hieuluat
Chia sẻ email

Đi nghĩa vụ quân sự có được về phép không?

Khoảng tháng 2 hoặc tháng 3 hàng năm chính là thời gian nhập ngũ. Vì thế, nhiều "tân binh" lo lắng trước giờ lên đường, không biết bao giờ được về phép để tham gia đình.

Sau 3 tháng tân binh có được về phép không?

Câu hỏi: Em chuẩn bị đi nghĩa vụ quân sự. Bạn em nói đi 3 tháng em sẽ được về nghỉ phép, có đúng không ạ?

Điểm b khoản 1 Điều 50 Luật Nghĩa vụ quân sự 2015 quy định về chế độ nghỉ phép như sau:

Điều 50. Chế độ, chính sách đối với hạ sĩ quan, binh sĩ phục vụ tại ngũ, xuất ngũ và thân nhân

1. Đối với hạ sĩ quan, binh sĩ trong thời gian phục vụ tại ngũ:

a) Được bảo đảm cung cấp kịp thời, đủ số lượng, đúng chất lượng về lương thực, thực phẩm, quân trang, thuốc phòng bệnh, chữa bệnh; được bảo đảm chỗ ở, phụ cấp hàng tháng, nhu yếu phẩm và nhu cầu về văn hóa, tinh thần phù hợp với tính chất nhiệm vụ của quân đội; được bảo đảm chế độ trong các ngày lễ, tết; được bảo đảm chăm sóc sức khỏe khi bị thương, bị ốm đau, bị tai nạn theo quy định của pháp luật;

b) Từ tháng thứ mười ba trở đi được nghỉ phép theo chế độ; các trường hợp nghỉ vì lý do đột xuất khác do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định;
...

Như vậy, tân binh sau 03 tháng không được về phép. Việc về phép diễn ra từ tháng thứ 13 trở đi trừ trường hợ nghỉ vì lý do đột xuất.

Theo hướng dẫn tại Nghị định 27/2016, hạ sĩ quan, binh sĩ phục vụ tại ngũ từ tháng thứ mười ba trở đi thì được nghỉ phép hàng năm; thời gian nghỉ là 10 ngày (không kể ngày đi và về) và được thanh toán tiền tàu, xe, tiền phụ cấp đi đường theo quy định hiện hành.

Trường hợp đặc biệt do yêu cầu nhiệm vụ chiến đấu, sẵn sàng chiến đấu hoặc ở những nơi điều kiện đi lại khó khăn không thể giải quyết cho nghỉ phép thì được thanh toán bằng tiền. Mức tiền thanh toán một ngày không nghỉ phép bằng mức tiền ăn cơ bản một ngày của hạ sĩ quan, binh sĩ bộ binh.

Ngoài ra, hạ sĩ quan, binh sĩ đã nghỉ phép năm theo chế độ, nếu gia đình gặp thiên tai, hỏa hoạn nặng hoặc bố, mẹ đẻ; bố, mẹ vợ hoặc bố, mẹ chồng; người nuôi dưỡng hợp pháp; vợ hoặc chồng và con đẻ, con nuôi hợp pháp từ trần, mất tích hoặc hạ sĩ quan, binh sĩ lập được thành tích đặc biệt xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ thì được nghỉ phép đặc biệt, thời gian không quá 05 ngày (không kể ngày đi và về) và được thanh toán tiền tàu, xe, tiền phụ cấp đi đường theo quy định hiện hành.

di nghia vu quan su co duoc ve phep khong
Đi nghĩa vụ quân sự có được về phép không? (Ảnh minh họa)

Đi nghĩa vụ quân sự có được dùng điện thoại không?

Câu hỏi: Em đang chuẩn bị nhập ngũ, em có được mang theo điện thoại để sử dụng không?

Theo Điều 10 Luật Nghĩa vụ quân sự 2015, nghiêm cấm các hành vi sau:

- Trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự.

- Chống đối, cản trở việc thực hiện nghĩa vụ quân sự.

- Gian dối trong khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự.

- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái quy định về nghĩa vụ quân sự.

- Sử dụng hạ sĩ quan, binh sĩ trái quy định của pháp luật.

- Xâm phạm thân thể, sức khỏe; xúc phạm danh dự, nhân phẩm của hạ sĩ quan, binh sĩ.

Như vậy, dưới góc độ pháp luật, hạ sĩ quan, binh sĩ không bị cấm mang theo và sử dụng điện thoại khi nhập ngũ.

Tuy nhiên do đặc thù tham gia nghĩa vụ quân sự có bí mật nên việc sử dụng điện thoại, các thiết bị điện tử, truyền tin khi đang phục vụ trong quân ngũ bị hạn chế, quản lý khắt khe, thậm chí là không được dùng. Vì vậy, bạn vẫn được mang theo điện thoại khi nhập ngũ tuy nhiên khi vào doanh trại sẽ phải gửi, khi đang học tập, huấn luyện sẽ không được dùng, chỉ được dùng trong thời gian quy định (thường là cuối tuần).

Trên đây là giải đáp đi nghĩa vụ quân sự có được về phép không và có được dùng điện thoại không? Nếu vẫn thắc mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ  19006192 để được hỗ trợ.

>> Quân nhân đào ngũ bị xử lý như thế nào? Có phải thực hiện lại nghĩa vụ quân sự

Có thể bạn quan tâm

X