hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Bảy, 01/07/2023
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Đất ở sử dụng chung là gì? Ghi thế nào trên sổ đỏ?

Đất ở sử dụng chung là loại đất gì? Có những đặc điểm pháp lý nào? Ghi trên sổ đỏ đất ở sử dụng chung thế nào? Cùng chúng tôi tìm hiểu nhé.

 

Câu hỏi: Xin chào Luật sư, xin hỏi đất ở sử dụng chung được hiểu như thế nào theo quy định của pháp luật hiện hành?

Ghi thông tin trên sổ đỏ đất ở sử dụng chung như thế nào?

Chân thành cảm ơn đã hỗ trợ.

Chào bạn, đất ở sử dụng chung là đất gì, ghi thế nào trên sổ đỏ là câu hỏi được chúng tôi giải đáp như sau:

Đất ở sử dụng chung là đất gì?

Luật Đất đai 2013 chưa định nghĩa về đất ở sử dụng chung.

Căn cứ quy định của pháp luật về đất đai, suy ra, đất ở sử dụng chung là đất ở mà có nhiều người chung quyền sử dụng đất.

Hay đây là loại đất có hình thức sử dụng đất là sử dụng chung của nhiều người sử dụng đất.

Một số đặc điểm pháp lý của loại đất này như sau:

  • Về nguồn gốc sử dụng đất: Tương tự như các loại đất khác là được Nhà nước giao, cho thuê, được nhận chuyển nhượng, thừa kế,...;

  • Người sử dụng đất: Nhiều hơn 1 người, ví dụ như hộ gia đình, vợ chồng, nhóm bạn cùng làm việc, nhiều doanh nghiệp, các chủ sở hữu căn hộ chung cư cùng chung quyền sử dụng đất xây dựng tòa chung cư,...;

  • Khi thực hiện các quyền đối với thửa đất thì phải được sự đồng ý của tất cả những người có chung quyền sử dụng đối với thửa đất, trừ trường hợp giao dịch liên quan đến căn hộ chung cư;

  • Mỗi người có chung quyền sử dụng đều được cấp 1 giấy chứng nhận với nội dung giống hệt nhau, trừ trường hợp những người này thỏa thuận để 1 người đại diện đứng tên hoặc cấp cho 1 người;

  • Trường hợp sổ được cấp cho toàn bộ những người có chung quyền sử dụng đất thì khi thực hiện các giao dịch liên quan đến quyền sử dụng đất phải có đầy đủ những giấy chứng nhận đã được cấp;

Như vậy, đất ở sử dụng chung là đất ở có nhiều người chung quyền sử dụng.

Khác với hình thức sử dụng đất riêng, quyền định đoạt đối với thửa đất có chung quyền sử dụng của nhiều người phải được toàn bộ những người này đồng ý.

Đây được coi là đặc điểm phức tạp, có thể dẫn đến nhiều khó khăn cho người có quyền sử dụng đất.

Do vậy, trước khi tiến hành giao dịch liên quan đến loại đất này, các bên cần phải tìm hiểu kỹ các vấn đề pháp lý liên quan.

Đặc điểm pháp lý của đất ở sử dụng chungĐặc điểm pháp lý của đất ở sử dụng chung

Đất ở sử dụng chung thể hiện thế nào trên Sổ đỏ?

Ghi thông tin trên sổ đỏ đối với đất ở sử dụng chung được thực hiện theo quy định tại Thông tư 23/2014/TT-BTNMT.

Thông tin trên trang 3, trang 4 của giấy chứng nhận, tức phần “III. Sơ đồ thửa đất, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất” và “IV. Những thay đổi sau khi cấp giấy chứng nhận” được giữ nguyên so với những trường hợp khác.

Riêng tại trang 1, trang 2, có một số thông tin có sự khác biệt, cụ thể như sau:

Một là, tại trang 1 của giấy chứng nhận

Thông tin về người sử dụng đất, chủ sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất được ghi như sau:

  • Ghi thông tin của toàn bộ những người có chung quyền sử dụng đất theo quy định tại khoản 3 Điều 5 Thông tư 23/2014/TT-BTNMT;

  • Ví dụ, cá nhân thì có thông tin về họ tên, năm sinh, giấy tờ nhân thân (nếu có), địa chỉ thường trú; với tổ chức thì ghi tên tổ chức, tên giấy tờ, số và ngày ký, cơ quan ký giấy tờ pháp nhân…;

  • Nếu giấy chứng nhận chỉ cấp cho người đại diện thì ghi thông tin của người đại diện trên trang 1 theo quy định tại Điều 5 Thông tư 23/2014/TT-BTNMT, dòng tiếp theo ghi “Là người đại diện cho những người cùng sử dụng đất (hoặc cùng sở hữu tài sản gắn liền với đất hoặc cùng sử dụng đất và cùng sở hữu tài sản gắn liền với đất) gồm:... (ghi lần lượt tên của những người cùng sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất)”.

  • Trường hợp có nhiều người cùng sử dụng đất mà trang 1 không liệt kê được hết thì thông tin của những người này được ghi tại trang 2 của giấy chứng nhận tại phần Ghi chú, đồng thời, dòng cuối cùng của trang 1 sẽ ghi “và những người khác có tên tại điểm Ghi chú của Giấy chứng nhận này”;

Hai là, tại trang 2 của giấy chứng nhận

Thông tin được ghi nhận tại các mục: Thửa đất số, tờ bản đồ số, địa chỉ thửa đất, diện tích được ghi nhận như các trường hợp thông thường khác theo quy định tại Điều 6 Thông tư 23/2014/TT-BTNMT;

  • Mục “Hình thức sử dụng”:

    • Ghi “Sử dụng chung” nếu toàn bộ diện tích thuộc quyền sử dụng của nhiều người sử dụng đất;

    • Ghi “Sử dụng chung” hoặc “Sử dụng riêng” và mục đích sử dụng, diện tích sử dụng kèm theo nếu thửa đất ở có vườn, ao mà diện tích đất ở được công nhận nhỏ hơn diện tích cả thửa đất và có cả diện tích sử dụng chung, diện tích sử dụng riêng;

    • Mục mục đích sử dụng, thời hạn sử dụng đất, nguồn gốc sử dụng đất được ghi như các trường hợp thông thường khác;

  • Đối với các thông tin về nhà ở gắn liền với đất thì ngoại trừ thông tin về hình thức sở hữu, các mục khác ghi tương tự như các trường hợp khác;

  • Tại mục hình thức sở hữu, ghi “Sở hữu chung”, trừ trường hợp nhà ở là căn hộ chung cư thì tùy thuộc người sở hữu là cá nhân, vợ chồng hay hộ gia đình, trường hợp khác mà ghi “Sở hữu chung” hoặc “Sở hữu riêng”;

  • Tương tự, như đối với các tài sản gắn liền với đất khác (công trình xây dựng khác) hoặc đối với mục “Rừng sản xuất là rừng trồng”, “Cây lâu năm”, chỉ thông tin về hình thức sở hữu là có sự khác biệt so với các trường hợp thông thường;

Như vậy, đất ở sử dụng chung được ghi nhận trên giấy chứng nhận có sự khác biệt về thông tin người sử dụng, hình thức sử dụng tại trang 1, trang 2 giấy chứng nhận.

Thông qua giấy chứng nhận được cấp, có thể xác định được người có quyền đối với thửa đất, cũng là căn cứ để các bên có thể tiến hành các giao dịch theo đúng quy định pháp luật.

Trên đây là giải đáp thắc mắc về vấn đề đất ở sử dụng chung, nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ.

Nguyễn Đức Hùng

Tham vấn bởi: Luật sư Nguyễn Đức Hùng

Công ty TNHH luật TGS - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Có thể bạn quan tâm

X