hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Sáu, 12/01/2024
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Đấu thầu rộng rãi và đấu thầu hạn chế có điểm gì khác nhau?

Đấu thầu rộng rãi và đấu thầu hạn chế là hai trong số những hình thức lựa chọn nhà thầu theo quy định của Luật Đấu thầu 2023. Vậy đấu thầu rộng rãi và đấu thầu hạn chế có điểm gì khác nhau? Nội dung này được chúng tôi chia sẻ qua bài viết dưới đây.

Câu hỏi: Tôi đang tìm hiểu về các hình thức lựa chọn nhà thầu. Không rõ theo quy định hiện nay thì đấu thầu rộng rãi và đấu thầu hạn chế có điểm gì khác nhau?

Đấu thầu rộng rãi là gì? Đấu thầu hạn chế là gì?

Đấu thầu rộng rãi là gì?

Đấu thầu là quá trình lựa chọn nhà thầu nhằm mục đích ký kết, tiến hành thực hiện hợp đồng về việc cung cấp dịch vụ, mua sắm hàng hóa, xây lắp,... trên cơ sở đảm bảo tính công bằng, minh bạch, cạnh trang và mang lại hiệu quả kinh tế, trách nhiệm giải trình.

Theo Điều 20 Luật Đấu thầu 2023 thì đấu thầu rộng rãi và hạn chế là hai trong số các hình thức lựa chọn nhà thầu. Bên cạnh đó còn có các hình thức chỉ định thầu, mua sắm trực tiếp, hình thức chào hàng cạnh tranh, tự thực hiện, đàm phán giá, tham gia thực hiện của cộng đồng; và lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt.

Về cách hiểu đối với hai hình thức đầu thầu này, Luật Đấu thầu 2023 có quy định cụ thể như sau:

* Đấu thầu rộng rãi: Điều 21 Luật Đấu thầu năm 2023

Đấu thầu rộng rãi là hình thức lựa chọn nhà thầu mà theo đó, số lượng nhà thầu tham dự không bị hạn chế.

Tất cả các gói thầu đều có thể áp dụng đấu thầu rộng rãi, trừ các trường hợp áp dụng các hình thức lựa chọn nhà thầu nêu dưới đây:

- Gói thầu áp dụng hình thức đấu thầu hạn chế gồm:

  • Gói thầu có yêu cầu cao về kỹ thuật hoặc yêu cầu cao về kỹ thuật có tính đặc thù mà chỉ có một số nhà thầu mới đáp ứng yêu cầu của gói thầu này;

  • Nhà tài trợ vốn cho dự án, tài trợ vốn cho gói thầu có yêu cầu áp dụng hình thức đấu thầu hạn chế trong điều ước quốc tế, thỏa thuận vay nước ngoài.

- Gói thầu áp dụng hình thức đàm phán giá, gồm có:

  • Gói thầu mua biệt dược có gốc sinh phẩm tham chiếu;

  • Gói thầu mua thuốc, mua thiết bị y tế và vật tư xét nghiệm chỉ có 01 hoặc 02 hãng sản xuất.

- Gói thầu áp dụng hình thức Lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt;

- Gói thầu áp dụng hình thức chỉ định thầu, ví dụ như:

  • Gói thầu có tính chất cấp bách cần được triển khai nhằm mục tiêu bảo vệ chủ quyền, bảo vệ an ninh quốc gia; 

  • Gói thầu cần thực hiện nhằm mục đích khắc phục ngay hoặc xử lý kịp thời hậu quả do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố, thảm họa hay sự kiện bất khả kháng khác gây ra;

  • Gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, gói thầu cung cấp hàng hóa, xây lắp cần được triển khai ngay với mục đích tránh gây nguy hại đến tính mạng và tài sản của cộng đồng dân cư;

  • Gói thầu cần thực hiện với mục đích bảo vệ bí mật của nhà nước ta;

  • ….

- Các gói thầu áp dụng hình thức chào hàng cạnh tranh như các gói thầu dịch vụ phi tư vấn có tính chất thông dụng và đơn giản, gói xây lắp công trình đơn giản mà trong đó đã có thiết kế bản vẽ thi công được phê duyệt;

- Gói thầu áp dụng hình thức mua sắm trực tiếp theo quy định tại Điều 25 của Luật Đấu thầu năm 2023;

- Gói thầu áp dụng hình thức tự thực hiện theo nội dung Điều 25 của Luật Đấu thầu năm 2023;

- Gói thầu áp dụng hình thức tham gia thực hiện của cộng đồng: Cộng đồng dân cư, tổ hay nhóm thợ tại địa phương nơi có gói thầu mà đáp ứng đủ năng lực theo yêu cầu thì được giao thực hiện toàn bộ hoặc thực hiện một phần gói thầu thuộc chương trình mục tiêu quốc gia/ đầu tư công mà Nhà nước và Nhân dân cùng làm; yêu cầu giá gói thầu này không vượt quá 05 tỷ VNĐ.

* Đấu thầu hạn chế: Điều 22 Luật Đấu thầu 2023

Đây là hình thức lựa chọn nhà thầu mà trong đó chỉ có một số nhà thầu đáp ứng yêu cầu của gói thầu được mời tham dự thầu, áp dụng trong các trường hợp sau đây:

- Gói thầu có yêu cầu cao về kỹ thuật hoặc kỹ thuật có tính đặc thù mà chỉ có một số nhà thầu đáp ứng yêu cầu này;

- Nhà tài trợ vốn cho dự án, gói thầu có yêu cầu đấu thầu hạn chế trong điều ước quốc tế, thỏa thuận vay nước ngoài.

Đấu thầu rộng rãi và đấu thầu hạn chế có điểm gì khác nhau?

Đấu thầu rộng rãi và đấu thầu hạn chế có điểm gì khác nhau?

Đấu thầu rộng rãi và đấu thầu hạn chế khác nhau ở một số tiêu chí sau đây:

- Căn cứ pháp lý:

  • Đấu thầu rộng rãi: Điều 21 Luật Đấu thầu năm 2023.

  • Đấu thầu hạn chế: Điều 22 Luật Đấu thầu năm 2023.

- Số lượng nhà thầu tham gia:

  • Đấu thầu rộng rãi: Không hạn chế số lượng.

  • Đấu thầu hạn chế: Hạn chế số lượng.

- Các trường hợp được áp dụng:

  • Đấu thầu rộng rãi: Hầu hết các gói thầu, trừ trường hợp đã áp dụng hình thức đấu thầu khác.

  • Đấu thầu hạn chế: Giới hạn những gói thầu có yêu cầu cao về kỹ thuật, những gói thầu mà nhà tài trợ yêu cầu đấu thầu hạn chế.

Chi tiết về các trường hợp đã được nêu ở mục đầu của bài viết.

- Ưu điểm của mỗi hình thức đấu thầu:

  • Đấu thầu rộng rãi: Phạm vi rộng, có tính cạnh tranh cao vì nhiều nhà thầu tham dự.

  • Đấu thầu hạn chế: Bên mở thầu sẽ tiết kiệm được thời gian và chi phí.

- Nhược điểm của mỗi hình thức đấu thầu:

  • Đấu thầu rộng rãi: Khó khăn trong công tác quản lý hồ sơ, chi phí và thời gian tổ chức kéo dài.

  • Đấu thầu hạn chế: Không tạo ra môi trường cạnh tranh cho các bên dự thầu. Một số trường hợp sẽ gặp khó khăn trong việc lựa chọn nhà thầu vì ít nhà thầu tham dự.

Đây là một số điểm có thể so sánh giữa đấu thầu rộng rãi và đấu thầu hạn chế. Bạn đọc có thể tìm hiểu và bổ sung thêm để phân biệt cụ thể hơn hai hình thức lựa chọn nhà thầu này.

Trên đây là nội dung phân biệt về đấu thầu rộng rãi và đấu thầu hạn chế. Nếu còn thắc mắc nào liên quan đến vấn đề này hoặc các vấn đề khác trong lĩnh vực đấu thầu, các bạn vui lòng liên hệ tổng đài:  19006199 để được tư vấn, giải đáp.
Nguyễn Văn Tuấn

Tham vấn bởi: Luật sư Nguyễn Văn Tuấn

Công ty TNHH luật TGS - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Có thể bạn quan tâm

X