hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Tư, 19/10/2022
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Đi làm CCCD mặc áo gì? Ảnh CCCD xấu, chụp lại được không?

Với những ưu điểm vượt trội cũng như những tiện ích khi sử dụng, hiện nay nhiều người đang tiến hành việc làm Căn cước công dân (CCCD) gắn chip. Một trong những câu hỏi được nhiều người quan tâm đó là đi làm CCCD mặc áo gì?

Câu hỏi: Cháu sắp đi làm Căn cước công dân gắn chip nhưng cháu đang thắc mắc không biết phải mặc áo gì cho phù hợp, có được trang điểm khi chụp ảnh hay không? Và nếu ảnh xấu thì có được chụp lại không ạ?

Chào bạn, vấn đề bạn hỏi được khá nhiều người quan tâm. Và để hiểu hơn về vấn đề của mình, mời bạn tham khảo thêm những thông tin chúng tôi nêu dưới đây:

Đi làm Căn cước công dân mặc áo gì?

Trước đây theo quy định tại Điều 12 Thông tư 07/2016/TT-BCA (hiện đã hết hiệu lực) ảnh chụp để làm Căn cước công dân (CCCD) phải đảm bảo các yêu cầu:

  • Ảnh chân dung của công dân phải là ảnh chụp chính diện, đầu để trần, rõ mặt, rõ hai tai và không đeo kính.
  • Trang phục lẫn tác phong nghiêm túc, lịch sự

Bên cạnh đó, công dân không được sử dụng trang phục chuyên ngành khi chụp ảnh thẻ Căn cước công dân.

Trường hợp công dân theo tôn giáo, dân tộc thì được phép mặc lễ phục thuộc tôn giáo, dân tộc đó.

Nếu có khăn đội đầu, được giữ nguyên khi chụp ảnh thẻ CCCD nhưng phải bảo đảm khi chụp ảnh rõ mặt.

Hiện nay, Thông tư 59/2021/TT-BCA thay thế Thông tư 07/2016/TT-BCA đã không còn được quy định về ảnh chân dung của công dân trong thẻ Căn cước công dân.

Có thể thấy, pháp luật không có quy quy định bắt buộc công dân CCCD đi làm căn cước công dân mặc áo gì hay cấm công dân không được trang điểm để chụp ảnh.

Như vậy, khi đi làm thẻ Căn cước, bạn có thể mặc các kiểu áo khác nhau tùy theo sở thích của bản thân tuy nhiên phải đảm bảo gọn gàng, lịch sự, nghiêm túc.

Ngoài ra bạn cũng có thể trang điểm nhẹ nhàng nhưng tạo khối không quá đậm, lòe loẹt dẫn đến việc làm mất đi đường nét và đặc điểm riêng để nhận dạng trên khuôn mặt.

Tuy nhên để có ảnh CCCD đẹp bạn nên mặc áo sơ mi, màu trắng càng tốt. Đầu tóc nên để gọn gàng, vén qua tai và để lộ toàn khuôn mặt. Nếu bị tật khúc xạ như cận thị hay viễn thị bạn không được đeo kính nhưng có thể dùng kính áp tròng thay thế. Khi chụp ảnh bạn nên ngồi ở tư thế thoải mái, lưng thẳng đồng thời giữ được nét mặt tươi tỉnh.

di lam can cuoc cong dan mac ao gi

Ảnh Căn cước công dân chưa đẹp, chụp lại được không?

Theo Điều 11 Thông tư 59/2021, khi làm Căn cước công dân, cán bộ Công an sẽ thực hiện các bước theo trình tự:

Đầu tiên là tìm kiếm thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Sau đó, lựa chọn loại cấp và mô tả đặc điểm nhận dạng.

Tiếp đến, thu nhận vân tay của người làm CCCD rồi mới tiến hành chụp ảnh chân dung.

Kế đó, in các Phiếu thu nhận thông tin căn Cước công dân; Phiếu cập nhật, chỉnh sửa thông tin dân cư (nếu có); Phiếu thu thập thông tin dân cư (nếu có).

Công dân sẽ được được kiểm tra và ký vào các phiếu này để xác nhận thông tin và cán bộ làm thủ tục thu lệ phí và cấp giấy hẹn trả kết quả giải quyết.

Bạn có thể kiểm tra thông tin, xem lại ảnh chụp chân dung khi xác nhận Phiếu thu nhận thông tin.

Nếu chưa hài lòng với ảnh chụp, bạn có thể đề nghị chụp lại ảnh. Tuy nhiên, việc cho phép chụp lại hay không là do cán bộ làm thủ tục quyết định. Cán bộ làm thủ tục sẽ căn cứ vào các yêu cầu để đánh giá một tấm ảnh đạt hay không đạt để sử dụng cho CCCD.

Trên thực tế, không phải ai cũng có thể chụp lại ảnh nếu chưa hài long với ảnh của mình.

Các trường hợp phổ biến để chụp lại ảnh thường là: ảnh không rõ mặt, người trong ảnh bị nháy mắt, nghiêng đầu, chưa rõ hai tai, tác phong không lịch sự…

Đối tượng được cấp thẻ CCCD

  • Công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên được cấp thẻ Căn cước công dân (khoản 1 Điều 19 Luật Căn cước công dân năm 2014)
  • Thẻ căn cước công dân phải được đổi khi công dân đó đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi và đủ 60 tuổi (Điều 21 Luật Căn cước công dân năm 2014)

Ngoài ra với những người đã có CMND hoặc đã có thẻ CCCD mã vạch sẽ đổi sang thẻ Căn cước công dân gắn chip khi có yêu cầu hoặc thẻ cũ bị hết hạn.

Trên đây là giải đáp về vấn đề đi làm căn cước công dân mặc áo gì, nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ  19006199 để được hỗ trợ.

Nguyễn Văn Việt

Tham vấn bởi: Luật sư Nguyễn Văn Việt

Công ty Luật TNHH I&J - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Tin cùng chủ đề

Có thể bạn quan tâm

X