hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Sáu, 11/03/2022
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Đi tù có được sử dụng điện thoại, liên lạc với người thân không?

Ở tù là một trong những "cái giá phải trả" cho người có hành vi sai phạm. Người bị kết án tù bị cách ly khỏi đời sống xã hội trong khoảng thời gian nhất định, bao gồm cả việc không được sử dụng nhiều vật dụng cá nhân như bình thường. Vậy liệu người đi tù có được sử dụng điện thoại không?

Mục lục bài viết
  • Có được mang theo điện thoại vào buồng giam?
  • Đi tù có được sử dụng điện thoại không?
  • Khi nào phạm nhân bị hạn chế liên lạc với người thân?
Câu hỏi: Anh trai em đang ở trại tạm giam chờ xét xử. Em muốn biết khi anh trai em bị kết án và đi tù thì có được mang điện thoại vào trại giam không? Anh có thể liên lạc về nhà không ạ? Em cảm ơn!

Có được mang điện thoại vào buồng giam?

Chào bạn, phạt tù là một trong những hình thức thực thi pháp luật nhằm đảm bảo công bằng, đồng thời cải tạo, giáo dục người phạm tội để họ nhận ra, sửa chữa sai lầm.

Tù nhân, bên cạnh việc được đảm bảo chế độ về ăn – mặc thì bị áp dụng các biện pháp nghiêm khắc trong thời gian ở tù. Họ bị cấm mang các vật dụng vào cơ sở giam giữ phạm nhân.

Cụ thể tại Điều 3 Thông tư 10/2020/TT-BCA, các vật dụng đó gồm:

- Vũ khí quân dụng, súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao và vũ khí khác có tính năng, tác dụng tương tự; vật liệu nổ.

- Công cụ hỗ trợ: Các loại súng dùng để bắn đạn nhựa, đạn cao su, hơi cay, hơi ngạt, chất độc, chất gây mê, từ trường, laze, pháo hiệu và các loại đạn sử dụng cho các loại súng này…

- Chất gây mê, chất độc, chất cháy, chất gây cháy, chất phóng xạ, hóa chất, độc dược.

- Các chất ma túy, tiền chất ma túy, thuốc gây nghiện và thuốc hướng thần.

- Các loại thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh, thực phẩm chức năng chưa được sự đồng ý của thủ trưởng cơ sở giam giữ; rượu, bia và các chất kích thích khác.

- Các đồ vật bằng kim loại, đồ làm bằng sành sứ, đá, thủy tinh, phích nước, các đồ vật có thể dùng làm hung khí.

- Tiền Việt Nam, các loại thẻ thanh toán điện tử, ngoại tệ, giấy tờ có giá, vàng, bạc, đá quý, kim loại quý.

- Các loại giấy tờ khác như: Chứng minh nhân dân, Căn cước công dân, hộ chiếu, hộ khẩu, giấy chứng nhận nghề, bằng cấp…

- Các loại thiết bị thông tin liên lạc cá nhân, phương tiện ghi âm, ghi hình.

- Các loại sách, báo, ấn phẩm bằng tiếng nước ngoài, tôn giáo, tín ngưỡng chưa qua kiểm duyệt; tranh, ảnh, phim, băng đĩa có nội dung mê tín dị đoan, phản động, đồi trụy…

- Các đồ vật khác có thể gây mất an ninh, an toàn cơ sở giam giữ, gây nguy hại cho bản thân phạm nhân và người khác, ảnh hưởng xấu đến vệ sinh môi trường hoặc để sử dụng vào mục đích đánh bạc.

Như vậy, điện thoại thuộc danh mục thiết bị thông tin liên lạc cá nhân và anh trai bạn khi bị kết án tù thì không được phép mang vào buồng giam giữ. Tuy nhiên, muốn biết anh bạn có thể liên lạc về nhà không, bạn theo dõi tiếp thông tin chúng tôi đưa dưới đây.

di tu co duoc su dung dien thoai khong

Đi tù có được sử dụng điện thoại không?

Theo như nội dung trên thì người đi tù không được mang điện thoại buồng giam giữ. Vậy liệu đi tù có được sử dụng điện thoại không? Họ liên lạc với người thân bằng cách nào?

Câu trả lời là tù nhân vẫn có thể liên lạc với gia đình, người thân. Việc phạm nhân dùng điện thoại để liên lạc với người thân được quy định tại Điều 54 Luật Thi hành án hình sự 2019 như sau:

- Mỗi tháng phạm nhân được gửi 02 lá thư. Việc kiểm tra, kiểm duyệt thư mà phạm nhân gửi và nhận được thực hiện bởi Giám thị trại giam, Giám thị trại tạm giam, Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện.

- Mỗi tháng, phạm nhân còn được liên lạc điện thoại trong nước với thân nhân 01 lần và mỗi lần không quá 10 phút, trừ trường hợp cấp bách.

Việc xem xét, quyết định việc cho phạm nhân liên lạc bằng điện thoại và tổ chức kiểm soát việc liên lạc này thực hiện bởi Giám thị trại giam, Giám thị trại tạm giam, Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện.

Phạm nhân sẽ chi trả chi phí cho việc liên lạc của mình.

Có thể thấy, khi đi tù phạm nhân không được mang điện thoại vào buồng giam nhưng có thể sử dụng điện thoại của trại giam để liên lạc với thân nhân một tháng 01 lần và phải đáp ứng các điều kiện theo quy định đồng thời trả chi phí khi sử dụng điện thoại.

Khi nào phạm nhân bị hạn chế liên lạc với người thân?

Phạm nhân có thể liên lạc với thân nhân 01 lần và theo quy định tại Điều 12 Thông tư 14/2020/TT-BCA, phạm nhân khi liên lạc bằng điện thoại với thân nhân phải liên lạc đúng số điện thoại và nội dung đã đăng ký tại sổ theo dõi.

Phạm nhân phải sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt, trừ khi là người dân tộc thiểu số hoặc là người nước ngoài không biết tiếng Việt.

Bên cạnh đó, nếu thường xuyên vi phạm nội quy cơ sở giam giữ phạm nhân được bố trí giam giữ riêng hoặc đang bị thi hành kỷ luật thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, Thủ trưởng cơ sở giam giữ phạm nhân có thể hạn chế việc liên lạc bằng điện thoại với thân nhân nhưng không quá 03 tháng.

Lúc này, cơ sở giam giữ phạm nhân có trách nhiệm thông báo việc hạn chế liên lạc điện thoại cho phạm nhân và thân nhân phạm nhân biết để thực hiện.

Ngoài ra, phạm nhân đang bị điều tra, truy tố, xét xử về hành vi phạm tội khác thì không được liên lạc với thân nhân bằng điện thoại.

Phạm nhân khi liên lạc với thân nhân qua điện thoại sẽ được Thủ trưởng cơ sở giam giữ bố trí địa điểm gọi điện thoại, đồng thời cử cán bộ giám sát chặt chẽ nội dung trao đổi. Nếu phát hiện nội dung trao đổi không đúng với đăng ký thì phải dừng cuộc gọi, trường hợp xét thấy cần thiết phải lập biên bản, đề xuất xử lý kỷ luật.

Trên đây là giải đáp về vấn đề đi tù có được sử dụng điện thoại không? Nếu còn thắc mắc khác về chủ đề này, độc giả vui lòng để lại câu hỏi tại đây hoặc liên hệ  19006199 để được hỗ trợ.

>> Đi tù có được hưởng lương hưu không? Thủ tục hưởng thế nào?

Tin cùng chủ đề

Có thể bạn quan tâm

X