hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Sáu, 25/03/2022
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Lập di chúc chia thừa kế sổ tiết kiệm tại ngân hàng thế nào?

Số tiền trong sổ tiết kiệm là một loại tài sản. Nhiều người muốn lập di chúc để lại tài sản này cho con cháu nhưng không biết làm thế nào.

Mục lục bài viết
  • Lập di chúc để lại thừa kế sổ tiết kiệm tại ngân hàng thế nào?
  • Mẫu di chúc thừa kế sổ tiết kiệm
  • Thủ tục rút sổ tiết kiệm của người đã mất

Lập di chúc để lại thừa kế sổ tiết kiệm tại ngân hàng thế nào?

Câu hỏi: Chào Luật sư. Tôi năm nay 50 tuổi, đang là kế toán cho một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Tôi có mở một sổ tiết kiệm tại ngân hàng, đây là tài sản riêng của tôi. Nhân dịp tinh thần tỉnh táo, khỏe mạnh, tôi muốn lập di chúc để lại sổ tiết kiệm ấy cho con tôi. Mong Luật sư cho tôi biết, tôi có thể lập di chúc bằng cách nào? Xin cảm ơn Luật sư.

Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi về cho chúng tôi. Với câu hỏi của bạn, chúng tôi xin được giải đáp như sau:

Di chúc có thể được lập dưới hình thức bằng văn bản hoặc di chúc miệng (Điều 627 Bộ luật Dân sự 2015). Theo đó:

- Di chúc miệng chỉ được lập khi người lập di chúc đang bị đe dọa bởi cái chết và không có khả năng lập di chúc bằng văn bản (khoản 1 Điều 629 của Bộ luật Dân sự 2015).

Từ thông tin bạn cung cấp, hiện nay bạn vẫn đang minh mẫn, tỉnh táo, vẫn làm việc bình thường thì không thể lập di chúc miệng để lại tài sản là số tiền trong sổ tiết kiệm cho con bạn.

- Di chúc bằng văn bản bao gồm: Di chúc bằng văn bản không có người làm chứng; Di chúc bằng văn bản có người làm chứng; Di chúc bằng văn bản có công chứng; Di chúc bằng văn bản có chứng thực.

Như vậy, tại thời điểm hiện tại, bạn muốn lập di chúc để lại thừa kế là số tiền có trong sổ tiết kiệm của bạn cho con thì phải lập di chúc bằng văn bản. Tùy thuộc vào nhu cầu mà bạn có thể lựa chọn hình thức di chúc bằng văn bản phù hợp cho mình.

Để di chúc bằng văn bản của bạn hợp pháp thì di chúc này phải đảm bảo các điều kiện được Bộ luật Dân sự 2015 quy định tại Điều 630 như sau:

- Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép;

- Nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của luật.

Trong đó, nội dung chủ yếu của di chúc gồm các điều khoản được quy định tại Điều 631 Bộ luật Dân sự 2015, cụ thể:

+ Ngày, tháng, năm lập di chúc;

+ Họ, tên và nơi cư trú của người lập di chúc;

+ Họ, tên người được hưởng di sản: Thường thông tin này được ghi theo giấy tờ tùy thân của họ (ví dụ hộ chiếu, căn cước công dân hoặc giấy khai sinh).

+ Di sản để lại và nơi có di sản: Tại đây bạn cần mô tả chi tiết thông tin của sổ tiết kiệm như: Số sổ tiết kiệm, tên ngân hàng mở sổ, kỳ hạn của sổ, mã khách hàng, tên chủ sổ, số Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân của chủ sổ, địa chỉ của chủ sổ, ngày phát hành...

+ Ngoài các nội dung chủ yếu trên, bạn có thể có thêm các điều khoản khác trong di chúc, chỉ cần đảm bảo các điều khoản đó không không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội (khoản 1 Điều 630 Bộ luật Dân sự 2015).

Lưu ý: Di chúc không được viết tắt hoặc viết bằng ký hiệu, nếu di chúc gồm nhiều trang thì mỗi trang phải được ghi số thứ tự và có chữ ký hoặc điểm chỉ của người lập di chúc. Trường hợp di chúc có sự tẩy xóa, sửa chữa thì bạn hoặc người làm chứng di chúc của bạn phải ký tên bên cạnh chỗ tẩy xóa, sửa chữa.

Như vậy, hiện nay nếu bạn muốn lập di chúc thì phải lựa chọn hình thức lập di chúc bằng văn bản. Thông thường, nhiều người lựa chọn cách thức lập di chúc có công chứng/chứng thực vì tính nhanh chóng, thuận tiện, chính xác và đảm bảo đúng quy định pháp luật.

di chuc so tiet kiem

Tiền trong sổ tiết kiệm là một loại tài sản thừa kế (Ảnh minh họa)

Mẫu di chúc thừa kế sổ tiết kiệm

Câu hỏi: Chào Luật sư, tôi có mở một sổ tiết kiệm tại ngân hàng. Nay tôi muốn lập di chúc để thừa kế lại số tiền trong đó cho con tôi, mong Luật sư cho tôi xin mẫu di chúc được không? Xin cảm ơn.

Chào bạn, chúng tôi xin giải đáp câu hỏi của bạn dựa trên thông tin bạn cung cấp như sau:

Nội dung của di chúc chủ yếu có các điều khoản được quy định tại Điều 631 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:

- Ngày, tháng, năm lập di chúc;

- Họ, tên và nơi cư trú của người lập di chúc;

- Họ, tên người, cơ quan, tổ chức được hưởng di sản;

- Di sản để lại và nơi có di sản.

- Ngoài các nội dung cơ bản này thì di chúc có thể có các nội dung khác, chỉ cần đảm bảo nội dung đó không trái đạo đức, không vi phạm điều cấm của luật.

Hiện nay, pháp luật chưa quy định mẫu di chúc chung. Dựa trên quy định pháp luật về nội dung chủ yếu của di chúc và điều kiện có hiệu lực của di chúc, chúng tôi cung cấp mẫu di chúc cho bạn tham khảo dưới đây:

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

DI CHÚC

Hôm nay, ngày ... tháng ..... năm ...., tại ..............................................................,

Tôi là: ........................................

Sinh ngày .... tháng .... năm ............

CMND/CCCD/Hộ chiếu số: ........................ do ........................... cấp ngày ....................

Hộ khẩu thường trú tại: ....................................................................................................

Nay, trong trạng thái tinh thần hoàn toàn minh mẫn, sáng suốt, không bị bất kỳ một sự lừa dối, đe dọa hoặc cưỡng ép nào, tôi lập di chúc này để định đoạt như sau:

Tài sản của tôi là: (1)

Sổ Tiết kiệm có kỳ hạn số ……………. số tài khoản ………………… kỳ hạn …….. do Ngân hàng …………………., phát hành ngày …………….., ngày đến hạn ……………. mang tên …………… với số tiền là ……… VNĐ (Bằng chữ: …………..).

Sau khi tôi chết, di sản nêu trên của tôi được để lại cho: (2)

1/ Ông/bà: ........................................

Sinh ngày .... tháng .... năm ............

CMND/CCCD/Hộ chiếu số: ........................ do ........................... cấp ngày ....................

Hộ khẩu thường trú tại: ....................................................................................................

2/ Ông/bà: ........................................

Sinh ngày .... tháng .... năm ............

CMND/CCCD/Hộ chiếu số: ........................ do ........................... cấp ngày ....................

Hộ khẩu thường trú tại: ....................................................................................................

Ngoài ông/bà .................., tôi không để lại tài sản nêu trên của mình cho bất cứ ai khác.

Ý nguyện của tôi: ........................................................................

............................................................................................................................................

Sau khi tôi qua đời, (3) ........................... được toàn quyền làm các thủ tục theo quy định của pháp luật để được đứng tên số tài sản nói trên theo bản di chúc này.

Di chúc này được tự tay tôi viết, thể hiện đầy đủ, dứt khoát ý chí của tôi, được lập thành (4) .... (...) bản, mỗi bản gồm ... (...) trang.... (...) tờ.

NGƯỜI LẬP DI CHÚC

(Ký ghi rõ họ tên và điểm chỉ)

Chú thích:

(1) Liệt kê đầy đủ thông tin về sổ tiết kiệm kèm theo thông tin về các loại giấy tờ chứng minh quyền sở hữu hợp pháp của sổ tiết kiệm

(2) Liệt kê chi tiết về thông tin nhân thân của người được hưởng di sản thừa kế

(3) Người được hưởng di sản thừa kế theo di chúc.

(4) Viết bằng số và bằng chữ.

Cần lưu ý:

- Di chúc không được viết tắt hoặc viết bằng ký hiệu, nếu di chúc gồm nhiều trang thì mỗi trang phải được ghi số thứ tự và có chữ ký hoặc điểm chỉ của người lập di chúc.

- Trường hợp di chúc có sự tẩy xóa, sửa chữa thì người tự viết di chúc hoặc người làm chứng di chúc phải ký tên bên cạnh chỗ tẩy xóa, sửa chữa.

Ngoài việc tự lập di chúc không có công chứng, pháp luật cũng cho phép bạn thực hiện công chứng di chúc hoặc lập di chúc bằng văn bản có người làm chứng (Điều 628 Bộ luật Dân sự 2015).

Xem thêm: Lập di chúc tại phòng công chứng

Kết luận: Bạn có thể lập di chúc để lại số tiền trong sổ tiết kiệm bằng văn bản, cũng có thể lựa chọn hình thức bằng văn bản có người làm chứng hoặc có công chứng/chứng thực. Tuy nhiên, dù lựa chọn dưới hình thức nào thì di chúc bạn lập cũng phải đảm bảo các nội dung chủ yếu mà pháp luật quy định ở trên.


Thủ tục rút sổ tiết kiệm của người đã mất

Câu hỏi: Chào HieuLuat, tôi có vấn đề mong được giải đáp như sau: Bố tôi mất cách đây vài năm. Trước khi mất bố tôi có mở một sổ tiết kiệm tại ngân hàng, đây là tài sản riêng của bố tôi, bố tôi không lập di chúc. Hiện nay gia đình tôi muốn rút số tiền trong sổ tiết kiệm tại ngân hàng của bố tôi thì tôi phải làm thế nào?

Xin cảm ơn HieuLuat đã giải đáp.

Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi về cho HieuLuat. Chúng tôi xin giải đáp vấn đề của bạn như sau:

Theo quy định hiện hành, số tiền có trong sổ tiết kiệm mở tại ngân hàng của bố bạn là di sản thừa kế. Do bố bạn không lập di chúc, nên di sản này sẽ được chia theo pháp luật (Điều 650 Bộ luật Dân sự 2015). Người thừa kế thuộc hàng thừa kế thứ nhất của bố bạn gồm: mẹ bạn, các con (bao gồm cả con đẻ, con nuôi hợp pháp), ông bà nội của bạn (bao gồm cả ông bà là bố mẹ nuôi hợp pháp của bố bạn) là những người được hưởng số tiền trong sổ tiết kiệm của bố bạn (Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015).

Để rút được khoản tiền này tại ngân hàng, gia đình bạn cần thực hiện thủ tục phân chia di sản thừa kế hoặc khai nhận di sản thừa kế (dành cho trường hợp người được hưởng thừa kế chưa muốn chia di sản hoặc chỉ có một người thừa kế duy nhất) tại văn phòng công chứng/phòng công chứng theo trình tự, thủ tục của Luật Công chứng 2014.

Căn cứ Điều 57, Điều 58 Luật Công chứng 2014, để rút tiền trong sổ tiết kiệm bố bạn mở tại ngân hàng, gia đình bạn thực hiện theo trình tự sau đây

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ

Hồ sơ gồm:

- Phiếu yêu cầu công chứng theo mẫu do văn phòng công chứng/phòng công chứng lập;

- Giấy chứng tử của bố bạn;

- Giấy khai sinh các con của bố bạn;

- Sổ hộ khẩu (Giấy tờ xác nhận thông tin cư trú) của các thành viên là người được hưởng thừa kề;

- Giấy tờ tùy thân (Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân/Hộ chiếu);

- Giấy chứng nhận kết hôn (đối với mẹ bạn);

- Nếu có người từ chối nhận di sản thì phải có văn bản từ chối nhận di sản (văn bản này phải được công chứng/chứng thực);

- Sổ tiết kiệm đứng tên của bố bạn;

- Dự thảo văn bản thỏa thuận phân chia di sản hoặc khai nhận di sản của gia đình bạn (nếu có);

- Giấy tờ khác: Ví dụ chứng minh quan hệ cha mẹ con của bố bạn và ông bà nội bạn,...

Bước 2: Công chứng viên thực hiện các công việc

- Tiếp nhận và kiểm tra đối chiếu hồ sơ. Nếu có sai sót hoặc cần phải sửa chữa thì hướng dẫn các bên thực hiện sửa chữa đúng theo quy định pháp luật;

- Lập văn bản thông báo về việc thụ lý phân chia di sản thừa kế/khai nhận di sản thừa kết và thực hiện niêm yết tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thường trú cuối cùng của bố bạn trước khi mất (Điều 18 Nghị định 29/2015/NĐ-CP). Thời hạn niêm yết là 15 ngày, kể từ ngày niêm yết;

- Trường hợp không có tranh chấp, khiếu nại, tố cáo liên quan đến tài sản thì sau 15 ngày, Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận vào văn bản niêm yết;

- Công chứng viên thực hiện công chứng văn bản khai nhận di sản thừa kế hoặc thỏa thuận phân chia di sản thừa kế cho gia đình bạn sau khi nhận lại văn bản niêm yết của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thực hiện niêm yết.

Bước 3: Trả kết quả

Gia đình bạn nhận lại kết quả là văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế/khai nhận di sản thừa kế đã được công chứng.

Cần phải lưu ý:

-  Trường hợp bố bạn chỉ có 01 người nhận di sản thừa kế hoặc những người thừa kế còn lại đều từ chối nhận di sản/tặng cho một người: Người này sau khi nhận kết quả từ công chứng viên có thể mang theo giấy tờ tùy thân của mình và sổ tiết kiệm bản chính tới ngân hàng rút tiền từ sổ tiết kiệm.

- Trường hợp có nhiều hơn 01 người trong văn bản khai nhận hoặc thỏa thuận phân chia di sản cùng nhận thừa kế tài sản: Họ cần lập thêm 01 văn bản ủy quyền được công chứng cho phép một người đại diện rút tiền từ sổ tiết kiệm tại ngân hàng hoặc tất cả họ cùng phải tới ngân hàng để thực hiện việc rút tiền từ sổ tiết kiệm. Hồ sơ cần có là: Giấy tờ tùy thân, sổ tiết kiệm và văn bản khai nhận di sản thừa kế/thỏa thuận phân chia di sản thừa kế đã được công chứng.

Vì bạn chưa cung cấp đầy đủ cho chúng tôi thông tin về người thừa kế, người từ chối di sản...nên dựa trên giải đáp trên của chúng tôi, bạn có thể lựa chọn cách thức thực hiện phù hợp cho mình.

Như vậy, việc rút tiền từ sổ tiết kiệm tại ngân hàng của bố bạn phải thông qua thủ tục khai nhận di sản thừa kế/phân chia di sản thừa kế tại văn phòng công chứng/phòng công chứng. Sau khi có văn bản khai nhận di sản thừa kế/thỏa thuận phân chia di sản thừa kế được công chứng, người có quyền hưởng liên hệ với ngân hàng để rút tiền này. 

Trên đây là giải đáp thắc mắc về di chúc sổ tiết kiệm, nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ  19006199 để được hỗ trợ.

>> Lập di chúc cho người nước ngoài hưởng thừa kế được không?

>> Có bắt buộc phải giám định y khoa khi lập di chúc không?

Tin cùng chủ đề

Có thể bạn quan tâm

X