hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Tư, 18/10/2023
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Đất xen kẹt là gì? Có làm sổ đỏ được không? [Mới nhất]

Hiện nay, nhiều hộ gia đình, cá nhân lựa chọn mua đất xen kẹt vì giá tương đối rẻ. Vậy đất xen kẹt là gì? Thủ tục cấp sổ đỏ cho đất xen kẹt thế nào? Cùng xem câu trả lời dưới đây.

Mục lục bài viết
  • Đất xen kẹt là gì? Có được cấp sổ đỏ không?
  • Hồ sơ, thủ tục xin cấp sổ đỏ cho đất xen kẹt
  • Đất xen kẹt có được xây nhà không?
  • Có nên mua đất xen kẹt không?
Câu hỏi: Tôi được người quen giới thiệu mua đất xen kẹt với giá thấp. Vậy cho tôi hỏi đất xen kẹt là gì? Có được cấp sổ đỏ và xây nhà không?

Đất xen kẹt là gì? Có được cấp sổ đỏ không?

Tuy Luật Đất đai 2013 không có quy định về đất xen kẹt nhưng trên thực tế, cụm từ này được sử dụng khá phổ biến tại các vùng đô thị. Có thể hiểu đất xen kẹt là đất nông nghiệp nằm trong khu dân cư, xen lẫn với đất ở hoặc đất còn dư sau quy hoạch.

Đất xen kẹt là gì?Đất xen kẹt là gì?

Đất xen kẹt thường có diện tích không lớn, chủ yếu là đất vườn, ao, đất trồng cây hàng năm khác hoặc đất nông nghiệp khác mà không sử dụng vào mục đích nông nghiệp.

Theo Điều 100, 101 Luật Đất đai 2013, Điều 20, 21, 22, 23, 24 Nghị định số 43/2013/NĐ-CP, đất xen kẹt được cấp giấy chứng nhận khi đáp ứng các điều kiện:

- Có các giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất tại Điều 100 Luật Đất đai 2013.

- Hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất không có các giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất theo quy định nhưng đã sử dụng ổn định từ trước ngày 01/7/2004.

- Không vi phạm pháp luật về đất đai và được UBND cấp xã xác nhận không có tranh chấp, phù hợp với quy hoạch đã được phê duyệt.

Hồ sơ, thủ tục xin cấp sổ đỏ cho đất xen kẹt

Hồ sơ, thủ tục xin cấp sổ đỏ cho đất xen kẹtHồ sơ, thủ tục xin cấp sổ đỏ cho đất xen kẹt

Bước 1: Hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất xen kẹt chuẩn bị hồ sơ

Theo khoản 1 Điều 8 Thông tư 24/2014/TT-BTNMT, người có yêu cầu xin cấp sổ đỏ cho đất xen kẹt chuẩn bị 01 bộ hồ sơ gồm có:

- Đơn đăng ký cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo mẫu số 04a/ĐK.

- Chứng từ, biên lai thực hiện nghĩa vụ tài chính, các giấy tờ về miễn giảm nghĩa vụ tài chính đất đai (nếu có).

- Một trong các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất nêu tại Điều 100 Luật Đất đai 2013, Điều 18 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP (nếu có).

- Giấy xác nhận của UBND cấp xã xác nhận hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất ổn định, không có tranh chấp, phù hợp với quy hoạch được phê duyệt.

Bước 2: Nộp hồ sơ

Người có yêu cầu nộp hồ sơ tại:

- UBND cấp xã nơi có đất; hoặc

- Bộ phận một cửa cấp huyện (đối với địa phương đã thành lập bộ phận một cửa); hoặc

- Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai cấp huyện hoặc Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện (đối với địa phương chưa thành lập Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai).

Bước 3: Tiếp nhận hồ sơ và xử lý

Cơ quan có thẩm quyền thực hiện các công việc theo trình tự để đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất cần lưu ý thực hiện nghĩa vụ tài chính khi nhận được thông báo của cơ quan có thẩm quyền. Đồng thời lưu lại biên lai, chứng từ để xuất trình khi nhận giấy chứng nhận.

Bước 4: Trả kết quả cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất

Cơ quan có thẩm quyền trả kết quả trong thời hạn không quá 30 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, không quá 40 ngày đối với các xã miền núi, hải đảo, vùng sâu vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn (không tính các ngày nghỉ, lễ, tết,... theo quy định).

Đất xen kẹt có được xây nhà không?

Theo khoản 1 Điều 6 Luật Đất đai 2013, đất phải được sử dụng đúng quy hoạch, kế hoạch và mục đích sử dụng đất. Do đó, nếu đất xen kẹt không phải là đất ở thì không được xây dựng nhà. Khi đó, nếu muốn xây nhà trên đất xen kẹt thì phải xin chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở. 

Sau khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang đất ở, hộ gia đình, cá nhân phải tiến hành xin giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ nếu thuộc khu vực đô thị. 

Có nên mua đất xen kẹt không?

Để xác định nên mua đất xen kẹt hay không, cần biết ưu và nhược điểm của đất xen kẹt, cụ thể:

Ưu điểm:

- Giá tương đối thấp so với mặt bằng chung các thửa đất bên cạnh và trong khu vực.

- Được hưởng các tiện ích, cơ sở hạ tầng sẵn có xung quanh đối với đất xen kẹt trong khu vực dân cư.

- Có thể chuyển mục đích sang đất ở để xây dựng nhà ở riêng lẻ và các công trình khác.

Nhược điểm:

- Diện tích thường nhỏ, hẹp và địa hình không thuận lợi.

- Phải nộp thuế, phí cao.

- Nếu không xác định được nguồn gốc thì rất dễ mua phải mảnh đất mà bán cho nhiều người cùng một lúc hoặc đất có quy hoạch dẫn đến không được bồi thường.

- Các trường hợp chưa có giấy chứng nhận thì chỉ có thể mua bán bằng giấy tay, không được công chứng, chứng thực dẫn đến giao dịch vô hiệu vì không tuân thủ về điều kiện hình thức của hợp đồng.

Như vậy, tùy vào nhu cầu và tài chính để quyết định có nên mua đất xen kẹt hay không. Tuy nhiên, loại đất này tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, do đó cần hết sức lưu ý để đảm bảo quyền lợi cho bản thân.

Trên đây là những thông tin về đất xen kẹt là gì. Nếu còn thắc mắc, hãy liên hệ đến hotline:  19006199 để được giải đáp.

Nguyễn Văn Tuấn

Tham vấn bởi: Luật sư Nguyễn Văn Tuấn

Công ty TNHH luật TGS - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Tin cùng chủ đề

Có thể bạn quan tâm

X