Đăng ký kết hôn là việc ghi vào Sổ đăng kí kết hôn nhằm chính thức công nhận nam nữ là vợ chồng trước pháp luật. Vậy đăng ký kết hôn ở đâu, bên vợ hay bên chồng mới đúng?
Đăng ký kết hôn ở bên nam hay nữ?
Chào bạn, về vấn đề của bạn Hieuluat xin được thông tin như sau:
Theo Điều 17 Luật hộ tịch 2014 có quy định về thẩm quyền đăng ký kết hôn:
1. Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của một trong hai bên nam, nữ thực hiện đăng ký kết hôn.
Bên cạnh đó, Giấy chứng nhận kết hôn phải có các thông tin:
- Họ, chữ đệm và tên; ngày, tháng, năm sinh; dân tộc; quốc tịch; nơi cư trú; thông tin về giấy tờ chứng minh nhân thân của hai bên nam, nữ
- Ngày, tháng, năm đăng ký kết hôn
- Chữ ký hoặc điểm chỉ của hai bên nam, nữ và xác nhận của cơ quan đăng ký hộ tịch.
Như vậy, có thể thấy thẩm quyền đăng ký kết hôn là UBND cấp xã nơi cư trú của một trong hai bên nam, nữ thực hiện đăng ký kết hôn.
Vậy nơi cư trú cụ thể xác định thế nào?
Điều 40 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định nơi cư trú là nơi người đó thường xuyên sinh sống.
Còn tại Điều 11 Luật Cư trú 2020 thì nơi cư trú của công dân có thể là nơi thường trú hoặc nơi tạm trú.
Từ các căn cứ trên cho thấy, nơi cư trú của công dân là nơi công dân đó thường xuyên sinh sống, đó có thể là nơi đăng ký thường trú cũng có thể là nơi đăng ký tạm trú của công dân đó.
Vậy, việc đăng ký kết hôn giữa công dân Việt Nam với nhau và đều sinh sống tại Việt Nam thì thực hiện tại nhà nam hoặc nhà nữ đều được. Bạn có thể đăng ký kết hôn tại nơi gia đình chồng bạn đang sinh sống.
Đăng ký kết hôn có cần sổ hộ khẩu không?
Chào bạn, theo quy định tại Điều 18 Luật Hộ tịch 2014 và Điều 10 Nghị định 123/2015/NĐ-CP cần chuẩn bị những giấy tờ để đăng ký kết hôn:
1. Tờ khai đăng ký kết hôn theo mẫu
2. Bản sao sổ hộ khẩu hoặc Giấy đăng ký tạm trú của hai bên
3. Hộ chiếu hoặc Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân hoặc các giấy tờ khác có dán ảnh và thông tin cá nhân do cơ quan có thẩm quyền cấp, còn giá trị sử dụng
4. Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân
- Nếu người yêu cầu đăng ký kết hôn không thường trú tại xã, phường, thị trấn nơi đăng ký kết hôn thì phải có giấy xác nhận tình trạng hôn nhân do UBND cấp xã nơi người yêu cầu đăng ký kết hôn thường trú cấp
- Nếu người yêu cầu đăng ký kết hôn đang công tác, học tập, lao động có thời hạn ở nước ngoài thì phải nộp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân do Cơ quan đại diện ngoại giao, Cơ quan đại diện lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài cấp
Ngoài ra, đối với trường hợp công dân Việt Nam đăng ký thường trú tại địa bàn xã làm thủ tục đăng ký kết hôn, đã được giải quyết việc ly hôn trước đó tại cơ quan có thẩm quyền nước ngoài thì cần thêm trích lục ghi chú ly hôn.
Mặt khác, theo quy định tại Khoản 2 Điều 2 Nghị định 123/2015/NĐ-CP thì khi công dân đăng ký kết hôn phải nộp bản chính Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân.
Theo khoản 1 Điều 21 Nghị định 123/2015/NĐ-CP, thẩm quyền cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân thuộc về UBND cấp xã nơi thường trú của công dân.
Nếu công dân không có nơi thường trú, nhưng có đăng ký tạm trú thì UBND cấp xã, nơi đăng ký tạm trú của người đó sẽ thực hiện cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân.
Như vậy, khi đăng ký kết hôn nếu không có Sổ hộ khẩu bạn có thể dùng Giấy đăng ký tạm trú để thay thế.
Kết hôn xong có bị cắt khẩu không?
Pháp luật hiện hành có quy định rõ các trường hợp bị xóa đăng ký thường trú. Để biết kết hôn xong có bị cắt khẩu không, mời bạn theo dõi thông tin chúng tôi đưa sau đây:
Theo Điều 24 Luật Cư trú 2020, công dân sẽ bị xóa đăng ký thường trú khi:
- Chết; có quyết định của Tòa án tuyên bố mất tích hoặc đã chết
- Ra nước ngoài để định cư
- Đã có quyết định hủy bỏ đăng ký thường trú
- Vắng mặt liên tục tại nơi thường trú từ 12 tháng trở lên mà không đăng ký tạm trú tại chỗ ở khác hoặc không khai báo tạm vắng, trừ trường hợp xuất cảnh ra nước ngoài nhưng không phải để định cư hoặc trường hợp đang chấp hành án phạt tù, chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng
- Đã được cơ quan có thẩm quyền cho thôi quốc tịch Việt Nam, tước quốc tịch Việt Nam, hủy bỏ quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam
- Người đã đăng ký thường trú tại chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ nhưng đã chấm dứt việc thuê, mượn, ở nhờ mà sau 12 tháng kể từ ngày chấm dứt việc thuê, mượn, ở nhờ vẫn chưa đăng ký thường trú tại chỗ ở mới, trừ trường hợp quy định
- Người đã đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp nhưng sau đó quyền sở hữu chỗ ở đó đã chuyển cho người khác mà sau 12 tháng kể từ ngày chuyển quyền sở hữu vẫn chưa đăng ký thường trú tại chỗ ở mới...
- Người đã đăng ký thường trú tại chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ nhưng đã chấm dứt việc thuê, mượn, ở nhờ và không được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý cho giữ đăng ký thường trú tại chỗ ở đó...
- Người đã đăng ký thường trú tại chỗ ở đã bị phá dỡ, tịch thu theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc tại phương tiện đã bị xóa đăng ký phương tiện theo quy định của pháp luật.
Căn cứ quy định nêu trên, có thể thấy không có quy định về việc đăng ký kết hôn sẽ bị xóa đăng ký thường trú hiện tại. Sau khi kết hôn việc nhập khẩu về nhà chồng hay vẫn giữ thường trú hiện tại là do ý muốn của bạn để thuận tiện cho công việc, cuộc sống… và pháp luật không điều chỉnh về vấn đề này.
Trên đây là thông tin giải đáp về vấn đề đăng ký kết hôn ở bên nam hay bên nữ? Nếu còn thắc mắc khác về chủ đề này, độc giả vui lòng để lại câu hỏi tại đây hoặc liên hệ 19006192 để được hỗ trợ.
>> Đăng ký kết hôn mất bao lâu?