lưu ý những vấn đề sau:

  • Khi khám nhà phải có mặt người chủ nhà hoặc người thành niên trong gia đình chủ nhà và người chứng kiến. Trong trường hợp người chủ nhà hoặc người thành niên trong gia đình chủ nhà mà việc khám nhà không thể trì hoãn thì phải có đại diện chính quyền và 02 người khác chứng kiến.

  • Không được khám nhà để bắt xe vào ban đêm, trừ trường hợp khẩn cấp hoặc việc khám đang được thực hiện mà chưa kết thúc (ghi rõ lý do vào biên bản).

  • Việc khám nhà phải có quyết định bằng văn bản và phải lập biên bản. Quyết định và biên bản phải được giao cho người chủ nhà 01 bản.

Cảnh sát giao thông khi khám nhà phải lập biên bảnCảnh sát giao thông khi khám nhà phải lập biên bản

Như vậy, dù không có quy định cụ thể nhưng cảnh sát giao thông không thể tự ý vào nhà dân để bắt xe, chỉ trong những trường hợp được pháp luật quy định, cảnh sát giao thông có căn cứ xác định trong nhà đang cất giấu xe vi phạm hành chính thì cảnh sát mới có quyền vào nhà khám nhà và bắt xe. Việc khám nhà của cảnh sát phải được thực hiện theo thủ tục luật định.

Trên đây là nội dung liên quan đến nội dung cảnh sát giao thông có được vào nhà bắt xe không. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào liên quan đến nội dung trên vui lòng liên hệ đến tổng đài:  19006199 để được tư vấn.

Nguyễn Đức Hùng

Tham vấn bởi: Luật sư Nguyễn Đức Hùng

Công ty TNHH luật TGS - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Có thể bạn quan tâm

X