Đấu thầu qua mạng là một hình thức đấu thầu phổ biến hiện nay. Nhưng cụ thể đấu thầu qua mạng là gì, đấu thầu qua mạng như thế nào thì không phải ai cũng nắm được. Cùng tìm hiểu về vấn đề này trong bài viết dưới đây.
Đấu thầu qua mạng là gì?
Theo khoản 13 Điều 4 Luật Đấu thầu 2013, đấu thầu qua mạng là hình thức đấu thầu được thực hiện thông qua việc sử dụng tài khoản để đấu thầu trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.
Theo đó, đấu thầu qua mạng là sử dụng các máy tính có kết nối internet để mời thầu, tham dự thầu... trên website của Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.
Đấu thầu qua mạng là gì?
Với sự phát triển của công nghệ và internet, các nhà thầu có thể tận dụng những lợi thế sẵn có này để tham gia đấu thầu. Việc đấu thầu qua mạng đem đến nhiều lợi ích cho chủ mời thầu và nhà thầu, cụ thể là:
- Bên mời thầu có thể tìm được nhà thầu phù hợp với tiêu chuẩn của mình, giá cả hợp lý, chọn lọc kỹ càng.
- Nhà thầu có thể làm việc uy tín, gói thầu được đảm bảo và có tiềm năng mang lại lợi nhuận cao cho nhà thầu.
Đấu thầu qua mạng có mấy bước đăng ký chứng thư số?
Để đấu thầu qua mạng, nhà thầu cần đăng ký chứng thư số, bao gồm các bước như sau:
Bước 1: Truy cập vào trang website của Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia theo đường link: http://muasamcong.mpi.gov.vn
Bước 2: Thực hiện quy trình đăng ký tài khoản theo hướng dẫn của Bộ Kế hoạch - Đầu tư tại Trang thông tin điện tử về thủ tục đăng ký cho nhà thầu/chủ mời thầu.
Cụ thể, kê khai thông tin của đơn vị nhà thầu/chủ mời thầu, sau khi kê khai tiến hành in đơn đăng ký và lưu lại Mã cơ quan/số Đăng ký kinh doanh và mã phê duyệt đăng ký.
Bước 3: Kiểm tra trạng thái phê duyệt của hồ sơ đăng ký. Nếu chưa được phê duyệt, người đăng ký cần nộp bổ sung đầy đủ hồ sơ để đăng ký, còn nếu đã được phê duyệt thì nhà thầu/chủ mời thầu sẽ nhận được mã phê duyệt chứng thư số và số tham chiếu.
Bước 4: Nhận chứng thư số và lưu về máy tính của nhà thầu/chủ mời thầu (BMT/NT).
Bước 5: Đăng ký người tiến hành quản lý (lưu giữ) chứng thư số.
Lưu ý: Thời gian xử lý hồ sơ đăng ký chứng thư số đấu thầu tối đa là 2 ngày kể từ ngày tiếp nhận đầy đủ hồ sơ.
Đối với hồ sơ đầy đủ, hợp lệ thì đăng ký của nhà thầu/bên mời thầu sẽ được phê duyệt trên hệ thống. Nếu hồ sơ chưa được đăng ký hợp lệ thì hệ thống sẽ thông báo lý do, đồng thời hướng dẫn người đăng ký bổ sung và sửa đổi lại cho hợp lệ.
Đấu thầu qua mạng cần những gì? Có cần chứng chỉ?
Theo Điều 16 Luật Đấu thầu 2013, để đấu thầu qua mạng, điều kiện bắt buộc phải có là chứng chỉ đào tạo về đấu thầu hoặc chứng chỉ hành nghề đấu thầu và các điều kiện liên quan.
- Đối với cá nhân khi tham gia vào hoạt động đấu thầu: Phải có chứng chỉ đào tạo về đấu thầu; phải có trình độ, năng lực, chuyên môn và có kinh nghiệm, ngoại ngữ phù hợp với yêu cầu của gói thầu/dự án, trừ trường hợp cá nhân đó thuộc nhà thầu, nhà đầu tư.
- Đối với cá nhân tham gia trực tiếp vào hoạt động tạo lập hồ sơ mời quan tâm, mời sơ tuyển, mời thầu; các hồ sơ yêu cầu; đánh giá hồ sơ quan tâm, dự sơ tuyển, dự thầu, hồ sơ đề xuất thuộc các tổ chức đấu thầu chuyên nghiệp thì các doanh nghiệp, các đơn vị hoạt động tư vấn đấu thầu và các ban quản lý dự án chuyên nghiệp được yêu cầu phải có chứng chỉ hành nghề hoạt động đấu thầu.
Hướng dẫn đấu thầu qua mạng mới nhất
Dưới đây là các hướng dẫn để bạn đọc tiến hành đấu thầu qua mạng một cách chi tiết:
Hướng dẫn đấu thầu qua mạng mới nhất
Bước 1: Cài đặt phần mềm, chuẩn bị hồ sơ năng lực
- Nhà thầu cần tiến hành cài đặt phần mềm và đăng ký tài khoản để sử dụng Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.
- Tiếp đến, thực hiện kê khai hồ sơ năng lực về các nội dung như thông tin doanh nghiệp, năng lực tài chính, các hợp đồng đã/đang thực hiện,... Sau khi điền hồ sơ, nhà thầu có thay đổi thông tin thì có thể cập nhật thường xuyên hồ sơ năng lực của mình.
Bước 2: Tìm kiếm thông tin gói thầu
Có 02 cách tìm kiếm thông tin gói thầu phù hợp với mục tiêu, định hướng và nhu cầu của nhà thầu:
- Cách 1: Tìm trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia
- Cách 2: Tìm trên Phần mềm DauThau.info
Bước 3: Tham gia đấu thầu
Sau khi đã chọn gói thầu phù hợp với mục tiêu và nhu cầu của mình, nhà thầu tiến hành nộp hồ sơ dự thầu.
Các tài liệu trong hồ sơ dự thầu gồm:
- Bảo lãnh dự thầu
- Báo cáo tài chính năm 1, 2, 3,...
- Hợp đồng tương tự 1, 2, 3,...
- Các tài liệu chứng minh về nhân sự, thiết bị,...
- Các tài liệu khác theo yêu cầu của Hồ sơ mời thầu
- Cam kết của nhà thầu
- Đề xuất về kỹ thuật
Bước 4: Trả lời yêu cầu làm rõ hồ sơ dự thầu, gia hạn hiệu lực hồ sơ dự thầu
Khi có yêu cầu từ chủ mời thầu cần trả lời, nhà thầu phải giải đáp những thắc mắc mà bên mời thầu đặt ra.
Ngoài ra, nếu chủ mời thầu yêu cầu gia hạn hiệu lực hồ sơ dự thầu, nhà thầu có quyền trả lời, gia hạn hồ sơ và đính kèm thư bảo lãnh dự thầu gia hạn qua hệ thống.
Bước 5: Nhận kết quả lựa chọn nhà thầu.
Trên đây là nội dung liên quan đến đấu thầu qua mạng là gì? Hướng dẫn đấu thầu qua mạng. Nếu có thắc mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ tổng đài 19006192 để được hỗ trợ nhanh chóng nhất.