Đảng viên là tập hợp những người có cùng lý tưởng và mong muốn xây dựng Đảng và nhà nước Việt Nam phát triển vững mạnh. Vậy Đảng viên là gì? Nhiệm vụ của Đảng viên gồm những gì?
Đảng viên là gì?
Ngay tại Điều 1 của Điều lệ Đảng cộng sản Việt Nam đã định nghĩa rằng Đảng viên là:
- Có cùng mục đích, luôn luôn phấn đấu cho lý tưởng của Đảng và lợi ích của Tổ quốc;
- Là người luôn đặt lợi ích của Tổ quốc, của giai cấp công nhân và nhân dân lao động lên trên lợi ích của cá nhân;
- Là người chấp hành nghiêm chỉnh nhưng chủ trương chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước;
- Là người có đạo đức, lối sống lành mạnh, kỷ luật, có trách nhiệm hoàn thành các công việc được giao.
Điều kiện, tiêu chuẩn trở thành Đảng viên năm 2023
Theo Điều lệ Đảng và Quy định 24-QĐ/TW năm 2021, Để trở thành Đảng viên thì người muốn gia nhập phải đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn sau:
(1) Cá nhân đó phải là công dân Việt Nam;
(2) Về độ tuổi:
- Tại thời điểm xét kết nạp, thì người đó phải đủ 18 tuổi đến đủ 60 tuổi (tuổi được tính theo tháng);
- Đối với người trên 60 tuổi muốn trở thành Đảng viên phải đáp ứng các điều kiện sau:
+ Có đủ sức khoẻ và uy tín;
+ Đang công tác hoặc cư trú ở cơ sở chưa có tổ chức đảng, chưa có đảng viên hoặc do yêu cầu đặc biệt;
+ Trước khi được cấp ủy có thẩm quyền ra quyết định kết nạp thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của ban thường vụ cấp ủy thuộc Trung Ương.
(3) Về trình độ học vấn:
- Người gia nhập vào Đảng phải có bằng tốt nghiệp THCS trở lên;
- Đối với những người đang sinh sống ở miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn và những trường hợp cụ thể khác do yêu cầu phát triển đảng mà không bảo đảm được quy định chung thì phải đảm bảo các yêu cầu sau:
+ Với những người ở khu vực miền núi, biên giới, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số, vùng kinh tế đặc biệt khó khăn, ngư dân thường xuyên làm việc ngoài biển đảo thì trình độ học vấn tối thiểu là hoàn thành chương trình tiểu học;
+ Với những người là già làng, trưởng bản, người có uy tín đang sinh sống ở địa bàn miền núi, biên giới, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số, vùng kinh tế đặc biệt khó khăn, ngư dân làm việc ngoài biển đảo thì cần đáp ứng tối thiểu là biết đọc và viết chữ quốc ngữ, và phải được sự đồng ý bằng văn bản của Ban thường vụ cấp ủy thuộc Trung ương.
(4) Về nhận thức:
Người mong muốn gia nhập vào Đảng cần thừa nhận và tự nguyện thực hiện Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiêu chuẩn và nhiệm vụ đảng viên, hoạt động trong một tổ chức cơ sở đảng; Để có thể được xét kết nạp Đảng thì người đó phải chứng tỏ được mình là người ưu tú, được nhân dân tín nhiệm.
Đảng viên có mấy nhiệm vụ?
Khi trở thành Đảng viên thì Đảng viên phải thực hiện các nhiệm vụ của Đảng. Điều 2 Điều lệ Đảng cộng sản có nêu ra 04 nhiệm vụ của Đảng viên như sau:
Thứ nhất là tuyệt đối trung thành với mục đích lý tưởng của Đảng, chấp hành nghiêm chỉnh Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng Cộng sản, các chủ trương chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Tiếp nhận sự phân công điều động của tổ chức Đảng và có ý thức hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Thứ hai, luôn không ngừng học tập, rèn luyện, bồi dưõng chuyên môn nghiệp vụ; xây dựng lối sống lành mạnh, rèn luyện phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng; nói không với chủ nghĩa cá nhân, quan liêu, tham nhũng, thực hành tiết kiệm và chống lãng phí và các biểu hiện tiêu cực khác. Đảng viên luôn phải đảm bảo không thực hiện những điều không được làm theo quy định của Ban chấp hành trung ương.
Thứ ba, luôn giữ mối liên hệ chặt chẽ với nhân dân, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân; quan tâm, chăm lo cho đời sống của nhân dân, bảo vệ lợi ích cho nhân dân; tích cực tham gia công tác xã hội, công tác quần chúng; tích cực tham gia vận động người dân chấp hành chính sách của Đảng và pháp luật của nhà nước;
Và thứ tư là xây dựng, bảo vệ đường lối, chính sách của Đảng; thực hiện kỷ luật, giữ gìn đoàn kết thống nhất trong Đảng; tự phê bình và phê bình, trung thực với Đảng; tham gia công tác phát triển đảng viên; sinh hoạt đảng và đóng đảng phí đúng quy định.
Quyền lợi của Đảng viên là gì?
Bên cạnh những nhiệm vụ, thì căn cứ theo Điều 3 Điều lệ Đảng Đảng viên có các quyền sau:
- Đảng viên được thông tin, thảo luận các vấn đề về Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam, đường lối và chủ trương chính sách của Đảng;
Theo định kỳ hoặc hướng dẫn của BCH trung ương Đảng, các cấp uỷ đảng phải thông tin cho đảng viên về tình hình, nhiệm vụ của địa phương, cơ quan, đơn vị; các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; thông tin tình hình trong nước và thế giới…nhằm nâng cao nhận thức và năng lực cho Đảng viên, phục vụ cho việc thực hiện nhiệm vụ của Đảng viên.
- Đảng viên được quyền biểu quyết các công việc của Đảng;
- Đảng viên được quyền tham gia ứng cử, đề cử và bầu cử cơ quan lãnh đạo các cấp của Đảng;
- Đảng viên được quyền phê bình, chất vấn về hoạt động của Đảng và Đảng viên ở các cấp trong phạm vi tổ chức về những vấn đề liên quan đến chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của tổ chức hoặc chức trách nhiệm vụ của đảng viên đó; báo cáo, kiến nghị với các cơ quan có trách nhiệm và có quyền yêu cầu được trả lời.
Đối với ý kiến phê bình, chất vấn, báo cáo, kiến nghị, tổ chức đảng và đảng viên có trách nhiệm phải trả lời theo thẩm quyền theo thời gian quy định đối với từng cấp:
+ Chậm nhất là 30 ngày làm việc đối với tổ chức cơ sở đảng và đảng viên,
+ Chậm nhất là 60 ngày làm việc đối với cấp huyện, tỉnh và tương đương,
+ Chậm nhất là 90 ngày làm việc đối với cấp Trung ương.
Với trường hợp phức tạp cần phải thời gian để trả lời lâu hơn quy định thì phải thông báo cho tổ chức đảng và đảng viên biết lý do.
- Đảng viên được quyền trình bày ý kiến của mình khi tổ chức Đảng đưa ra nhận xét khi xét bổ nhiệm, hoặc thực hiện quyết định công tác, thi hành kỷ luật đối với mình.
Trên đây là những giải đáp về vấn đề Đảng viên là gì? Nhiệm vụ của Đảng viên [Quy định năm 2023]. Nếu các bạn còn bất kỳ thắc mắc nào liên quan đến vấn đề này hoặc các vấn đề pháp luật khác, các bạn vui lòng liên hệ tổng đài: 1900.6199 để được giải đáp một cách nhanh chóng và chính xác nhất.