Chi phí đầu tư vào đất là những khoản tiền được chi để nhằm mục đích cải tạo, san lấp mặt bằng, thau chua rửa mặn…nhằm mục đích nâng độ phì nhiêu, làm gia tăng giá trị sử dụng của thửa đất. Nhà nước đền bù chi phí đầu tư vào đất còn lại khi người sử dụng đất bị thu hồi đất mà chưa kịp thu hồi những chi phí đã đầu tư. Vậy mức bồi thường chi phí đầu tư vào đất còn lại khi thu hồi đất là bao nhiêu? Và việc chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ tái định cư được tiến hành thế nào?
Câu hỏi: Chào Luật sư, tôi có thửa đất nông nghiệp bị Nhà nước thu hồi. Theo thông tin tôi nhận được thì tôi chỉ được Nhà nước đền bù cho khoản chi phí đầu tư vào đất còn lại. Vậy Luật sư cho tôi hỏi, mức bồi thường chi phí đầu tư vào đất còn lại được tính thế nào? Việc chi trả tiền bồi thường được thực hiện như thế nào?
Chào bạn, với những thắc mắc của bạn về việc đền bù, bồi thường chi phí đầu tư vào đất còn lại, chúng tôi xin được giải đáp cho bạn như sau:
Mức bồi thường chi phí đầu tư vào đất còn lại là bao nhiêu?
- Trước hết, người sử dụng đất là hộ gia đình, cá nhân được nhận đền bù bồi thường chi phí đầu tư vào đất còn lại khi bị thu hồi đất nông nghiệp được thực hiện theo Điều 77 Luật Đất đai 2013 như sau:
1. Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất nông nghiệp khi Nhà nước thu hồi đất thì được bồi thường về đất, chi phí đầu tư vào đất còn lại theo quy định sau đây:
a) Diện tích đất nông nghiệp được bồi thường bao gồm diện tích trong hạn mức theo quy định tại Điều 129, Điều 130 của Luật này và diện tích đất do được nhận thừa kế;
b) Đối với diện tích đất nông nghiệp vượt hạn mức quy định tại Điều 129 của Luật này thì không được bồi thường về đất nhưng được bồi thường chi phí đầu tư vào đất còn lại;
c) Đối với diện tích đất nông nghiệp do nhận chuyển quyền sử dụng đất vượt hạn mức trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành thì việc bồi thường, hỗ trợ được thực hiện theo quy định của Chính phủ.
2. Đối với đất nông nghiệp đã sử dụng trước ngày 01 tháng 7 năm 2004 mà người sử dụng đất là hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhưng không có Giấy chứng nhận hoặc không đủ điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của Luật này thì được bồi thường đối với diện tích đất thực tế đang sử dụng, diện tích được bồi thường không vượt quá hạn mức giao đất nông nghiệp quy định tại Điều 129 của Luật này.
=> Từ căn cứ này, có thể nhận thấy, thửa đất nông nghiệp của bạn được đền bù, bồi thường về đất kể cả trong trường hợp chưa được cấp Giấy chứng nhận (khi đáp ứng điều kiện tại khoản 2 Điều 77 Luật Đất đai 2013).
- Các chi phí đầu tư vào đất còn lại được nhận tiền đền bù, bồi thường theo quy định tại Điều 3 Nghị định 47/2014/NĐ-CP gồm:
+ Chi phí san lấp mặt bằng thửa đất;
+ Chi phí cải tạo làm tăng độ màu mỡ của đất, thau chua rửa mặn, chống xói mòn, xâm thực đối với thửa đất nông nghiệp của bạn;
+ Chi phí khác có liên quan đã đầu tư vào đất phù hợp với mục đích sử dụng đất nông nghiệp của bạn;
Lưu ý: Để được đền bù, bồi thường chi phí đầu tư vào đất còn lại thì bạn phải có hồ sơ, chứng từ chứng minh những khoản đã đầu tư vào đất và nguồn kinh phí này không phải từ ngân sách Nhà nước. Nếu những chi phí đầu tư vào đất còn lại của bạn không có hồ sơ, chứng từ chứng minh thì việc chi trả đền bù được thực hiện theo Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có đất bị thu hồi.
Công thức tính chi phí đầu tư vào đất còn lại để tính tiền bồi thường đối với đất nông nghiệp như sau:
P = [(P1 + P2 + P3)/T1] T2
Trong đó:
+ Chi phí đầu tư vào đất còn lại (P) phải được tính phù hợp với giá thị trường tại thời điểm có quyết định thu hồi đất;
+ P1: Chi phí san lấp mặt bằng;
+ P2: Chi phí cải tạo làm tăng độ màu mỡ của đất, thau chua rửa mặn, chống xói mòn, xâm thực đối với đất sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp;
+ P3: Chi phí khác có liên quan đã đầu tư vào đất phù hợp với mục đích sử dụng đất;
+ T1: Thời hạn sử dụng đất;
+ T2: Thời hạn sử dụng đất còn lại.
Như vậy, chi phí đầu tư vào đất còn lại là khoản chi phí mà bạn được Nhà nước đền bù, bồi thường khi có các chứng từ, tài liệu chứng minh theo công thức được pháp luật quy định như chúng tôi đã nêu trên. Trong trường hợp bạn không có giấy tờ, tài liệu chứng minh thì tiền nhận đền bù bồi thường được tính theo Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có đất.
Chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ tái định cư như thế nào?
Điều 93 Luật Đất đai 2013 quy định về việc chi trả, hỗ trợ tiền bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất như sau:
Một là, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thực hiện chi trả tiền bồi thường cho người sử dụng đất trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày quyết định thu hồi;
Trong trường hợp cơ quan, tổ chức có trách nhiệm bồi thường chậm chi trả thì người có đất thu hồi còn được thanh toán thêm một khoản tiền bằng mức tiền chậm nộp theo quy định của Luật quản lý thuế tính trên số tiền chậm trả và thời gian chậm trả của cơ quan Nhà nước;
Hai là, nếu bạn không nhận tiền bồi thường, hỗ trợ theo phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì số tiền bồi thường, hỗ trợ được gửi vào tài khoản tạm giữ của Kho bạc nhà nước.
Ba là, nếu khi bạn bị thu hồi đất mà chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai đối với Nhà nước theo quy định thì số tiền được nhận bồi thường bạn được nhận là số tiền sau khi đã trừ đi khoản tiền chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính để hoàn trả ngân sách Nhà nước.
Như vậy, việc chi trả tiền đền bù, bồi thường được thực hiện trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày có quyết định thu hồi của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Nếu quá thời hạn này mà bạn vẫn chưa nhận được tiền bồi thường thì bạn liên hệ ngay tới Ủy ban nhân dân cấp xã/Ủy ban nhân dân cấp huyện để được giải đáp cụ thể.
Trên đây là giải đáp thắc mắc về đền bù chi phí đầu tư vào đất, nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ.