hieuluat
Chia sẻ email
Chủ Nhật, 15/05/2022
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Di chúc tài sản cho người chưa thành niên được không? Ai quản lý tài sản?

Người chưa thành niên có được hưởng thừa kế không? Quy định của pháp luật như thế nào về vấn đề chia di sản thừa kế cho người chưa thành niên…

Chia di sản thừa kế khi người thừa kế chưa đủ 18 tuổi, được không?

Câu hỏi: Tôi muốn hỏi vấn đề như sau. Nếu một người để lại di chúc cho các con, trong đó có người đã thành niên và chưa thành niên thì phần di sản được chia có khác nhau giữa hai đối tượng này hay không? Nếu di chúc cho người chưa thành niên thì ai sẽ là người quản lý di sản?

Chào bạn, vấn đề của bạn HieuLuat xin thông tin đến bạn như sau:

Khoản 1 Điều 21 Bộ luật Dân sự 2015 quy định người chưa đủ 18 tuổi là người chưa thành niên, chưa có năng lực hành vi dân sự đầy đủ.

Năng lực hành vi dân sự của cá nhân theo Điều 19 Bộ luật này là khả năng của cá nhân bằng hành vi của mình xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự.

Trên thực tế thì thỏa thuận phân chia di sản thừa kế thực chất là một giao dịch dân sự của nhiều chủ thể nên phải tuân thủ các quy định về giao dịch dân sự.

Vì người chưa thành niên chưa có năng lực hành vi dân sự đầy đủ nên khi giao dịch dân sự phải tuân theo các quy định tại Điều 21 Bộ luật Dân sự 2015:

- Giao dịch dân sự của người chưa đủ 6 tuổi do người đại diện theo pháp luật của người đó xác lập, thực hiện.

- Người từ đủ 6 tuổi đến chưa đủ 15 tuổi khi xác lập, thực hiện giao dịch dân sự phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý, trừ giao dịch dân sự phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi.

- Người từ đủ mười 15 tuổi đến chưa đủ 18 tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự, trừ giao dịch dân sự liên quan đến bất động sản, động sản phải đăng ký và giao dịch dân sự khác theo quy định của luật phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý.

Như vậy trường hợp người chết có con chưa thành niên và để lại di chúc cho con thì người con đó sẽ được hưởng di sản theo di chúc.

Nếu người có tài sản không để lại di chúc thì con dưới 18 tuổi vẫn được hưởng di sản mà không phụ thuộc vào nội dung của di chúc theo quy định tại Điều 644 và được hưởng phần di sản bằng 2/3 suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn 2/3 đó.

Mặt khác, con chưa thành niên để được hưởng di sản không phụ thuộc nội dung di chúc phải là người:

- Không từ chối nhận di sản (theo Điều 620 Bộ luật Dân sự)

- Hoặc không thuộc đối tượng không có quyền hưởng di sản tại (khoản 1 Điều 621 Bộ luật Dân sự)

Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015 cũng quy định nguyên tắc chia di sản thừa kế theo pháp luật thì con chưa thành niên thuộc hàng thừa kế thứ nhất. Có nghĩa là ngang hàng với vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người để di sản.

Những người thừa kế được hưởng thừa kế theo pháp luật cùng một hàng được hưởng phần di sản bằng nhau khi phân chia di sản thừa kế của người đã mất.

Theo quy định trên thì người chưa thành niên không thể tự mình xác lập thực hiện việc phân chia di sản với những đồng thừa kế khác mà phải thực hiện thông qua người đại diện theo pháp luật.

Như vậy, người thành niên hay chưa thành niên đều bình đằng trong việc hưởng phần di sản thừa kế.

di chuc cho nguoi chua thanh nien

Di chúc cho người chưa thành niên, ai quản lý di sản?

Theo Điều 75 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 thì con có quyền có tài sản riêng.

Tài sản riêng đó gồm:

- Tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng

- Thu nhập do lao động của con, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng của con

- Thu nhập hợp pháp khác

- Tài sản được hình thành từ tài sản riêng của con cũng là tài sản riêng của con.

Như vậy, tài san được thừa kế riêng đó là tài sản riêng của con.

việc quản lý tài sản riêng của con được quy định tại Điều 76 Luật này thì con từ đủ 15 tuổi trở lên có thể tự mình quản lý tài sản riêng hoặc nhờ cha mẹ quản lý.

Đối với tài sản riêng của con dưới 15 tuổi, con mất năng lực hành vi dân sự do cha mẹ quản lý. Bên cạnh đó, cha mẹ có thể ủy quyền cho người khác quản lý tài sản riêng của con. Tài sản riêng sẽ được giao lại cho con khi con từ đủ 15 tuổi trở lên hoặc khi con khôi phục năng lực hành vi dân sự đầy đủ, trừ trường hợp cha mẹ và con có thỏa thuận khác.

Ngoài ra, cha mẹ không quản lý tài sản riêng của con nếu con đang được người khác giám hộ hoặc người tặng cho tài sản/để lại tài sản thừa kế theo di chúc cho người con đã chỉ định người khác quản lý tài sản đó…

Trường hợp cha mẹ đang quản lý tài sản riêng của con chưa thành niên hoặc con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự và con được giao cho người khác giám hộ thì tài sản riêng của con được giao lại cho người giám hộ quản lý.

Về định đoạt tài sản riêng của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự theo Điều 77 như sau:

- Nếu cha mẹ hoặc người giám hộ quản lý tài sản riêng của con dưới 15 tuổi thì có quyền định đoạt tài sản đó vì lợi ích của con, tuy nhiên khi con từ đủ 9 tuổi trở lên thì việc định đoạt tài sản phải xem xét nguyện vọng của con.

- Nếu con từ đủ 15 tuổi - dưới 18 tuổi có quyền định đoạt tài sản riêng, trừ khi tài sản là bất động sản, động sản có đăng ký quyền sở hữu,… thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của cha mẹ hoặc người giám hộ.

- Nếu con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự thì việc định đoạt tài sản riêng của con do người giám hộ thực hiện.

HieuLuat vừa thông tin về vấn đề di chúc cho người chưa thành niên, nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ  19006199 để được hỗ trợ.

>> Lập di chúc không chia tài sản cho con có được không?

Tin cùng chủ đề

Có thể bạn quan tâm

X