hieuluat
Chia sẻ email

Di chúc để lại tài sản nhưng không được bán có được không?

Có được lập di chúc đất thừa kế không được bán hay không? Nếu được lập thì ghi điều khoản này ra sao trong di chúc? Thủ tục mua bán đất thừa kế ra sao? HieuLuat sẽ giải đáp cho bạn trong bài viết dưới đây.

 
Câu hỏi: Xin chào Luật sư, tôi có câu hỏi về thừa kế mong được giải đáp như sau:

Tôi muốn lập di chúc để lại tài sản là nhà đất cho các con của mình.

Tuy nhiên, tôi muốn ½ tài sản này các con của tôi không được phép bán mà chỉ được phép sử dụng.

Luật sư có thể cho tôi được biết tôi có lập được điều khoản như vậy không? Lập điều khoản này như thế nào?

Nếu các con tôi muốn bán ½ tài sản thừa kế còn lại thì việc mua bán được diễn ra ra sao thưa Luật sư?

Chào bạn, xoay quanh vấn đề di chúc đất thừa kế không được bán có được không, chúng tôi xin được giải đáp như sau:

Được lập di chúc đất thừa kế không được bán hay không?

Trước hết, lập di chúc là quyền của người có tài sản (Điều 609 Bộ luật Dân sự 2015).

Nếu tài sản để lại là đất đai thì phải đảm bảo các điều kiện được quy định tại Điều 188 Luật Đất đai 2013, như đất phải được cấp sổ đỏ, đất còn thời hạn sử dụng tại thời điểm lập di chúc, không có tranh chấp hoặc không bị kê biên để đảm bảo thi hành án.

Khi đã đảm bảo các điều kiện cơ bản để lập di chúc để lại tài sản là đất đai cho con, bạn có thể lựa chọn hình thức của di chúc như:

  • Di chúc được lập thành văn bản không có người làm chứng;

  • Di chúc được lập thành văn bản có người làm chứng;

  • Di chúc lập thành văn bản có công chứng;

  • Di chúc lập thành văn bản có chứng thực;

  • Trong trường hợp không thể lập di chúc bằng văn bản, bạn cũng có thể lập di chúc bằng hình thức di chúc miệng;

Bạn muốn lập di chúc để lại ½ diện tích nhà đất cho các con nhưng kèm điều kiện chỉ được sử dụng và không được bán, theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015, bạn có thể lựa chọn ghi nội dung điều khoản này trong di chúc là phần tài sản được sử dụng vào việc thờ cúng.

Cụ thể Điều 645 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về tài sản là di sản được sử dụng vào việc thờ cúng như sau:

Điều 645. Di sản dùng vào việc thờ cúng

1. Trường hợp người lập di chúc để lại một phần di sản dùng vào việc thờ cúng thì phần di sản đó không được chia thừa kế và được giao cho người đã được chỉ định trong di chúc quản lý để thực hiện việc thờ cúng; nếu người được chỉ định không thực hiện đúng di chúc hoặc không theo thỏa thuận của những người thừa kế thì những người thừa kế có quyền giao phần di sản dùng vào việc thờ cúng cho người khác quản lý để thờ cúng.

Trường hợp người để lại di sản không chỉ định người quản lý di sản thờ cúng thì những người thừa kế cử người quản lý di sản thờ cúng.

Trường hợp tất cả những người thừa kế theo di chúc đều đã chết thì phần di sản dùng để thờ cúng thuộc về người đang quản lý hợp pháp di sản đó trong số những người thuộc diện thừa kế theo pháp luật.

2. Trường hợp toàn bộ di sản của người chết không đủ để thanh toán nghĩa vụ tài sản của người đó thì không được dành một phần di sản dùng vào việc thờ cúng.

Từ căn cứ trên, có một số vấn đề cần lưu ý đối với việc lập di chúc có tài sản dùng vào việc thờ cúng như sau:

  • Bạn phải ghi rõ/mô tả rõ phần tài sản được sử dụng vào việc thờ cúng là tài sản nào, đặc điểm của chúng ra sao;

  • Trong di chúc cũng cần chỉ định người có trách nhiệm quản lý tài sản để dùng vào việc thờ cúng;

  • Nếu tài sản là di sản thừa kế không đủ để đảm bảo thực hiện các nghĩa vụ thì tài sản này không thể được lập di chúc với nội dung để lại làm di sản vào việc thờ cúng.

    • Các nghĩa vụ tài sản được quy định tại Điều 658 Bộ luật Dân sự 2015 gồm:

Điều 658. Thứ tự ưu tiên thanh toán

Các nghĩa vụ tài sản và các khoản chi phí liên quan đến thừa kế được thanh toán theo thứ tự sau đây:

1. Chi phí hợp lý theo tập quán cho việc mai táng.

2. Tiền cấp dưỡng còn thiếu.

3. Chi phí cho việc bảo quản di sản.

4. Tiền trợ cấp cho người sống nương nhờ.

5. Tiền công lao động.

6. Tiền bồi thường thiệt hại.

7. Thuế và các khoản phải nộp khác vào ngân sách nhà nước.

8. Các khoản nợ khác đối với cá nhân, pháp nhân.

9. Tiền phạt.

10. Các chi phí khác.

Vậy nên, pháp luật dân sự cho phép bạn được lập di chúc đất thừa kế không được bán. Nói cách khác, bạn được quyền lập di chúc để lại tài sản cho các con, trong đó có phần tài sản được sử dụng vào mục đích thờ cúng mà không được phép phân chia hoặc bán.

Nguyện vọng này của bạn phải được ghi nhận rõ trong di chúc, đồng thời bạn cũng cần chỉ định người quản lý tài sản được dùng vào việc thừa kế này của mình.

Tuy nhiên, nếu tài sản của bạn không đủ để chi trả cho các nghĩa vụ tài sản thì bạn không thể lập di chúc để lại một phần tài sản của mình dùng vào việc thờ cúng.

dat thua ke khong duoc ban

Thủ tục mua bán đất thừa kế như thế nào?

Theo nguyện vọng của bạn, ½ tài sản bạn để lại được sử dụng vào việc thờ cúng, ½ tài sản còn lại bạn muốn định đoạt cho các con của mình.

Trong trường hợp các con của bạn muốn chuyển nhượng tài sản này, thì thủ tục thực hiện như sau:

Bước 1: Nhận tài sản thừa kế theo di chúc

Những người được hưởng thừa kế theo di chúc và những người được hưởng thừa kế không phụ thuộc nội dung di chúc (cha mẹ, vợ chồng, con chưa thành niên hoặc con chưa thành niên mà không có khả năng lao động) là những người được hưởng tài sản này.

Những người này thực hiện thủ tục khai nhận di sản thừa kế theo quy định pháp luật tại tổ chức hành nghề công chứng hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất.

Hồ sơ người nhận thừa kế cần chuẩn bị để thực hiện khai nhận di sản gồm:

  • Di chúc (bản gốc);

  • Giấy tờ nhân thân, giấy tờ chứng minh nơi ở hợp pháp của các bên;

  • Giấy khai sinh/giấy tờ chứng minh quan hệ hôn nhân hoặc huyết thống với người để lại di chúc;

  • Giấy tờ chứng minh là con thành niên không có khả năng lao động;

Bước 2: Sang tên sổ đỏ

Sau khi đã thực hiện khai nhận di sản thừa kế, những người được hưởng thừa kế thực hiện thủ tục đăng ký biến động/sang tên theo quy định pháp luật.

Bước 3: Nhận kết quả

Những người nhận thừa kế nhận sổ đỏ đã được sang tên sau khi hoàn thành nghĩa vụ tài chính với Nhà nước (nếu có).

Bước 4: Ký hợp đồng chuyển nhượng đất đai được nhận thừa kế

Sau khi đã đăng ký biến động, sang tên sổ đỏ cho mình, những người nhận tài sản thừa kế theo di chúc được quyền chuyển nhượng đất đai theo pháp luật.

Việc chuyển nhượng đất đai phải được lập thành văn bản có công chứng, chứng thực

Kết luận: Phần diện tích ngoài đất thừa kế không được bán thì người thừa kế được quyền mua bán, chuyển nhượng sau khi đã thực hiện biến động, sang tên.

Trình tự, thủ tục sang tên sổ đỏ đất được nhận thừa kế theo di chúc được thực hiện theo các bước như chúng tôi đã nêu trên.

Trên đây là giải đáp thắc mắc về đất thừa kế không được bán, nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ  19006199 để được hỗ trợ.
Nguyễn Văn Việt

Tham vấn bởi: Luật sư Nguyễn Văn Việt

Công ty Luật TNHH I&J - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Có thể bạn quan tâm

X