Kết hôn là sự pháp lý kiện quan trọng trong cuộc đời mỗi người. Tuy nhiên, việc kết hôn phải đảm bảo theo quy định của pháp luật hiện hành. Vậy tổ chức đám cưới khi chưa đủ tuổi kết hôn có bị phạt không?
Điều kiện về độ tuổi kết hôn hiện nay
Kết hôn là một sự kiện pháp lý được pháp luật điều chỉnh tại Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 cũng như một số văn bản pháp luật khác có liên quan. Do đó, khi nam, nữ có nguyện vọng thực hiện đăng ký kết hôn thì phải bảo đảm đầy đủ các điều kiện được quy định tại Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014. Một trong những điều kiện quan trọng và cần được lưu ý là điều kiện về độ tuổi kết hôn.
Tại điểm a khoản 1 Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định điều kiện về độ tuổi kết hôn hiện nay như sau: “Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên”.
Việc điều chỉnh độ tuổi kết hôn như trên là bởi khi nam, nữ ở độ tuổi này đã có đầy đủ năng lực về ý thức, tâm lý cũng như sự phát triển toàn diện về thể chất để có thể chịu trách nhiệm và phát triển cuộc sống hôn nhân của mình.
Tảo hôn là vi phạm pháp luật
Như vậy, khi nam từ đủ 20 tuổi và nữ từ đủ 18 tuổi trở lên thì pháp luật mới công nhận và cho phép đăng ký kết hôn.
Bên cạnh đó, tại điểm b khoản 2 Điều 5 Luật Hôn nhân và gia đình hiện hành cũng quy định hành vi kết hôn với người chưa đủ tuổi (gọi tắt là “tảo hôn”) là hành vi bị pháp luật nghiêm cấm.
Do đó, mọi hành vi kết hôn khi chưa đủ tuổi nêu trên là hành vi vi phạm pháp luật và sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật hiện hành.
Tổ chức đám cưới khi chưa đủ tuổi kết hôn có bị phạt không?
Như đã phân tích trên, hành vi kết hôn khi chưa đủ tuổi hoặc kết hôn với người chưa đủ tuổi kết hôn theo quy định là hành vi mà pháp luật nghiêm cấm.
Do đó, việc tổ chức đám cưới khi chưa đủ tuổi kết hôn sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Tổ chức tảo hôn” tuỳ vào mức độ nghiêm trọng và hậu quả mà hành vi gây ra.
Cụ thể, mức xử phạt đối với hành vi tổ chức đám cưới khi chưa đủ tuổi kết hôn được quy định như sau:
Thứ nhất, xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi tảo hôn, tổ chức tảo hôn theo quy định tại Điều 58 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP:
“- Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức lấy vợ, lấy chồng cho người chưa đủ tuổi kết hôn.
-Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi duy trì quan hệ vợ chồng trái pháp luật với người chưa đủ tuổi kết hôn mặc dù đã có bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án.”
Thứ hai, truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội tổ chức tảo hôn” theo quy định tại Điều 183 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017:
Đối với hành vi tảo hôn, tổ chức tảo hôn có tính chất nguy hiểm cho xã hội, để lại hậu quả nghiêm trọng thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội tổ chức tảo hôn”.
Tại Điều 183 Bộ luật Hình sự quy định: “Người nào tổ chức việc lấy vợ, lấy chồng cho những người chưa đến tuổi kết hôn, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm."
Quy định này được áp dụng đối với những người đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi tổ chức tảo hôn cho người chưa đủ tuổi kết hôn nhưng vẫn còn vi phạm. Theo đó, người bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này sẽ bị xử phạt theo một trong hai hình thức:
Phạt tiền từ 10 triệu đồng - 30 triệu đồng
Hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm.
Như vậy, hành vi tổ chức đám cưới khi chưa đủ tuổi kết hôn sẽ bị xử phạt theo quy định đối với người tổ chức đám cưới cho người cho đủ tuổi theo quy định.
Chỉ làm đám cưới mà không đăng ký kết hôn có được công nhận là vợ chồng?
Làm đám cưới nhưng không đăng ký kết hôn có là vợ chồng hợp pháp?
Tại khoản 1 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình ghi nhận: “Hôn nhân là quan hệ giữa vợ và chồng sau khi kết hôn”. Bên cạnh đó, tại khoản 5 Điều này cũng giải thích: “Kết hôn là việc nam và nữ xác lập quan hệ vợ chồng với nhau theo quy định của Luật này về điều kiện kết hôn và đăng ký kết hôn.”.
Theo đó, để được công nhận là vợ chồng hợp pháp thì nam và nữ phải đảm bảo, tuân thủ điều kiện kết hôn và thực hiện đăng ký kết hôn theo quy định. Việc đăng ký kết hôn phải do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thực hiện theo quy định của pháp luật hôn nhân và gia đình cũng như pháp luật về hộ tịch. Tại khoản 1 Điều 9 Luật Hôn nhân và gia đình cũng quy định rõ về việc kết hôn nhưng không thực hiện đăng ký kết hôn theo quy định thì việc kết hôn và quan hệ hôn nhân không có giá trị pháp lý. Do đó, nếu chỉ tổ chức đám cưới mà không thực hiện đăng ký kết hôn theo quy định thì nam, nữ sẽ không được công nhận là vợ chồng hợp pháp.
Hậu quả của việc kết hôn khi chưa đủ tuổi
Hậu quả, hệ luỵ của việc kết hôn khi chưa đủ tuổi
Kết hôn khi chưa đủ tuổi là hành vi mà pháp luật đặc biệt nghiêm cấm. Bởi lẽ, khi đưa một quy định pháp luật vào thực tiễn, các nhà làm luật đã phối hợp với nhiều cơ quan, tổ chức, các ban ngành khác nhau để đưa ra quy định pháp luật phù hợp với sự phát triển của con người và của cả xã hội.
Việc pháp luật quy định về đội tuổi kết hôn như đã phân tích trên đều dựa trên các cơ sở tâm lý, sinh học, xã hội… Chỉ ở độ tuổi đó con người mới có thể chịu trách nhiệm hoàn toàn về việc cuộc hôn nhân mà mình lựa chọn. Do đó, việc kết hôn khi chưa đủ tuổi dẫn đến các hậu quả, hệ luỵ như:
Khi chưa đủ tuổi, con người chưa hoàn thiện về mặt tâm lý và chức năng sinh sản: Việc kết hôn khi nam chưa đủ 20 tuổi và nữ chưa đủ 18 tuổi thường xuất phát từ việc suy nghĩ thiếu cẩn trọng trong việc xác lập quan hệ hôn nhân.
Việc kết hôn thường xuất phát từ tình yêu tuổi trẻ, chưa có những va chạm xã hội hoặc do một số yếu tố khách quan khác. Bên cạnh đó, theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thì tuổi sinh con đầu lòng ở nữ giới thích hợp nhất là ở độ tuổi từ 20 đến 22. Nếu sinh con sớm hơn độ tuổi này thì sẽ không đảm bảo sức khoẻ cho cả mẹ và con, dễ ốm đau, bệnh tật…;
Gặp khó khăn trong việc giải quyết ly hôn: Việc kết hôn khi chưa đủ tuổi thường xuất phát từ suy nghĩ bốc đồng và dễ dẫn đến tan vỡ khi nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng. Hiện nay, tại các Toà án ghi nhận các cặp đôi trẻ thường có xu hướng ly hôn nhiều và trong vòng 1-3 năm đầu sau khi kết hôn.
Tuy nhiên, đối với trường hợp kết hôn khi chưa đủ tuổi sẽ không được pháp luật cho phép đăng ký kết hôn và không công nhận là vợ chồng hợp pháp nên không thể giải quyết ly hôn theo quy định pháp luật. Do đó, khi xảy ra tan vỡ thường khó giải quyết do không có sự can thiệp từ pháp luật…
Trên đây là những giải đáp cho câu hỏi “đám cưới khi chưa đủ tuổi kết hôn có bị phạt không?” mà chúng tôi cung cấp đến bạn đọc. Nếu có thắc mắc về các quy định trên, vui lòng liên hệ đến tổng đài: 19006199 để được tư vấn và hỗ trợ.