hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Hai, 05/06/2023
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Đến ở nơi khác cùng thành phố có phải đăng ký tạm trú không?

Hiện nay, quy định về đăng ký cư trú đã có nhiều thay đổi so với trước đây. Người dân nếu không nắm chắc các quy định về cư trú sẽ rất dễ bị vi phạm. Vậy, trường hợp đến ở nơi khác trong cùng thành phố có phải đăng ký tạm trú và khai báo tạm vắng không?

Mục lục bài viết
  • Đến ở nơi khác trong cùng địa bàn thành phố có cần đăng ký tạm trú?
  • Có cần khai báo tạm vắng khi đến sinh sống ở nơi khác?
  • Đăng ký thường trú ở 2 nơi được không? Liệu có bị xử phạt?
Câu hỏi: Tôi còn nhà ở nơi đăng ký thường trú, sau đó tôi có mua thêm nhà (đứng tên Sổ đỏ) trong cùng địa bàn thành phố. Nếu tôi đến đó ở tạm thời có phải đăng ký tạm trú không? Và có phải khai báo tạm vắng không? Xin hỏi thêm, nếu tôi đăng ký thường trú ở nhà thứ 2 thì có bị phạt không? Mong trả lời của bạn! Xin cảm ơn.

Trong bài viết này, chúng tôi sẽ giải đáp các vấn đề còn vướng mắc của bạn theo từng mục riêng.

Đến ở nơi khác cùng thành phố có phải đăng ký tạm trú?

Tại khoản 1 Điều 27 Luật Cư trú 2020 quy định về điều kiện đăng ký tạm trú cụ thể như sau:

1. Công dân đến sinh sống tại chỗ ở hợp pháp ngoài phạm vi đơn vị hành chính cấp xã nơi đã đăng ký thường trú để lao động, học tập hoặc vì mục đích khác từ 30 ngày trở lên thì phải thực hiện đăng ký tạm trú.

Mặt khác, khoản 6 Điều 30 Luật Cư trú 2020 quy định về lưu trú:

“…là việc công dân ở lại một địa điểm không phải nơi thường trú hoặc nơi tạm trú trong thời gian ít hơn 30 ngày”.

Theo các quy định trên thì:

- Nếu sinh sống tại chỗ ở hợp pháp ngoài đơn vị hành chính cấp xã nơi thường trú từ 30 ngày trở lên: Phải đăng ký tạm trú;

- Nếu ở lại trong thời gian dưới 30 ngày: Phải thông báo lưu trú.

Riêng trường hợp phải đăng ký tạm trú, khoản 1 Điều 27 cũng nêu rõ áp dụng với trường hợp công dân đến sinh sống tại chỗ ở hợp pháp ngoài phạm vi đơn vị hành chính cấp xã với nơi thường trú.

Ví dụ, bạn có hộ khẩu ở phố Duy Tân thuộc phường Dịch Vọng Hậu, Hà Nội. Sau đó nếu bạn chuyển đến sinh sống ở nơi khác trên 30 ngày, không thuộc phường Dịch Vọng Hậu nhưng vẫn trong địa bàn Thành phố Hà Nội thì bạn vẫn phải đăng ký tạm trú.

Nếu bạn chuyển đến ở đường Trần Quốc Vượng, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy thì không cần phải đăng ký tạm trú.

Tóm lại, sẽ có 02 trường hợp bạn không cần đăng ký tạm trú là:

- Đến nơi khác sinh sống mà nơi đó trong phạm vi đơn vị hành chính cấp xã với nơi đăng ký thường trú;

- Trường hợp đến nơi khác sinh sống dưới 30 ngày.

Mặc dù không phải đăng ký tạm trú khi chuyển đến ở địa bàn cùng thành phố nhưng bạn phải đến Công an cấp xã để yêu cầu họ cập nhật thông tin về nơi ở hiện tại trong Cơ sở dữ liệu về cư trú nếu chỗ ở đó không đủ điều kiện đăng ký thường trú (theo khoản 3 Điều 6 Thông tư 55/2021).

đến ở nơi khác cùng thành phố có phải đăng ký tạm trú hay không

Trường hợp nào người dân không phải đăng ký tạm trú? (Ảnh minh họa)


Có cần khai báo tạm vắng khi đến sinh sống ở nơi khác?

Về vấn đề này, điểm d, khoản 1 Điều 31 Luật Cứ trú 2020 có nêu:

d) Đi khỏi phạm vi đơn vị hành chính cấp xã nơi thường trú từ 12 tháng liên tục trở lên đối với người không thuộc trường hợp quy định tại các điểm a, b và c khoản này, trừ trường hợp đã đăng ký tạm trú tại nơi ở mới hoặc đã xuất cảnh ra nước ngoài.

Như vậy, trường hợp bạn đi khỏi đơn vị hành chính cấp xã nơi có hộ khẩu từ 12 tháng liên tục trở lên mà chưa đăng ký tạm trú ở nơi mới hoặc chưa xuất cảnh ra nước ngoài thì phải làm thủ tục khai báo tạm vắng.

Đăng ký thường trú ở 2 nơi được không? Liệu có bị xử phạt?

Điều 3 Luật Cư trú 2020 đã quy định về nguyên tắc cư trú và quản lý cư trú, trong đó nêu rõ:

4. Thông tin về cư trú phải được cập nhật vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú theo quy định của pháp luật; tại một thời điểm, mỗi công dân chỉ có một nơi thường trú và có thể có thêm một nơi tạm trú.

Theo đó, mỗi công dân chỉ có một nơi thường trú và có thể có thêm một nơi tạm trú tại cùng một thời điểm. Bởi vậy, bạn không thể cùng lúc đăng ký thường trú ở hai nơi. Trường hợp vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật.

Cụ thể, theo khoản 1 Điều 9 Nghị định 144/2021, từ năm 2022, công dân Không thực hiện đúng quy định về đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú, xóa đăng ký thường trú, xóa đăng ký tạm trú, tách hộ hoặc điều chỉnh thông tin về cư trú trong Cơ sở dữ liệu về cư trú sẽ bị xử phạt tiền từ 500.000 đồng đến 01 triệu đồng.

Trước đây, mức phạt hành vi vi phạm này chỉ từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng (theo Nghị định 167/2013).

Trên đây là giải đáp về các trường hợp đến ở nơi khác cùng thành phố có phải đăng ký tạm trú. Nếu còn thắc mắc, hãy để lại câu hỏi để chúng tôi hỗ trợ bạn hoặc gọi đến hotline  19006192 để được tư vấn.

Nguyễn Văn Tuấn

Tham vấn bởi: Luật sư Nguyễn Văn Tuấn

Công ty TNHH luật TGS - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Có thể bạn quan tâm

X