hieuluat
Chia sẻ email

Di chúc có điều kiện không được chuyển nhượng có hợp pháp không?

Pháp luật hiện hành cho phép và tôn trọng ý nguyện về di sản của người để lại di sản sau khi họ qua đời. Tuy nhiên, nhiều bản di chúc ngoài việc phân chia di sản còn có điều kiện không được chuyển nhượng.

Câu hỏi: Bố chồng tôi trước khi qua đời có viết di chúc giao căn nhà đang ở cho chúng tôi nhưng yêu cầu không được bán mà để cho các em gái chồng ở xa đi về và thờ cúng bố mẹ. Tôi muốn hỏi, phần nội dung này có hợp pháp hay không?

Điều kiện có hiệu lực của di chúc là gì?

Hiện nay, pháp luật đã quy định rõ các điều kiện có hiệu lực của di chúc. Cụ thể, theo khoản 1 Điều 630 Bộ luật Dân sự 2015, di chúc hợp pháp phải có đủ các điều kiện sau:

- Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép;

- Nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của luật;

- Người bị hạn chế về thể chất hoặc không biết chữ thì phải được người làm chứng lập thành văn bản và có công chứng hoặc chứng thực.

- Nếu di chúc có người làm chứng thì người làm chứng không được là Người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của người lập di chúc; Người có quyền, nghĩa vụ tài sản liên quan tới nội dung di chúc; Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.

di chuc co dieu kien khong duoc chuyen nhuong

Di chúc có điều kiện không được chuyển nhượng có hợp pháp không?

Theo trình bày của bạn, di chúc bố chồng bạn để lại có cho chồng bạn nhà đất với điều kiện được ở nhưng không được bán, chỉ cần đáp ứng được các điều kiện trên vẫn có hiệu lực pháp luật

Tuy nhiên, điều kiện đó có thực hiện được trên thực tế không thì còn phụ thuộc vào nội dung di chúc:

- Nếu bố chồng bạn yêu cầu dùng căn nhà làm di sản dùng vào việc thờ cúng.

Khoản 3 Điều 626 Bộ luật Dân sự 2015 cho phép người lập di chúc có quyền dành một phần tài sản trong khối di sản để di tặng, thờ cúng.

Khoản 1 Điều 645 Bộ luật Dân sự 2015 cũng quy định:

Trường hợp người lập di chúc để lại một phần di sản dùng vào việc thờ cúng thì phần di sản đó không được chia thừa kế và được giao cho người đã được chỉ định trong di chúc quản lý để thực hiện việc thờ cúng; nếu người được chỉ định không thực hiện đúng di chúc hoặc không theo thỏa thuận của những người thừa kế thì những người thừa kế có quyền giao phần di sản dùng vào việc thờ cúng cho người khác quản lý để thờ cúng.

Như vậy, nếu di chúc nêu rõ việc dùng căn nhà này để thờ cúng và giao cho người thừa kế là chồng bạn quản lý thì chồng bạn không thể bán căn nhà được mà chỉ đóng vai trò là người quản lý, không được định đoạt căn nhà. Nếu không thực hiện đúng di chúc thì căn nhà đó sẽ cho người khác quản lý để thờ cúng. Đây là một cách để ràng buộc người thừa kế không được chuyển nhượng tài sản.

- Nếu bố chồng bạn để lại căn nhà cho chồng bạn là người thừa kế và yêu cầu không được chuyển nhượng căn nhà.

Theo khoản 4 Điều 626 Bộ luật Dân sự 2015, người lập di chúc có quyền giao nghĩa vụ cho người thừa kế. Như vậy, nghĩa vụ của người thừa kế được giao trong trường hợp này là không được chuyển nhượng căn nhà.

Lý thuyết là như vậy nhưng trên thực tế, rất khó kiểm soát việc thực hiện nghĩa vụ này của người thừa kế. Bởi, sau khi chồng bạn - người thừa kế làm thủ tục để đăng ký sang tên quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở được nhận theo di chúc và trở thành chủ sở hữu căn nhà, chồng bạn sẽ có toàn quyền của sở hữu theo quy định của pháp luật, bao gồm quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt.

Lúc này, việc bán hay không bán khối tài sản lúc này không chịu một yếu tố ràng buộc nào cả.

Trên đây là giải đáp di chúc có điều kiện không được chuyển nhượng có hợp pháp không? Nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ  19006199 để được hỗ trợ.

>> Di chúc miệng có hiệu lực bao lâu? Hết hiệu lực chia thế nào?

Tin cùng chủ đề

Có thể bạn quan tâm

X