hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Năm, 28/09/2023
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Đánh giá cán bộ là gì? Phương pháp và nguyên tắc đánh giá

Hằng năm, hoạt động đánh giá cán bộ thường được tổ chức thực hiện  để nhìn nhận và có phương hướng nâng cao chất lượng cán bộ. Vậy đánh giá cán bộ là gì? Phương pháp và nguyên tắc đánh giá được quy định thế nào?

 
Mục lục bài viết
  • Đánh giá cán bộ là gì?
  • Phương pháp đánh giá cán bộ hiện nay
  • Nguyên tắc đánh giá cán bộ được quy định thế nào?
  • Một số liên hệ thực tiễn về công tác đánh giá cán bộ hiện nay
Câu hỏi: Cho tôi hỏi đánh giá cán bộ hiện nay có những phương pháp nào và thực hiện theo nguyên tắc nào?

Đánh giá cán bộ là gì?

Đánh giá cán bộ là gì?

Chào bạn, theo quy định tại Điều 27 Luật Cán bộ, công chức năm 2008  thì đánh giá cán bộ là một hoạt động nhằm phân tích, làm rõ những điểm sau ở một người cán bộ:

  • Phẩm chất, tư tưởng chính trị;

  • Đạo đức, lối sống;

  • Trình độ và năng lực chuyên môn, nghiệp vụ;

  • Kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao.

Theo qua các tiêu chí nêu trên, cơ quan, đơn vị, tổ chức có thể nhìn nhận toàn diện được về người cán bộ của cơ quan, đơn vị, tổ chức mình. 

Theo quy định này thì kết quả đánh giá cán bộ là một tài liệu để làm căn cứ bố trí, sử dụng cán bộ cũng như có định hướng bồi dưỡng, đào tạo cán bộ để phát triển hơn cho sự nghiệp phục vụ đất nước. Bên cạnh đó, kết quả đánh giá cũng là để nhìn nhận người cán bộ nào làm tốt người nào chưa để đưa ra khen thương hay đưa ra hình thức kỷ luật tương ứng.

Phương pháp đánh giá cán bộ hiện nay

Hiện nay, việc đánh giá cán bộ có thể thực hiện theo một trong các phương pháp sau:

  • Cấp trên quản lý trực tiếp đánh giá cán bộ: 

Đây là phương pháp đánh giá cán bộ phổ biến hiện nay, việc đánh giá theo phương pháp này mang lại kết quả khá chính xác và đáng tin cậy;

  • Cán bộ ngang cấp thực hiện đánh giá: 

Đây cũng là một phương pháp khá phổ biến vì khi những cán bộ ngang cấp đánh giá nhau sẽ cho một cái nhìn khách quan hơn vì cùng làm công việc ở cùng cấp bậc, có thể đánh giá tốt hơn những khía cạnh công việc mà cấp trên hoặc cấp dưới khó có thể quan sát và hiểu rõ;

  • Cấp dưới đánh giá cán bộ cấp trên: 

Đây là phương pháp đánh giá đề cao sự công bằng và thể hiện rõ được sự lắng nghe của cấp trên đối với cấp dưới. Tuy nhiên, phương pháp này ít được sử dụng vì khi cấp dưới đánh giá cán bộ cấp trên sẽ chịu nhiều áp lực, đè nén nên dễ mang lại kết quả tiêu cực, không phản ánh toàn diện;

  • Cán bộ tự đánh giá chính mình: 

Đây là một phương pháp để cán bộ tự nhìn nhận lại bản thân, tự kiểm điểm chính mình và nêu ra những mong muốn, nguyện vọng cũng như mục tiêu phấn đấu trong tương lai. Tuy nhiên, phương pháp này cũng được xem là chưa toàn diện vì khi tự đánh giá bản thân sẽ có xu hướng đề cao bản thân, chỉ ra điểm mạnh nhiều hơn;

  • Hội đồng đánh giá cán bộ: 

Đây là một phương pháp đánh giá cán bộ khá phổ biển ở các cơ quan, đơn vị, tổ chức vì mang tính toàn diện, công bằng và khách quan…

Về bản chất, việc đánh giá cán bộ có thể được thực hiện bằng nhiều phương pháp khác nhau. Tuy nhiên, việc lựa chọn phương pháp cũng ảnh hưởng ít nhiều đến kết quả đánh giá cán bộ. 

Do đó, khi tổ chức đánh giá cán bộ cần nhìn nhận vào thực tế để lựa chọn một phương pháp đánh giá mang lại kết quả chính xác, toàn diện và hữu ích nhất cho các công tác cán bộ sau này.

Nguyên tắc đánh giá cán bộ được quy định thế nào?

Việc đánh giá cán bộ phải được thực hiện nghiêm chỉnh, minh bạch để mang lại kết quả đánh giá xác thực nhất với thực tế cán bộ tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị. 

Hiện nay, việc đánh giá cán bộ được thực hiện theo nguyên tắc được quy định cụ thể tại Điều 2 Nghị định số 90/ 2020/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 1 Điều 1 Nghị định số 48/2023/NĐ-CP. Cụ thể, nguyên tắc đánh giá cán bộ bao gồm 06 nguyên tắc sau:

1 - Thực hiện đánh giá khách quan, công bằng và chính xác;

2 - Đánh giá cán bộ phải dựa vào chức vụ, nhiệm vụ mà người cán bộ được giao;

3 - Thực hiện đánh giá, xếp loại đối với cán bộ có thời gian công tác trong năm từ đủ 06 tháng trở lên. 

Lưu ý: Cán bộ có thời gian công tác dưới 06 tháng trong năm thì không thực hiện đánh giá nhưng phải thực hiện công tác kiểm điểm đối với thời gian công tác trong năm (trừ trường hợp cán bộ nghỉ chế độ thai sản);

4 - Kết quả đánh giá cán bộ được sử dụng để làm cơ sở đánh giá, xếp loại Đảng viên;

5 - Kết quả đánh giá đối với cán bộ bị xử lý kỷ luật Đảng hoặc bị xử lý kỷ luật hành chính:

Nguyên tắc đánh giá cán bộ

“ a) Cán bộ, công chức, viên chức bị xử lý kỷ luật đảng hoặc kỷ luật hành chính trong năm đánh giá thì xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản này.

b) Trường hợp hành vi vi phạm chưa có quyết định xử lý kỷ luật của cấp có thẩm quyền nhưng đã được dùng làm căn cứ để đánh giá, xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ trong năm đánh giá thì quyết định xử lý kỷ luật ban hành sau năm đánh giá đối với hành vi vi phạm đó (nếu có) không được tính để đánh giá, xếp loại chất lượng ở năm có quyết định xử lý kỷ luật.

c) Trường hợp cán bộ, công chức, viên chức là đảng viên, đã bị xử lý kỷ luật đảng và kỷ luật hành chính về cùng một hành vi vi phạm nhưng quyết định kỷ luật đảng và quyết định kỷ luật hành chính không có hiệu lực trong cùng năm đánh giá thì chỉ tính là căn cứ xếp loại chất lượng ở một năm đánh giá.”

6 - Tỷ lệ cán bộ được xếp loại “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” không được quá tỷ lệ Đảng viên được xếp loại “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” theo quy định của Đảng.

Một số liên hệ thực tiễn về công tác đánh giá cán bộ hiện nay

Đánh giá cán bộ là một hoạt động quan trọng trong công tác cán bộ. Đánh giá cán bộ được xác định là khâu chủ chốt và kết quả đánh giá cán bộ được sử dụng nhiều vào các hoạt động sau này trong công tác cán bộ. 

Theo đó, để hoàn thiện và nâng cao chất lượng, đội ngũ cán bộ trong các cơ quan, đơn vị, tổ chức của Nhà nước Việt Nam thì việc đánh giá cán bộ phải được bảo đảm thực hiện khách quan, toàn diện và mang đến kết quả đánh giá chính xác nhất. 

Đến nay, công tác đánh giá cán bộ đã có nhiều điểm đổi mới, tiến bộ nhưng thực tiễn của công tác đánh giá cán bộ vẫn còn nhiều điểm yếu chưa được khắc phục, chẳng hạn như: 

  • Một số cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa tiến hành đánh giá cán bộ khách quan, chưa phản ảnh được đúng bản chất cán bộ mà chủ yếu việc đánh giá mang tính hình thức; 

  • Việc tự kiểm điểm, phê bình ở chính bản thân người cán bộ chưa cao, chủ yếu chỉ đề cao những điểm mạnh, những điều đã làm được của bản thân mà chưa nêu ra những mặt chưa được và phương hướng khắc phục;

  • Đánh giá cán bộ vẫn còn cả nể nên chưa phản ánh đúng mức độ hoàn thành và phẩn chất của người cán bộ…

Thực tiễn công tác đánh giá cán bộ

Thực tiễn công tác đánh giá cán bộ

Những hạn chế trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau nhưng chủ yếu xuất phát từ việc quan hệ, nể nang cũng như cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa nắm rõ được giá trị cốt yếu của công tác đánh giá cán bộ. 

Theo đó, để hoàn chỉnh hơn và nâng cao hiệu quả của công tác đánh giá cán bộ thì các cấp uỷ phải tiến hành nghiêm cũng như đưa ra một số giải pháp để hoàn thiện hơn cho công tác này, chẳng hạn như: minh bạch, công khai trong công tác đánh giá cán bộ; xây dựng tiêu chuẩn đánh giá phù hợp để làm căn cứ đánh giá cán bộ…

Trên đây những quy định về công tác đánh giá cán bộ hiện nay mà chúng tôi cập nhật đến quý ban đọc. Nếu có thắc mắc về quy định trên, vui lòng liên hệ ngay tổng đài: 1900.6199 để được hỗ trợ tư vấn kịp thời và nhanh chóng.

Nguyễn Văn Việt

Tham vấn bởi: Luật sư Nguyễn Văn Việt

Công ty Luật TNHH I&J - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Có thể bạn quan tâm

X