hieuluat
Chia sẻ email
Chủ Nhật, 06/02/2022
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Dạy dỗ con bằng đòn roi, có vi phạm pháp luật? Phạt thế nào?

Mỗi gia đình đều có các phương pháp giáo dục, dạy dỗ con khác nhau. Có người thì chấn chỉnh con bằng lời nói, một số người lại dùng đòn roi khi con sai phạm. Vậy nếu dạy dỗ con bằng đòn roi thì có vi phạm pháp luật không?

Mục lục bài viết
  • Dạy dỗ con bằng đòn roi, có vi phạm pháp luật không?
  • Đánh con có thể bị xử phạt như thế nào?
  • Hù dọa trẻ con sẽ bị phạt nặng?
Câu hỏi: Cho tôi hỏi, nếu cha mẹ thường xuyên dạy dỗ con cái của mình bằng đòn roi thì có phải là hành vi vi phạm pháp luật không? Và nếu vi phạm pháp luật thì bị xử phạt thế nào?

Dạy dỗ con bằng đòn roi, có vi phạm pháp luật không?

Chào bạn, chắc hẳn ai cũng biết được mục đích của việc dạy dỗ con cái đối với bậc cha mẹ là để con nhận ra cái sai, trở nên tốt và ngoan hơn. Tuy nhiên, phương pháp giáo dục con lại có sự khác nhau giữa các gia đình.

Theo Điều 69 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 thì cha mẹ phải có nghĩa vụ yêu thương, tôn trọng ý kiến của con, chăm lo việc học tập, giáo dục để con phát triển lành mạnh về thể chất, trí tuệ, đạo đức…

Bên cạnh đó, cha mẹ còn có nghĩa vụ trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.

Cha mẹ cũng không được phân biệt đối xử với con trên cơ sở giới hoặc theo tình trạng hôn nhân của cha mẹ; không được xúi giục, ép buộc con làm việc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội…

Điều 2 Luật phòng, chống bạo lực gia đình 2007 thì hành hạ, ngược đãi, đánh đập hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khoẻ, tính mạng; Lăng mạ hoặc hành vi cố ý khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm… được xem là  các hành vi bạo lực gia đình và bị nghiêm cấm.

Như vậy có thể thấy, mọi hành vi đánh đập, ngược đãi, hành hạ..., xâm hại đến sức khỏe, tính mạng của cha mẹ đối với con cái là hành vi vi phạm pháp luật. Tùy vào tính chất, mức độ vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

danh con co bi phat khong
Đánh đập, ngược đãi, xâm hại đến sức khỏe con cái là hành vi vi phạm pháp luật. (Ảnh minh họa)

Đánh con có thể bị xử phạt như thế nào?

Hành vi dùng đòn roi giáo dục con nếu gây tổn hại về sức khỏe, tổn thương về tinh thần…sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại Nghị định 130/2021/NĐ của Chính phủ.

Cụ thể tại điểm b, điểm c khoản 1 Điều 22 Nghị định này, sẽ phạt tiền từ 10 – 20 triệu đồng, nếu có hành vi:

b) Gây tổn hại về tinh thần, xúc phạm nhân phẩm, danh dự, lăng mạ, chửi mắng, đe dọa, cách ly ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ em;

c) Cô lập, xua đuổi hoặc dùng các biện pháp trừng phạt để dạy trẻ em gây tổn hại về thể chất, tinh thần của trẻ em;

Ngoài ra, người thực hiện các hành vi trên còn buộc chịu mọi chi phí để khám bệnh, chữa bệnh (nếu có) cho trẻ em.

Bên cạnh đó, nếu dạy dỗ con bằng đòn roi và gây tổn hại về sức khỏe có thể còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi đủ yếu tố cấu thành một trong các tội danh:

- Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho người khác (theo Điều 134 Bộ luật Hình sự), tùy theo hành vi, mức độ vi phạm người phạm tội có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng 20 năm hoặc có thể là tù chung thân.

- Tội hành hạ người khác (Điều 140, BLHS), người phạm tội có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 3 năm.

- Tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình (Điều 185 BLHS) và người phạm tội có thể bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Hù dọa trẻ con sẽ bị phạt nặng?

Việc hù dọa trẻ em không hiếm gặp trong cuộc sống. Với nhiều người, trêu cho trẻ em sợ hãi và khóc là bình thường, tuy nhiên, điều này ít nhiều mang đến những ảnh hưởng về tâm lý, tinh thần cho trẻ. Hành vi này cũng sẽ bị pháp luật xử lý.

Tại điểm d khoản 1 Điều 22 Nghị định 130/2021/NĐ-CP quy định như sau:

Nếu người nào thường xuyên đe dọa trẻ em bằng các hình ảnh, âm thanh, con vật, đồ vật làm trẻ em sợ hãi, tổn hại về tinh thần sẽ bị phạt tiền từ 10 – 20 triệu đồng.

Trước đây, mức phạt về hành vi này được quy định tại điểm đ, khoản 2 Điều 27 Nghị định 144/2013/NĐ-CP (đã hết hiệu lực) ở mức từ 05 - 10 triệu đồng.

Tuy nhiên, từ khi có quy định này thì việc xử phạt hành vi này vì nhiều lý do, khó để thực thi.

Khi thấy trẻ bị hành hạ, xâm phạm, người phát hiện hành vi có thể thông báo ngay bằng hình thức trực tiếp hoặc qua điện thoại đến:

- UBND, công an cấp xã, đường dây tư vấn hỗ trợ trẻ em (111, 113, 1900.54.55.59, 1800.90.69)

- Hoặc cơ quan Lao động - Thương binh, xã hội các cấp.

Hieuluat vừa thông tin về việc đánh con có bị phạt không? Nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ  19006192 để được hỗ trợ.

>> Từ 2022, cha mẹ bỏ rơi con bị phạt bao nhiêu? Khi nào bị truy cứu?

Có thể bạn quan tâm

X