hieuluat
Chia sẻ email

Tôi muốn di chúc tài sản cho cháu có được không?

Lập di chúc là quyền của cá nhân. Trong di chúc, người có tài sản có quyền định đoạt một phần hoặc toàn bộ tài sản của mình. Nhiều người quan tâm, liệu rằng lập di chúc để lại toàn bộ tài sản cho cháu có được không?

Lập di chúc để lại tài sản cho cháu có được không?

Câu hỏi: Kính chào HieuLuat, tôi có một thửa đất đã được cấp sổ đỏ, là tài sản của riêng tôi. Nay tôi muốn làm di chúc để lại toàn bộ tài sản này cho cháu ngoại của tôi thì có được không? Xin chân thành cảm ơn.

Chào bạn, chúng tôi đã nhận được yêu cầu của bạn. Căn cứ thông tin bạn cung cấp, chúng tôi xin tư vấn cho bạn như sau:

Bộ luật Dân sự 2015 quy định tại Điều 626 về quyền của người lập di chúc như sau:

Điều 626. Quyền của người lập di chúc

Người lập di chúc có quyền sau đây:

1. Chỉ định người thừa kế; truất quyền hưởng di sản của người thừa kế.

2. Phân định phần di sản cho từng người thừa kế.

3. Dành một phần tài sản trong khối di sản để di tặng, thờ cúng.

4. Giao nghĩa vụ cho người thừa kế.

5. Chỉ định người giữ di chúc, người quản lý di sản, người phân chia di sản.

Theo đó, pháp luật cho phép bạn được quyền chỉ định người thừa kế, tức là bạn có quyền lựa chọn ai sẽ được hưởng tài sản của mình. Do vậy, bạn có quyền lập di chúc để lại toàn bộ tài sản mình có cho cháu ngoại của bạn.

Để đảm bảo tính hợp pháp, di chúc bạn lập phải đảm bảo các điều kiện được quy định tại Điều 630 của Bộ Luật Dân sự 2015 như sau:

- Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép;

- Nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của luật.

- Di chúc của người bị hạn chế về thể chất hoặc của người không biết chữ phải được người làm chứng lập thành văn bản và có công chứng hoặc chứng thực.

Như vậy, bạn có quyền lập di chúc để lại tài sản là quyền sử dụng đất cho cháu của mình, nhưng di chúc của bạn phải đảm bảo các điều kiện mà Bộ Luật Dân sự 2015 đã quy định.

Lưu ý rằng, cháu ngoại của bạn có thể vẫn không được hưởng toàn bộ khối tài sản theo di chúc nếu bạn có con thuộc trường hợp được quy định tại Điều 644 của Bộ luật Dân sự. Cụ thể, nếu thuộc một trong 02 trường hợp dưới đây, con của bạn được hưởng ít nhất 2/3 một suất thừa kế nếu chia theo pháp luật mà không phụ thuộc vào nội dung di chúc.

- Con của bạn chưa thành niên;

- Hoặc con của bạn đã thành niên nhưng không có khả năng lao động.
di chuc tai san cho chau

Nhiều người muốn để lại tài sản cho cháu (Ảnh minh họa)

Con cái có quyền can thiệp vào nội dung di chúc của bố mẹ không?

Câu hỏi: Chào Luật sư, vợ chồng tôi có quyền sở hữu chung một căn chung cư (căn chung cư đã được cấp Giấy chứng nhận mang tên của hai vợ chồng tôi). Nay chúng tôi muốn lập di chúc để lại căn chung cư này cho cháu của mình (con của chị gái chồng tôi) thì các con của không đồng ý cho chúng tôi làm như vậy. Vậy tôi muốn hỏi, các con của tôi có được quyền can thiệp việc vợ chồng tôi cho ai căn hộ chung cư kia không?. Xin cảm ơn Luật sư.

Xin chào bạn, chúng tôi đã tiếp nhận câu hỏi của bạn. Dựa trên quy định pháp luật hiện hành, chúng tôi xin tư vấn cho bạn như sau:

Trước hết, căn cứ khoản 1 Điều 625 và  Điều 626 của Bộ luật Dân sự 2015, với tài sản chung là căn chung cư đã được cấp Giấy chứng nhận, vợ chồng bạn có quyền:

- Lập di chúc để định đoạt tài sản của mình: tức định đoạt xem muốn lập di chúc cho ai, lập di chúc tại thời điểm nào, ở đâu, bằng hình thức nào...

- Chỉ định những người được thừa kế tài sản của mình;

- Định đoạt phần mà mỗi người thừa kế được hưởng trong khối tài sản chung của hai vợ chồng bạn;

Với thông tin bạn cung cấp, chúng tôi hiểu rằng, căn chung cư này đã được Nhà nước công nhận quyền sở hữu cho hai vợ chồng bạn. Điều đó có nghĩa là các con của bạn không phải chủ sở hữu hợp pháp tài sản trên. Và khi không là chủ sở hữu thì các con của bạn không có quyền định đoạt phần tài sản đó cũng như không có quyền buộc vợ chồng bạn phải lập di chúc theo ý của họ.

Việc các con của vợ chồng bạn không đồng ý vợ chồng bạn lập di chúc cho cháu gái của mình căn chung cư trên là không có căn cứ pháp luật.

Dù không được quyền can thiệp vào di chúc nhưng các con của bạn vẫn có thể được hưởng một phần khối tài sản mà vợ chồng bạn để lại nếu thuộc trường hợp quy định tại Điều 644 của Bộ luật Dân sự 2015:

Điều 644. Người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc

1. Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó:

a) Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;

b) Con thành niên mà không có khả năng lao động.

2. Quy định tại khoản 1 Điều này không áp dụng đối với người từ chối nhận di sản theo quy định tại Điều 620 hoặc họ là những người không có quyền hưởng di sản theo quy định tại khoản 1 Điều 621 của Bộ luật này.

Quy định này cho thấy, vợ chồng bạn có lập di chúc cho cháu gái của mình nhưng tại thời điểm mở thừa kế (thời điểm vợ, chồng bạn qua đời), con của bạn chưa thành niên hoặc đã thành niên mà không có khả năng lao động thì vẫn được hưởng một phần trong khối tài sản của vợ chồng bạn. Phần được hưởng mỗi người con của vợ chồng bạn bằng 2/3 một suất thừa kế nếu di sản được chia theo pháp luật.

Kết luận, con của bạn không phải là chủ sở hữu tài sản nên không có quyền can thiệp vào việc vợ chồng bạn lập di chúc định đoạt tài sản cho ai, cho bao nhiêu. Tuy nhiên, các con bạn mặc dù không được có quyền thay đổi quyết định lập di chúc, định đoạt tài sản của vợ chồng bạn nhưng vẫn được pháp luật cho phép thừa hưởng một phần tài sản đó nếu chưa thành niên hoặc đã thành niên nhưng không có khả năng lao động.

Trên đây là giải đáp các thắc mắc về việc lập di chúc tài sản cho cháu, nếu còn thắc mắc vui lòng liên hệ  19006192 để được hỗ trợ

>> Di chúc phải viết tay hay đánh máy?

>> Có cần công chứng di chúc không?

Tin cùng chủ đề

Có thể bạn quan tâm

X