hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Năm, 18/01/2024
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Cưỡng chế hành chính trong xử phạt vi phạm hành chính

Không phải tất cả các quyết định xử phạt đều được các cá nhân, tổ chức vi phạm thực hiện nghiêm túc. Khi này, cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải sử dụng các biện pháp cưỡng chế hành chính thi hành quyết định xử phạt.

Mục lục bài viết
  • Cưỡng chế hành chính là gì?
  • Cưỡng chế hành chính áp dụng khi nào?
  • Các biện pháp cưỡng chế hành chính trong xử phạt vi phạm hành chính
  • Khấu trừ một phần lương hoặc một phần thu nhập
  • Khấu trừ tiền từ tài khoản 
Câu hỏi: Cho tôi hỏi nếu không chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính của cơ quan nhà nước tôi có bị áp dụng biện pháp cưỡng chế hành chính không? Có bao nhiêu biện pháp cưỡng chế được áp dụng cho cá nhân vi phạm?

Cưỡng chế hành chính là gì?

Pháp luật Việt Nam không quy định cụ thể định nghĩa của “Cưỡng chế hành chính”.

Tuy nhiên, cưỡng chế được hiểu là việc các cơ quan hành chính nhà nước, người có thẩm quyền ban hành các biện pháp bắt buộc cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính phải thi hành mệnh lệnh, quyết định hành chính khi các cá nhân, tổ chức đó không tự nguyện chấp hành quyết định xử phạt hoặc đã thực hiện nhưng chưa trả đủ chi phí (theo Điều 86 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, sửa đổi bởi Khoản 43 Điều 1 Luật xử lý vi phạm hành chính 2020).

Cưỡng chế hành chính là gì

Cưỡng chế hành chính là gì?

Cưỡng chế hành chính áp dụng khi nào?

Theo quy định tại Điều 86 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, sửa đổi bởi Khoản 43 Điều 1 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2020 và Khoản 1 Điều 2 Nghị định 166/2013/NĐ-CP, cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt (hay còn gọi là cưỡng chế hành chính) được áp dụng trong các trường hợp sau đây:

Trường hợp 1: Khi các cá nhân, tổ chức thuộc diện bị xử phạt vi phạm hành chính nhưng không tự nguyện chấp hành quyết định xử phạt theo quy định của pháp luật;

Trường hợp 2: Khi các cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính nhưng không tự nguyện hoàn trả kinh phí cho cơ quan đã thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định của pháp luật.

Trường hợp 3: Khi các cá nhân, tổ chức thuộc diện bị xử phạt vi phạm hành chính nhưng đã quá thời hạn chấp hành hoặc quá thời hạn hoãn chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính hoặc đã quá thời hạn chấp hành quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả.

Các biện pháp cưỡng chế hành chính trong xử phạt vi phạm hành chính

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 86 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, có 04 biện pháp cưỡng chế hành chính trong xử phạt vi phạm hành chính sau đây:

Các biện pháp cưỡng chế hành chính

Các biện pháp cưỡng chế hành chính

Khấu trừ một phần lương hoặc một phần thu nhập

Theo quy định tại Điều 8 Nghị định 166/2013/NĐ-CP, đối tượng bị áp dụng biện pháp này bao gồm:

- Cán bộ, công chức hoặc cá nhân đang làm việc theo chế độ hưởng tiền lương hoặc thu nhập tại 1 cơ quan, đơn vị, tổ chức.

- Cá nhân đang được hưởng BHXH.

Theo đó, tỷ lệ khấu trừ vào tiền lượng và thu nhập quy định tại Điều 11 Nghị định 166/2013/NĐ-CP lần lượt như sau:

- Đối với tiền lương, BHXH: Không vượt quá 30%/lần/tổng số tiền lương, BHXH được hưởng.

- Đối với thu nhập khác: Không vượt quá 50%/lần/tổng số thu nhập.

Khấu trừ tiền từ tài khoản 

Theo Điều 13 Nghị định 166/2013/NĐ-CP, đối tượng bị áp dụng biện pháp này bao gồm: Các cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính nhưng không tự nguyện chấp hành quyết định xử phạt, hoặc quyết định khắc phục hậu quả; không thanh toán hay thanh toán chưa đủ chi phí cưỡng chế nhưng lại có tiền gửi vào các tổ chức tín dụng ở Việt Nam.

Việc khấu trừ tiền từ tài khoản của cá nhân, tổ chức tại tổ chức tín dụng ở Việt Nam được thực hiện dựa trên cơ sở các chứng từ thu được theo quy định hiện hành. Sau khi trừ tiền từ tài khoản, Kho bạc Nhà nước phải có trách nhiệm thông báo cho người có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế biết.

Kê biên tài sản để bán đấu giá

Căn cứ Điều 13 Nghị định 166/2013/NĐ-CP, đối tượng bị áp dụng biện pháp này bao gồm: 

- Những cá nhân không được hưởng tiền lương, tiền thu nhập hoặc BHXH tại 01 cơ quan, đơn vị, tổ chức.

- Những cá nhân không có tài khoản tại các tổ chức tín dụng hoặc số tiền gửi từ tài khoản tại các tổ chức tín dụng đó không đủ để áp dụng biện pháp cưỡng chế thông qua khấu trừ tiền từ tài khoản.

- Những tổ chức không có tài khoản tại các tổ chức tín dụng hoặc số tiền gửi từ tài khoản tại tổ chức tín dụng đó không đủ để áp dụng biện pháp cưỡng chế thông qua khấu trừ tiền từ tài khoản.

Tuy nhiên, không phải mọi tài sản đều bị kê biên để bán đấu giá. Theo quy định tại Điều 19 Nghị định 166/2013/NĐ-CP, các tài sản sau đây không thuộc phạm vi kê biên để cưỡng chế hành chính:

- Nhà ở là nhà duy nhất của chủ thể bị cưỡng chế hành chính.

- Các loại thuốc chữa bệnh, lương thực thực phẩm phục vụ cho nhu cầu thiết yếu của chủ thể bị cưỡng chế và gia đình họ.

- Các công cụ dùng trong lao động, đồ dùng sinh hoạt cần thiết của chủ thể bị cưỡng chế và gia đình họ.

- Đồ vật dùng vào mục đích thờ cúng; di vật; huân chương/huy chương; giấy khen/bằng khen.

- Vật là tài sản phục vụ Quốc phòng an ninh.

- Vật là tài sản đang dùng để cầm cố, thế chấp hợp pháp theo quy định pháp luật.

Thu tiền, tài sản khác

Theo quy định tại Điều 28 Nghị định 166/2013/NĐ-CP, biện pháp cưỡng chế thu tiền, thu tài sản của chủ thể bị cưỡng chế hành chính đang được giữ bởi một cá nhân, tổ chức khác (bên thứ 03) được áp dụng nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:

- Người có thẩm quyền ban hành quyết định cưỡng chế không áp dụng được hoặc đã áp dụng được nhưng vẫn chưa truy thu đủ số tiền phạt, chưa thanh toán hoặc thanh toán nhưng chưa đủ chi phí cưỡng chế.

- Người có thẩm quyền ban hành quyết định cưỡng chế có cơ sở xác định rằng bên thứ 03 hiện đang giữ tiền, giữ tài sản của chủ thể bị cưỡng chế.

Trên đây là 04 biện pháp cưỡng chế hành chính đối với cá nhân, tổ chức bị áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Trong trường hợp có bất kỳ thắc mắc nào liên quan đến bài viết này, vui lòng liên hệ cho chúng tôi qua hotline  19006199 để được giải đáp.
Nguyễn Đức Hùng

Tham vấn bởi: Luật sư Nguyễn Đức Hùng

Công ty TNHH luật TGS - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Có thể bạn quan tâm

X