hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Hai, 04/04/2022
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Di chúc hợp pháp vẫn có thể không có hiệu lực đúng không?

Di chúc không thỏa mãn các điều kiện hợp pháp nêu tại Điều 630 Bộ luật Dân sự sẽ bị vô hiệu. Tuy nhiên, di chúc hợp pháp vẫn có thể không có hiệu lực trong một số trường hợp.

Câu hỏi: Tôi vừa lập đi lập di chúc tại văn phòng công chứng về. Tôi có dự định để lại toàn bộ tài sản cho con riêng của mình nhưng vẫn rất lo lắng bởi có nghe thông tin rằng di chúc hợp pháp vẫn có thể không có hiệu lực. Thông tin này có đúng không? Xin giải đáp giúp tôi. Xin cảm ơn.

Di chúc hợp pháp phải đáp ứng những điều kiện nào?

Theo quy định tại Điều 630 Bộ luật Dân sự năm 2015, di chúc hợp pháp phải có đủ các điều kiện sau:

Điều kiện chung​

- Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép;

- Nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của luật.

Các trường hợp khác​ (với di chúc bằng văn bản)

- Di chúc của người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi phải được lập thành văn bản và phải được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý về việc lập di chúc.

- Di chúc của người bị hạn chế về thể chất hoặc của người không biết chữ phải được người làm chứng lập thành văn bản và có công chứng hoặc chứng thực.

- Di chúc bằng văn bản không có công chứng, chứng thực chỉ được coi là hợp pháp, nếu người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép; Nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của luật).

Điều kiện riêng của di chúc miệng​

Di chúc miệng được coi là hợp pháp nếu người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau khi người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng, người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ.

Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng viên hoặc cơ quan có thẩm quyền chứng thực xác nhận chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm chứng.

Xem thêm: Nên lập di chúc ở đâu để đảm bảo di chúc hợp pháp?

di chuc hop phap van co the khong co hieu luc
Di chúc hợp pháp về cơ bản sẽ có hiệu lực trừ một số trường hợp (Ảnh minh họa)

Trường hợp nào di chúc hợp pháp nhưng không có hiệu lực pháp luật?

Căn cứ vào Điều 643 Bộ luật Dân sự, di chúc được lập hợp pháp cũng có thể không có hiệu lực (toàn bộ hoặc một phần) nếu thuộc một trong các trường hợp sau:

- Người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc: Đây là trường hợp không còn người thừa kế, di chúc chỉ bị vô hiệu một phần, đối với phần di chúc của người thừa kế đã chết.

Cơ quan, tổ chức được chỉ định là người thừa kế không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế: Trường hợp này, một phần hoặc toàn bộ di chúc chỉ định cơ quan, tổ chức nói trên nhận di sản sẽ không có hiệu lực và phần di sản theo di chúc đó sẽ được chia theo pháp luật.

- Di chúc không có hiệu lực khi di sản để lại cho người thừa kế không còn vào thời điểm mở thừa kế. Nếu di sản để lại cho người thừa kế chỉ còn một phần thì phần di chúc về phần di sản còn lại vẫn có hiệu lực.

Ngoài các trường hợp di chúc không có hiệu lực pháp luật, vẫn có nhiều trường hợp dù di chúc hợp pháp nhưng vẫn không được chia theo ý của người để lại di chúc, gồm:

- Di chúc để lại di sản cho người không được hưởng di sản (trừ trường hợp người để lại di sản đã biết hành vi của những người đó, nhưng vẫn cho họ hưởng di sản theo di chúc):

+ Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng, sức khoẻ hoặc về hành vi ngược đãi nghiêm trọng, hành hạ người để lại di sản, xâm phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người đó;

+ Người vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng người để lại di sản;

+ Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng người thừa kế khác nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ phần di sản mà người thừa kế đó có quyền hưởng;

+ Người có hành vi lừa dối, cưỡng ép hoặc ngăn cản người để lại di sản trong việc lập di chúc; giả mạo di chúc, sửa chữa di chúc, huỷ di chúc, che giấu di chúc nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ di sản trái với ý chí của người để lại di sản.

- Hết thời hiệu yêu cầu chia di sản: Theo đó, thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn này thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó. Trường hợp không có người thừa kế đang quản lý di sản thì di sản thuộc quyền sở hữu của người đang chiếm hữu hoặc di sản thuộc về Nhà nước, nếu không có người chiếm hữu. Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là 10 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.

Do đó, nếu hết thời hiệu chia di sản mà người thừa kế không yêu cầu chia sẽ không được hưởng thừa kế theo di chúc.

Trên đây là giải đáp di chúc hợp pháp vẫn có thể không có hiệu lực đúng không? Nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ  19006199 để được hỗ trợ.

>> Lập di chúc khi tài sản đang thế chấp tại ngân hàng được không?

Tin cùng chủ đề

Có thể bạn quan tâm

X