Một trong những nỗi lo đối với lao động nữ khi đi làm là hết hạn hợp đồng khi đang mang thai. Điều khiến họ lo lắng là: liệu có được tái ký hợp đồng và có được hưởng chế độ thai sản hay không?
Đang mang thai mà hết hạn hợp đồng, có được ký tiếp?
Căn cứ theo Điều 37 Bộ luật Lao động năm 2019, người sử dụng lao động không được thực hiện quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động khi:
1. Người lao động ốm đau hoặc bị tai nạn, bệnh nghề nghiệp đang điều trị, điều dưỡng theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều 36 của Bộ luật này.2. Người lao động đang nghỉ hằng năm, nghỉ việc riêng và trường hợp nghỉ khác được người sử dụng lao động đồng ý.3. Người lao động nữ mang thai; người lao động đang nghỉ thai sản hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
Có nghĩa nếu hợp đồng của bạn còn thời hạn thì công ty không được sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng với bạn khi bạn có thai.
Tuy nhiên, trường hợp của bạn đến tháng 5 là hết hạn hợp đồng lao động thuộc hợp đồng lao động sẽ chấm dứt khi hết hạn hợp đồng (căn cứ khoản 1 Điều 34 Bộ luật Lao động).
Bên cạnh đó, hợp đồng lao động là sự thoả thuận giữa người sử dụng lao động và người lao động.
Như vậy, có thể thấy khi hết thời hạn hợp đồng là căn cứ chấm dứt hợp đồng lao động phù hợp với quy định của pháp luật. Lúc này, người sử dụng lao động có quyền ký tiếp hoặc không tái ký hợp đồng lao động khác với bạn.
Nếu 2 bên thỏa thuận được về việc tái ký thì bạn có thể ký tiếp hợp đồng mới.
Đang mang thai mà hết hạn hợp đồng, có được hưởng thai sản?
Với người phụ nữ khi mang thai thì chế độ thai sản phần nào hỗ trợ họ kinh phí trong thời gian sinh nở, ở nhà nuôi con. Nếu ai rơi vào trường hợp đang mang thai mà hết hạn hợp đồng cũng sẽ có chung nỗi lo: nếu không được tái ký hợp đồng thì có được hưởng chế độ thai sản không?
Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định điều kiện hưởng chế độ thai sản khi thuộc một trong các trường hợp:
a) Lao động nữ mang thai;
b) Lao động nữ sinh con;
c) Lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ;
d) Người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi;
đ) Lao động nữ đặt vòng tránh thai, người lao động thực hiện biện pháp triệt sản;
e) Lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội có vợ sinh con.
Và để được hưởng chế độ thai sản thì người lao động quy định tại các điểm b, c và d phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi.
Người lao động quy định tại điểm b đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 03 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.
Người lao động đủ điều kiện quy định mà chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc trước thời điểm sinh con hoặc nhận con nuôi dưới 06 tháng tuổi thì vẫn được hưởng chế độ thai sản theo quy định.
Trường hợp của bạn đang mang thai được 2 tháng và đến tháng 5 hết hạn hợp đồng. Như vậy chỉ cần đến tháng 5 bạn đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của pháp luật: đóng bảo hiểm xã hội 6 tháng trong khoảng thời gian 12 tháng trước sinh con là bạn có thể làm thủ tục xin hưởng chế độ thai sản.
12 tháng trước khi sinh con được xác định theo khoản 1 Điều 9 Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH như sau:
a) Trường hợp sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi trước ngày 15 của tháng, thì tháng sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi không tính vào thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi.
b) Trường hợp sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi từ ngày 15 trở đi của tháng và tháng đó có đóng bảo hiểm xã hội, thì tháng sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi được tính vào thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi. Trường hợp tháng đó không đóng bảo hiểm xã hội thì thực hiện theo quy định tại điểm a khoản này.
Vừa rồi là những thông tin liên quan đến lao động nữ đang mang thai mà hết hạn hợp đồng. Nếu có thêm vướng mắc, bạn đọc thể liên hệ với chúng tôi qua hotline 19006192 để được các chuyên gia pháp lý hỗ trợ.