hieuluat
Chia sẻ email

Di chúc thừa kế đất đai: Điều kiện, thủ tục hưởng thế nào?

Di chúc thừa kế đất đai theo quy định hiện hành được thực hiện như thế nào? Việc lập di chúc cho con ở nước ngoài được thực hiện ra sao? Thủ tục chia thừa kế cho người được hưởng theo di chúc thế nào? HieuLuat sẽ giải đáp toàn bộ những vướng mắc này trong bài viết phía dưới.

 
Mục lục bài viết
  • Quyền thừa kế đất đai theo di chúc của con ở nước ngoài?
  • Lập di chúc thừa kế đất đai cho con ở nước ngoài được không?
  • Di chúc thừa kế đất đai không có giá trị pháp luật khi nào?
  • Di chúc thừa kế đất đai gồm những nội dung gì?
  • Quyền thừa kế đất đai có di chúc khi có người từ chối ra sao?

Câu hỏi: Xin chào Luật sư, tôi có câu hỏi liên quan đến việc lập di chúc thừa kế đất đai cho các con mong được hỗ trợ giải đáp như sau:

1, Việc lập di chúc có thể được thực hiện theo những cách nào? Người lập di chúc có thể định đoạt tài sản của mình cho con đang ở nước ngoài được không?

2, Di chúc như thế nào thì bị vô hiệu?

3, Thủ tục phân chia tài sản đất đai theo di chúc thế nào?

Chân thành cảm ơn sự hỗ trợ của Luật sư.

Xin chào bạn, với những vướng mắc liên quan đến vấn đề lập di chúc thừa kế đất đai và thủ tục thực hiện chia di sản theo di chúc mà bạn đang quan tâm, chúng tôi xin được giải đáp như sau:

Quyền thừa kế đất đai theo di chúc của con ở nước ngoài?

Lập di chúc thừa kế đất đai cho con là một trong những quyền của người có tài sản.

Việc lập di chúc được thực hiện theo trình tự, thủ tục của pháp luật đất đai, pháp luật dân sự.

Vậy, việc lập di chúc thừa kế đất đai cho con đang ở nước ngoài được thực hiện ra sao?

Lập di chúc thừa kế đất đai cho con ở nước ngoài được không?

Trước hết, Điều 609 Bộ luật Dân sự 2015 cho phép người có tài sản được quyền lựa chọn một trong hai hình thức để lại di sản thừa kế theo quy định tại Điều 609 Bộ luật Dân sự 2015 là thừa kế theo pháp luật hoặc thừa kế theo di chúc.

Trường hợp thừa kế theo di chúc, người để lại di sản thừa kế có quyền lựa chọn người, tổ chức, cơ quan được nhận di sản thừa kế mà không phụ thuộc vào nơi họ đang sinh sống hoặc có trụ sở (Điều 625, Điều 626 Bộ luật Dân sự 2015).

Điều này cũng có nghĩa là bạn có quyền lập di chúc thừa kế đất đai cho con đang sinh sống, học tập, làm việc hoặc định cư ở nước ngoài.

Ngược lại, đối với trường hợp thừa kế theo pháp luật thì việc thừa kế được dựa trên hàng thừa kế (nói cách khác, việc thừa kế này dựa trên quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng để phân chia).

Từ căn cứ tại Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015, suy ra, con đẻ/con nuôi hợp pháp đang làm việc, sinh sống, học tập, thậm chí là định cư ở nước ngoài cũng thuộc đối tượng được hưởng thừa kế theo pháp luật (là người thuộc hàng thừa kế thứ 1 của người để lại di sản).

Tóm lại, pháp luật Việt Nam cho phép cá nhân được lập di chúc thừa kế đất đai cho các con của mình mà không phân biệt các con đang ở trong nước hay ở nước ngoài.

Ngoài ra, trong trường hợp không có di chúc, con đẻ/con nuôi của người để lại di sản cũng là đối tượng thuộc hàng thừa kế thứ 1 được quy định tại Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015 khi chia thừa kế theo pháp luật.

di chuc thua ke dat dai


Di chúc thừa kế đất đai không có giá trị pháp luật khi nào?

Ngoài băn khoăn có được lập di chúc thừa kế đất đai cho con đang ở nước ngoài không thì vấn đề hiệu lực của di chúc đã lập cũng là vấn đề mà người có di sản lập di chúc quan tâm.

Một bản di chúc hợp pháp vẫn có thể không có hiệu lực pháp lý tại thời điểm phân chia di sản.

Căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 643 Bộ luật Dân sự 2015, di chúc không có hiệu lực toàn bộ hoặc không có hiệu lực một phần nếu thuộc một trong những trường hợp sau đây:

  • Người được nhận thừa kế (người nhận thừa kế theo di chúc) chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc;

  • Cơ quan, tổ chức được chỉ định nhận tài sản thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế (thời điểm người lập di chúc chết);

  • Di sản để lại thừa kế theo di chúc không còn vào thời điểm mở thừa kế;

Lưu ý: Khi có phần di chúc không hợp pháp (phần di sản không còn tồn tại, người hưởng thừa kế không còn…) mà không ảnh hưởng đến các phần còn lại của di chúc thì chỉ phần đó không có hiệu lực, các phần còn lại vẫn có hiệu lực.

Kết luận: Bản di chúc thừa kế đất đai được sử dụng làm căn cứ phân chia di sản thừa kế nếu không thuộc trường hợp không có hiệu lực như chúng tôi đã nêu ở trên.

Theo đó, phần di chúc không có hiệu lực pháp luật sẽ không được phân chia, phần di chúc còn lại có hiệu lực và không chịu ảnh hưởng của phần di chúc không có hiệu lực thì vẫn được phân chia.

Di chúc thừa kế đất đai gồm những nội dung gì?

Di chúc thừa kế đất đai là văn bản ghi nhận lại những nguyện vọng, mong muốn của người có tài sản trước khi họ qua đời.

Di chúc theo quy định của pháp luật dân sự hiện hành bao gồm những nội dung chủ yếu được quy định tại Điều 631 Bộ luật Dân sự 2015 gồm:

  • Ngày, tháng, năm lập di chúc: Người lập di chúc phải ghi rõ ngày tháng năm dương lịch và có thể thêm ngày tháng năm âm lịch tại thời điểm lập di chúc. Người lập di chúc cũng có thể ghi nhận thêm thời gian giờ, phút, giây lập di chúc (nếu có nhu cầu);

  • Họ và tên, nơi cư trú của người lập di chúc: Trong bản di chúc, người lập di chúc phải ghi đầy đủ họ tên của mình và nơi đăng ký thường trú/tạm trú theo sổ hộ khẩu/sổ tạm trú/giấy tờ xác minh nơi ở hợp pháp. Thông thường nội dung về ngày tháng năm lập di chúc, họ tên người lập di chúc được ghi nhận ngay phần đầu của bản di chúc;

  • Họ tên của người, cơ quan, tổ chức được hưởng di chúc: Một trong những điều kiện để bản di chúc có thể được phân chia là người lập di chúc phải ghi nhận rõ ràng, chính xác tên của người, cơ quan, tổ chức được nhận di sản. Thông thường đối với cá nhân, cần nêu thông tin theo giấy tờ tùy thân, tổ chức/cơ quan thì được ghi tên theo địa chỉ được ghi trên quyết định thành lập/giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh/giấy chứng nhận đầu tư…;

  • Di sản để lại và nơi có di sản: Đây là thông tin rất quan trọng trong bản di chúc. Thông tin di sản là đất đai được ghi theo giấy chứng nhận/sổ đỏ đã cấp cho người lập di chúc;

  • Ngoài các thông tin cơ bản nêu trên, trong di chúc, người lập có thể ghi nhận thêm các thông tin khác như:

    • Tài sản được dùng để di tặng;

    • Tài sản được sử dụng vào việc thờ cúng;

    • Tài sản được sử dụng để bù trừ cho các nghĩa vụ;...

Kết luận: Bản di chúc thừa kế đất đai bao gồm các nội dung cơ bản theo quy định tại Điều 631 Bộ luật Dân sự 2015 như họ tên người lập di chúc, họ tên người nhận theo di chúc, thông tin về tài sản…

Ngoài các thông tin cơ bản nêu trên, người lập di chúc còn có thể thêm các yêu cầu, nội dung, điều khoản khác, chỉ cần đảm bảo các nội dung đã thêm không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội và có thể thực hiện được.

di chuc thua ke dat dai


Quyền thừa kế đất đai có di chúc khi có người từ chối ra sao?

Di chúc thừa kế đất đai cho con cháu hoặc cho người khác là quyền của người có đất. Tuy nhiên, người được nhận tài sản theo di chúc cũng có quyền từ chối nhận di sản (trừ trường hợp việc từ chối nhằm mục đích trốn tránh thực hiện nghĩa vụ của mình với người khác) (Điều 620 Bộ luật Dân sự 2015).

Theo đó, việc từ chối nhận di sản là đất đai phải được lập thành văn bản có công chứng hoặc chứng thực theo quy định và văn bản này phải được gửi cho những người thừa kế khác trước thời điểm phân chia di sản.

Do vậy, căn cứ khoản 2 Điều 650 Bộ luật Dân sự 2015, phần tài sản mà người từ chối nhận di sản sẽ được phân chia theo pháp luật.

Phân chia tài sản theo pháp luật là việc phân chia di sản theo hàng thừa kế, điều kiện và trình tự luật định.

Những người được hưởng phần di sản thừa kế được từ chối này là những người thuộc hàng thừa kế thứ 1 của người để lại di sản thừa kế. Họ bao gồm:

Điều 651. Người thừa kế theo pháp luật

1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

Người ở hàng thừa kế sau chỉ được nhận di sản nếu người ở hàng thừa kế trước không được quyền hưởng di sản hoặc họ đã chết hoặc đã bị truất quyền hưởng di sản hoặc toàn bộ đã từ chối nhận di sản.

Việc chia di sản trong trường hợp này là chia đều cho những người cùng được hưởng di sản thừa kế ở cùng một hàng.

Kết luận: Trường hợp di chúc thừa kế đất đai cho người, tổ chức, cơ quan mà người nhận thừa kế từ chối nhận di sản thì phần di sản đó được chia theo pháp luật.

Có nghĩa rằng những người cùng một hàng thừa kế được hưởng phần di sản bằng nhau tại thời điểm phân chia di sản.

Thủ tục nhận thừa kế đất đai theo di chúc thế nào?

Thủ tục nhận thừa kế đất đai theo di chúc được thực hiện theo quy định tại Bộ luật Dân sự 2015, Luật Công chứng 2014, Nghị định 23/2015/NĐ-CP và các văn bản khác có liên quan.

Cụ thể, thủ tục nhận di sản thừa kế đất đai theo di chúc được thực hiện như sau:

Bước 1: Họp mặt, lập văn bản khai nhận/thỏa thuận phân chia di sản

Những người được hưởng di sản thừa kế tiến hành họp mặt để thỏa thuận các vấn đề xoay quanh việc nhận di sản như các nghĩa vụ với tài sản, nhận tài sản theo di chúc, lựa chọn nơi lập văn bản khai nhận di sản…;

Văn bản khai nhận di sản được lập có công chứng/chứng thực sau khi đã tiến hành niêm yết tại trụ sở Ủy ban nhân dân nơi có đất và nơi người để lại di sản cư trú cuối cùng trong khoảng thời gian 15 ngày;

Bước 2: Sang tên sổ đỏ theo văn bản nhận di sản

Người được nhận di sản thừa kế theo văn bản khai nhận di sản/thỏa thuận phân chia di sản thực hiện nộp hồ sơ sang tên sổ đỏ tại văn phòng đăng ký đất đai có thẩm quyền trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày lập văn bản có công chứng;

Để được nhận sổ đỏ mang tên của mình, người nhận di sản thừa kế phải đóng, nộp các khoản phí, lệ phí…theo quy định pháp luật như lệ phí trước bạ, phí thẩm định hồ sơ…;

Bước 3: Nhận sổ đỏ đã sang tên

Người nhận di sản thừa kế nhận sổ đỏ đã sang tên của mình/đã được xác nhận biến động ở trang 4 của sổ đỏ sau khi đã nộp biên lai xác nhận đóng nộp đầy đủ thuế phí cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo phiếu hẹn.

Kết luận: Di chúc thừa kế tài sản đất đai có hiệu lực pháp luật là căn cứ để người nhận di sản theo di chúc thực hiện khai nhận di sản theo các bước mà chúng tôi đã nêu trên.

Người nhận di sản đất đai theo di chúc phải hoàn thành nghĩa vụ tài chính trước khi nhận sổ đỏ đã được sang tên cho mình.

Trên đây là giải đáp thắc mắc về di chúc thừa kế đất đai, nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ  19006199 để được hỗ trợ.
Nguyễn Văn Việt

Tham vấn bởi: Luật sư Nguyễn Văn Việt

Công ty Luật TNHH I&J - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Có thể bạn quan tâm

X