Hiện nay, có nhiều tranh chấp phát sinh từ trường hợp chia di sản thừa kế có di chúc mà di chúc đã được lập cách đây hơn 10 năm. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tranh chấp là nhiều người cho rằng di chúc được lập cách đây hơn 10 năm thì không thể dùng để phân chia tài sản thừa kế được nữa.
Câu hỏi: Xin chào Luật sư. Bố tôi mất năm 2011. Trước khi mất, bố tôi có để lại di chúc (di chúc được chứng thực tại Ủy ban nhân dân xã nơi bố tôi thường trú) định đoạt tài sản là quyền sử dụng thửa đất được công nhận quyền sử dụng chung của bố tôi và mẹ tôi. Hàng thừa kế thứ nhất của bố tôi chỉ có mẹ tôi, tôi và 01 người em trai của tôi. Tuy nhiên, em trai tôi không đồng ý việc chia thừa kế theo di chúc bố tôi để lại mà muốn chiếm một nửa diện tích đất là tài sản chung của bố mẹ tôi.
1. Tôi có đọc thông tin trên báo rằng di chúc được lập cách đây hơn 10 năm thì không còn hiệu lực nữa. Vậy Luật sư cho tôi biết như vậy có đúng không? Tôi có thể yêu cầu chia di sản theo di chúc khi thời hạn của di chúc đã vượt quá 10 năm không?
Chào bạn, hiện nay, việc nhận thừa kế theo di chúc được thực hiện theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015 và các văn bản khác có liên quan.
Di chúc mở quá 10 năm còn hiệu lực không?
Theo thông tin bạn cung cấp, chúng tôi tạm thời có một số nhận định sau:
- Di chúc do bố bạn lập là di chúc hợp pháp (di chúc có chứng thực của Ủy ban nhân dân cấp xã);
- Người được hưởng thừa kế từ bố bạn gồm bạn, em bạn, mẹ bạn. Ngoài ra, không còn người nào được hưởng phần tài sản thừa kế từ bố bạn;
- Bố bạn không có những người được hưởng thừa kế không phụ thuộc nội dung di chúc theo quy định tại Điều 644 Bộ luật Dân sự 2015 (gồm có con chưa thành niên của bố bạn hoặc cha, mẹ, vợ của bố bạn hoặc con thành niên mà không có khả năng lao động của bố bạn).
Trước tiên, căn cứ khoản 1 Điều 623 Bộ luật Dân sự 2015:
Điều 623. Thời hiệu thừa kế
1. Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn này thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó. Trường hợp không có người thừa kế đang quản lý di sản thì di sản được giải quyết như sau:
a) Di sản thuộc quyền sở hữu của người đang chiếm hữu theo quy định tại Điều 236 của Bộ luật này;
b) Di sản thuộc về Nhà nước, nếu không có người chiếm hữu quy định tại điểm a khoản này.
…
Từ đó, suy ra, thời hiệu chia di sản thừa kế là quyền sử dụng thửa đất của bố bạn (tài sản là bất động sản) là 30 năm kể từ thời điểm mở thừa kế (thời điểm bố bạn mất).
Ngoài ra, khoản 2, khoản 3 Điều Bộ luật Dân sự 2015 quy định về việc di chúc không có hiệu lực toàn bộ hoặc một phần trong các trường hợp sau đây:
…
2. Di chúc không có hiệu lực toàn bộ hoặc một phần trong trường hợp sau đây:
a) Người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc;
b) Cơ quan, tổ chức được chỉ định là người thừa kế không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.
Trường hợp có nhiều người thừa kế theo di chúc mà có người chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc, một trong nhiều cơ quan, tổ chức được chỉ định hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế thì chỉ phần di chúc có liên quan đến cá nhân, cơ quan, tổ chức này không có hiệu lực.
3. Di chúc không có hiệu lực, nếu di sản để lại cho người thừa kế không còn vào thời điểm mở thừa kế; nếu di sản để lại cho người thừa kế chỉ còn một phần thì phần di chúc về phần di sản còn lại vẫn có hiệu lực.
…
=> Từ các căn cứ trên, thời hiệu yêu cầu chia di sản thừa kế theo di chúc là 30 năm đối với bất động sản, vì thế cho nên, di chúc được lập quá 10 năm (kể từ thời điểm mở thừa kế) trong trường hợp của bạn không là căn cứ để di chúc không có hiệu lực. Vì vậy, thông tin bạn đọc được trên báo là không chính xác.
Lúc này, bạn hoàn toàn có quyền yêu cầu chia di sản thừa kế theo di chúc. Việc chia di sản thừa kế theo di chúc có thể được thực hiện tại:
- Văn phòng công chứng/phòng công chứng/ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất trong trường hợp các bên không có tranh chấp về việc chia di sản thừa kế theo di chúc. Lúc này, những người được hưởng di sản thừa kế theo di chúc yêu cầu công chứng/chứng thực văn bản khai nhận di sản thừa kế theo di chúc/thỏa thuận phân chia di sản thừa kế theo di chúc trước khi tiến hành thủ tục đăng ký biến động/sang tên quyền sử dụng đất thừa kế;
- Hoặc khởi kiện tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền nếu trong trường hợp các bên không thể tự thỏa thuận được (có phát sinh tranh chấp).
Kết luận: Di chúc được lập cách đây hơn 10 năm nhưng chưa vượt quá 30 năm để định đoạt tài sản là bất động sản thì vẫn trong thời hiệu để người được hưởng di sản thừa kế theo di chúc yêu cầu chia di sản thừa kế. Người được hưởng di sản thừa kế theo di chúc có thể yêu cầu lập văn bản thỏa thuận phân chia di sản/khai nhận di sản thừa kế tại văn phòng công chứng/phòng công chứng/Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc yêu cầu phân chia tài sản thừa kế tại Tòa án có thẩm quyền.
Khởi kiện chia di sản thừa kế theo di chúc đã lập quá 10 năm thế nào?
Như chúng tôi đã trình bày ở trên, việc phân chia tài sản thừa kế theo di chúc của bạn có thể được thực hiện theo một trong hai cách chúng tôi đã nêu ở trên. Trong trường hợp những người được hưởng tài sản thừa kế theo di chúc không tự thỏa thuận để lập văn bản khai nhận di sản/thỏa thuận phân chia di sản tại cơ quan có chứng năng công chứng/chứng thực văn bản thỏa thuận/khai nhận di sản thừa kế theo quy định thì có thể lựa chọn khởi kiện tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền.
Lúc này, việc khởi kiện tại Tòa án nhân dân được tiến hành như sau:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ khởi kiện
Hồ sơ khởi kiện bao gồm:
- Di chúc;
- Giấy chứng tử của người lập di chúc;
- Chứng minh nhân dân/căn cước công dân/hộ chiếu còn thời hạn của người được hưởng thừa kế theo di chúc;
- Giấy tờ chứng minh nơi ở hợp pháp của người được hưởng di sản thừa kế theo di chúc;
- Đơn khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế theo di chúc (mẫu ban hành kèm theo Nghị quyết 01/2017/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao);
- Giấy tờ chứng minh quyền sở hữu, sử dụng tài sản (sổ đỏ/Giấy chứng nhận…);
- Giấy tờ/tài liệu...khác để chứng minh yêu cầu khởi kiện là có căn cứ và hợp pháp.Bước 2: Nộp hồ sơ
Thẩm quyền tiếp nhận, thụ lý, giải quyết yêu cầu của bạn là Tòa án nhân dân cấp huyện nơi có đất.
Lưu ý: Bạn cần đến đúng Tòa án có thẩm quyền tiếp nhận, thụ lý, giải quyết để tiết kiệm thời gian.
Bước 3: Giải quyết vụ việc
Tòa án nhân dân căn cứ vào yêu cầu khởi kiện, hồ sơ kèm theo yêu cầu khởi kiện để giải quyết vụ án theo quy định pháp luật hiện hành.
Theo quy định của Bộ luật tố tụng Dân sự 2015, thời gian giải quyết thông thường của một vụ án dân sự là khoảng 06 tháng.
Lưu ý: Sau khi nộp hồ sơ khởi kiện, bạn cần phải đóng tạm ứng án phí theo quy định pháp luật hiện hành và chỉ khi thực hiện đóng tạm ứng án phí thì vụ việc của bạn mới được Tòa án giải quyết.
Kết luận: Trong trường hợp những người thừa kế theo di chúc không thể tự thỏa thuận để chia thừa kế theo di chúc thì một trong số những người được hưởng thừa kế theo di chúc hoặc toàn bộ những người được hưởng thừa kế theo di chúc có quyền gửi đơn yêu cầu Tòa án nhân dân có thẩm quyền giải quyết.
Trên đây là giải đáp thắc mắc về di chúc quá 10 năm, nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ.
>> Giải quyết tranh chấp tài sản thừa kế không có di chúc thế nào?