hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Sáu, 07/07/2023
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Nên mua đất ở dưới đường điện cao thế không?

Đất ở dưới đường điện cao thế có nên mua không? Được cấp sổ đỏ, xây nhà dưới đường điện cao thế không? Cùng chúng tôi giải đáp trong bài viết sau.

Câu hỏi: Chào Luật sư, tôi có vướng mắc liên quan đến vấn đề đất đai mong được giải đáp như sau:

Qua môi giới, tôi được biết có thửa đất thổ cư nằm dưới đường điện cao thế 500kV chạy qua đang có nhu cầu bán vì chủ đất vào miền Nam cùng các con.

Tôi băn khoăn, liệu rằng tôi có nên mua thửa đất này không?

Quy định pháp luật về vấn đề đất dưới đường điện cao thế này như thế nào?

Xin Luật sư chỉ rõ để tôi có căn cứ cân nhắc, quyết định.

Nếu mua thửa đất này, tôi có được xây nhà ở, cấp sổ đỏ không?

Chào bạn, nên mua bán đất ở dưới đường điện cao thế không, được xây nhà, cấp sổ đỏ cho thửa đất này không là những vấn đề được chúng tôi giải đáp dưới đây.

Đất ở dưới đường điện cao thế, nên mua không?

Có nên mua đất ở dưới đường điện cao thế hay không phụ thuộc chủ yếu vào nhu cầu, khả năng, mong muốn của bạn.

Theo thông tin bạn cung cấp, bạn cần chúng tôi giải đáp về một số vấn đề pháp lý liên quan đến đất ở có vị trí dưới đường điện cao thế làm căn cứ để quyết định có nên mua hay không.

Căn cứ quy định của pháp luật đất đai, pháp luật về điện lực, chúng tôi gửi tới bạn một số thông tin về loại đất ở dưới đường điện cao thế như sau:
  • Đất ở nằm dưới đường dây tải điện 500kV cũng có những đặc điểm pháp lý tương tự như những loại đất ở khác như có thời hạn sử dụng là lâu dài, hình thức sử dụng là chung hoặc riêng,...;

  • Trước khi mua đất ở dưới đường điện cao thế cần chú ý đến quy định về hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện trên không (khoảng cách an toàn được tính từ đường dây tải điện đến các công trình xung quanh, phía dưới đường dây tải điện);

    • Đây cũng chính là khoảng cách mà phía trong khoảng cách này sẽ bị cấm thực hiện một số quyền của người sử dụng đất ở như xây dựng công trình trên đất, hoặc chiều cao, chiều rộng của công trình bị hạn chế nếu xây dựng…;

    • Đối với đường dây tải điện 500kV thì quy định về hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện trên không này được quy định tại Điều 11 Nghị định 14/2014/NĐ-CP như sau:

Các khoảng cách an toàn cần tuân thủ

Khoảng cách an toàn (đơn vị tính: m)

Chiều rộng hành lang: Được giới hạn bởi hai mặt thẳng đứng về hai phía của đường dây, song song với đường dây, có khoảng cách từ dây ngoài cùng về mỗi phía khi dây ở trạng thái tĩnh

7

Chiều cao hành lang: Được tính từ đáy móng cột đến điểm cao nhất của công trình cộng thêm khoảng cách an toàn theo chiều thẳng đứng

6

Chiều dài hành lang: Được tính từ vị trí đường dây ra khỏi ranh giới bảo vệ của trạm này đến vị trí đường dây đi vào ranh giới bảo vệ của trạm kế tiếp

  • Người sử dụng đất dưới đường điện 500kV cũng có thể bị di dời hoặc có thể ở lại tiếp tục sinh sống nếu có văn bản đề nghị gửi Ủy ban nhân dân cấp huyện và được chấp thuận theo quy định tại khoản 14 Điều 1 Nghị định 51/2020/NĐ-CP:

14. Điều 20 được sửa đổi như sau:

“Điều 20. Bồi thường, hỗ trợ đối với nhà ở, công trình ngoài hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp

1. Nhà ở, công trình phục vụ sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân nằm ngoài hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp và thuộc khu vực có cường độ điện trường lớn hơn quy định tại khoản 4 Điều 13 Nghị định số 14/2014/NĐ-CP thì chủ sở hữu nhà ở, công trình được bồi thường, hỗ trợ để di dời như đối với nhà ở, công trình phục vụ sinh hoạt nằm trong hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp phải giải tỏa theo quy định của pháp luật về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất.

2. Nhà ở, công trình phục vụ sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân nằm ngoài hành lang bảo vệ an toàn và giữa hai đường dây dẫn điện trên không điện áp 500 kV, có khoảng cách theo phương nằm ngang giữa hai dây dẫn pha ngoài cùng gần nhất của hai đường dây nhỏ hơn hoặc bằng 60 mét thì chủ sở hữu nhà ở, công trình phục vụ sinh hoạt được lựa chọn một trong hai hình thức xử lý sau:

a) Được bồi thường, hỗ trợ để di dời như như đối với nhà ở, công trình phục vụ sinh hoạt nằm trong hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp phải giải tỏa theo quy định của pháp luật về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất.

b) Nếu không có nhu cầu di dời thì phải có văn bản đề nghị được ở lại gửi Ủy ban nhân dân cấp huyện trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày có thông báo thu hồi đất của cơ quan có thẩm quyền để đầu tư xây dựng đường dây 500 kV xây dựng sau và được bồi thường đất, nhà ở, công trình phục vụ sinh hoạt theo quy định tại điểm a khoản 12 Điều 1 Nghị định này.”

Như vậy, một số vấn đề pháp lý cơ bản về đất ở dưới đường điện cao thế 500kV được chúng tôi trình bày như trên.

Đất ở dưới đường điện cao thế là một trong những loại đất ở mà người sử dụng có thể bị hạn chế quyền của mình và phải xem xét đến quy định về đảm bảo hành lang bảo vệ an toàn đường dây tải điện, điều kiện phải di dời nơi ở.

Nên mua đất ở dưới đường điện cao thế không?Nên mua đất ở dưới đường điện cao thế không?

Được xây nhà dưới đường điện cao thế không?

Từ quy định tại khoản 14 Điều 1 Nghị định 51/2020/NĐ-CP (sửa đổi Điều 20 Nghị định 14/2014/NĐ-CP) và khoản 3 Điều 51 Luật Điện lực số 28/2004/QH11, suy ra, việc xây dựng nhà ở dưới đường điện cao thế vẫn có thể được thực hiện nếu thỏa mãn:

  • Diện tích xây dựng nằm ngoài hành lang an toàn bảo vệ đường dây tải điện;

  • Tức nằm ngoài chiều dài, chiều cao, chiều rộng của đường dây tải điện 500kV quy định tại Điều 11 Nghị định 14/2014/NĐ-CP như chúng tôi đã trình bày ở trên;

  • Nằm ngoài khu vực có cường độ điện trường lớn hơn quy định tại khoản 4 Điều 13 Nghị định 14/2014/NĐ-CP:

4. Cường độ điện trường nhỏ hơn 5 kV/m tại điểm bất kỳ ở ngoài nhà cách mặt đất một (01) mét và nhỏ hơn hoặc bằng 1 kV/m tại điểm bất kỳ ở bên trong nhà cách mặt đất một (01) mét.

Như vậy, pháp luật vẫn cho phép được xây nhà trên đất ở dưới đường điện cao thế.

Tuy nhiên, nhà ở phải được xây dựng tại diện tích nằm ngoài hành lang an toàn bảo vệ an toàn đường dây tải điện và không nằm trong khu vực có cường độ điện trường lớn hơn quy định của pháp luật điện lực.

Được xây nhà dưới đường điện 500kV không?Được xây nhà dưới đường điện 500kV không? 

Đất dưới đường điện cao thế có được cấp sổ đỏ không?

Căn cứ quy định tại khoản 4 Điều 56 Nghị định 43/2014/NĐ-CP, Luật Đất đai 2013, đất dưới đường điện cao thế vẫn có thể được cấp sổ đỏ.

Để được cấp sổ đỏ thì diện tích đất ở dưới đường điện cao thế (không phân biệt nằm trong hành lang hay nằm ngoài hành lang) phải thỏa mãn toàn bộ các điều kiện:

  • Không có thông báo thu hồi đất hoặc quyết định thu hồi đất;

  • Đáp ứng các điều kiện cấp sổ đỏ cho đất theo quy định: Ví dụ phù hợp quy hoạch sử dụng đất, không có tranh chấp,...;

  • Hoàn thành nghĩa vụ tài chính (nếu có) khi được cấp giấy chứng nhận;

Lưu ý, nếu được cấp giấy chứng nhận, thì theo Thông tư 23/2014/TT-BTNMT tại phần sơ đồ thửa đất (trang 3 của giấy chứng nhận) và phần ghi chú (trang 2 của giấy chứng nhận) có thể hiện thông tin về hành lang an toàn lưới điện như sau:

  • Hành lang an toàn lưới điện (nếu có) sẽ được thể hiện bằng đường nét 3 chấm xen kẽ nét đứt và mũi tên chỉ hướng phạm vi hành lang an toàn;

  • Ghi thông tin tại phần ghi chú: "Thửa đất thuộc hành lang bảo vệ an toàn công trình... (ghi tên của công trình có hành lang bảo vệ)"; hoặc ghi "Thửa đất có... m2 đất thuộc hành lang bảo vệ an toàn công trình..." đối với trường hợp một phần thửa đất thuộc hành lang bảo vệ an toàn công trình.

Như vậy, đất ở dưới đường điện cao thế vẫn có thể được cấp giấy chứng nhận, không phân biệt nằm trong hay nằm ngoài hành lang an toàn bảo vệ đường dây tải điện.

Để được cấp giấy chứng nhận, thửa đất cũng phải đảm bảo các điều kiện cấp sổ đỏ và không thuộc trường hợp có quyết định thu hồi hoặc thông báo thu hồi đất của cơ quan có thẩm quyền.

Trên đây là giải đáp về vấn đề đất ở dưới đường điện cao thế, nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ 19006199 để được hỗ trợ.

Nguyễn Văn Việt

Tham vấn bởi: Luật sư Nguyễn Văn Việt

Công ty Luật TNHH I&J - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Có thể bạn quan tâm

X